Ông Vũ Bằng: TTCK năm 2012 sẽ có nhiều chuyển biến mới
|
Ông Vũ Bằng |
Cùng với kinh tế vĩ mô tiếp tục có dấu hiệu được cải thiện, nỗ lực tái cấu trúc TTCK của Bộ Tài chính và UBCK, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng tin tưởng, TTCK sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2012.
Được biết, Đề án tái cấu trúc TTCK và các CTCK đã được Bộ Tài chính báo cáo Thường trực Chính phủ và dự kiến sắp được thông qua. Những nội dung chính yếu của Đề án là gì, thưa ông?
Bộ Tài chính đã báo cáo Thường trực Chính phủ Đề án tái cấu trúc TTCK và các CTCK. Dự kiến, đề án này sẽ được Chính phủ thông qua ngay trong những ngày đầu tháng 1/2012.
Đề án sẽ là cơ sở để Bộ Tài chính, UBCK thực hiện từng bước tái cấu trúc TTCK từ nay đến năm 2015 trên các lĩnh vực chính yếu như cải cách cơ sở hàng hóa theo hướng nâng cao tiêu chuẩn phát hành, niêm yết, công bố thông tin, quản trị công ty, phân định tiêu chuẩn niêm yết, xây dựng sản phẩm mới; tăng cường chất lượng NĐT, trong đo, chú trọng phát triển NĐT tổ chức; nâng cao hiệu quả của thị trường trái phiếu nhằm tăng thanh khoản, xây dựng các nhà tạo lập thị trường sơ cấp, thứ cấp và kết nối giữa các nhà tạo lập thị trường, xây dựng tổ chức định mức tín nhiệm, phát triển các NĐT có tổ chức; tập trung tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán (CTCK và công ty quản lý quỹ).
Cùng với đó, sẽ tái cơ cấu Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký theo 2 phương án: sáp nhập thành một Sở GDCK hoặc thành lập dạng tập đoàn (holding company).
Thưa ông, đâu là những giải pháp tái cấu trúc TTCK trọng tâm mà UBCK sẽ triển khai trong năm 2012?
Để tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển bền vững, Bộ Tài chính, UBCK sẽ triển khai một số giải pháp chính trong năm 2012. Trong đó, tập trung xây dựng Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020, Đề án tái cấu trúc TTCK; xây dựng và triển khai Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp, Đề án tái cấu trúc các CTCK, Đề án TTCK phái sinh.
Cùng với đó, tập trung hoàn thiện khung pháp lý: Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, Nghị định xử phạt hành chính và các thông tư hướng dẫn. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Cơ quan quản lý cũng sẽ tập trung triển khai các sản phẩm mới như: quỹ mở, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ hưu trí tự nguyện nhằm phát triển NĐT có tổ chức và tạo cầu cho TTCK; chứng chỉ lưu ký toàn cầu; sản phẩm ETF. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK, đồng thời gắn với Đề án tái cấu trúc DNNN; xây dựng tổ chức định mức tín nhiệm; tái cấu trúc thị trường trái phiếu.
Trên cơ sở Nghị định hướng dẫn Luật và các Thông tư ban hành trong quý I/2012, sẽ thực hiện một bước nâng cao tiêu chuẩn phát hành, niêm yết, công bố thông tin và phân loại hàng hóa niêm yết theo Sở GDCK và bảng giao dịch.
Việc tái cấu trúc các CTCK được thực hiện theo 3 trụ cột: nâng cao năng lực tài chính, trình độ quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro bằng các hình thức hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch thực hiện tái cấu trúc các CTCK?
Đối với tái cấu trúc các CTCK, UBCK đã báo cáo Đề án lên Chính phủ, đồng thời UBCK cũng đã lập Ban chỉ đạo tái cấu trúc CTCK để triển khai Đề án đạt hiệu quả cao. Trong việc tái cấu trúc CTCK, trước mắt thực hiện rà soát báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính; tăng cường kiểm tra để nắm bắt tình hình hoạt động của CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 150%; phối hợp với các CTCK yếu kém để có giải pháp xử lý.
Sau ngày 1/4/2012, khi Thông tư 226/2010/TT-BTC chính thức có hiệu lực thi hành, sẽ phân loại các CTCK theo các mức cảnh báo, kiểm soát khác nhau trên cơ sở các tiêu chí cụ thể. Từ đó, có cơ sở để giảm số lượng CTCK và có phương án phù hợp đối với từng trường hợp.
Từ 1/1/2012, theo cam kết WTO, Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn lĩnh vực dịch vụ chứng khoán. Bộ Tài chính, UBCK đã có những đối sách cụ thể nào để giúp TTCK hội nhập thành công, thưa ông?
Theo cam kết, ngay từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã mở cửa lĩnh vực dịch vụ chứng khoán. Cụ thể, Việt Nam đã cam kết cho phép các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán nước ngoài thành lập văn phòng đại diện hoặc công ty liên doanh với đối tác Việt Nam với phần vốn góp nước ngoài không quá 49%.
5 năm sau ngày gia nhập, nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán có 100% vốn do bên nước ngoài nắm giữ được phép thành lập. Đồng thời, tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán nước ngoài được hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức chi nhánh để cung cấp các dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, quản lý quỹ.
Từ năm 2012, những tác động thể hiện rõ hơn khi Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn lĩnh vực dịch vụ chứng khoán. Những sức ép mới sẽ buộc các tổ chức trung gian tài chính phải đổi mới để có thể tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời, đóng góp vào sự phát triển của TTCK Việt Nam.
Cơ quan quản lý sẽ có biện pháp để khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam với cam kết đầu tư lâu dài. Bởi bên cạnh tìm kiếm lợi nhuận, họ còn tạo sức cầu mới giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận, huy động vốn thuận lợi hơn từ thị trường tài chính quốc tế.
Việc thực hiện tái cấu trúc TTCK và các CTCK trong thời gian tới sẽ có ý nghĩa quan trọng để TTCK Việt Nam hội nhập thành công, đặc biệt khi quá trình tái cấu trúc hướng đến các mục tiêu dài hạn theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Tựu trung, đâu là những thuận lợi và khó khăn mà TTCK phải đối mặt trong năm 2012, thưa ông?
Năm 2011, trong điều kiện kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6%, đây là con số khá tích cực khi so với các nước và là tín hiệu tốt cho TTCK trong thời gian tới.
Các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã dần phát huy tác dụng và đạt kết quả khả quan, chỉ số lạm phát đã có dấu hiệu giảm… Điều này giúp cho mặt bằng lãi suất và dòng tiền sẽ được cải thiện. Ngoài ra, việc điều hành chính sách tiền tệ gần đây đã có sự cải thiện, linh hoạt hơn, góp phần giúp thanh khoản ngân hàng được cải thiện.
Tuy nhiên, trên thế giới, do những bất ổn của hệ thống tài chính, đặc biệt là vấn đề nợ công châu Âu, nên triển vọng kinh tế thế giới năm 2012 khá tiêu cực, nguy cơ suy thoái lần 2 ngày càng hiện hữu.Vấn đề bong bóng bất động sản tại Trung Quốc cũng đang gây ra những rủi ro mới. Trong nước, sức lực của các CTCK, công ty niêm yết và cả NĐT trong năm 2011 suy giảm khá nhiều. Mặt bằng lãi suất vẫn cao, giá vàng và tỷ giá diễn biến phức tạp. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư vẫn đang khó khăn… Đây là những yếu tố không thuận lợi tác động tới TTCK trong năm 2012.
Hữu Hòe thực hiện
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|