Thứ Bảy, 21/01/2012 16:51

Năm con mèo: Thị trường cà phê chưa hết lận đận

Năm Tân Mão đã qua, khó khăn kinh tế thế giới và trong nước hầu như vẫn chưa chịu đem đi hết những lo toan của người sản xuất và kinh doanh cà phê Việt Nam. Năm Nhâm Thìn liệu có trở thành bệ phóng cho giá cà phê tăng cao?

Tạm biệt mèo…lòi đuôi

Tân Mão 2011 có thể sẽ là một năm đáng ghi nhớ nhất trong lịch sử ngành cà phê thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đáng nhớ vì đấy là một năm thế giới chứng kiến cảnh khủng hoảng nợ châu Âu và suy thoái kinh tế Mỹ triền miên. Ai cũng tưởng chừng chuyện xui của thế giới đã chấm dứt, hóa ra như mới chỉ bắt đầu.

Khủng hoảng nợ và suy thoái kinh tế đã làm nhiều ngân hàng và hãng kinh doanh hàng hóa cũng như môi giới rơi vào khó khăn. Thậm chí như tập đoàn môi giới hàng hóa lớn MF Global đành sập tiệm. Hệ quả là tín dụng khắp nơi đều bị thắt chặt và lãi suất ngân hàng cao chưa từng thấy. Càng cuối năm, tính thanh khoản trên các thị trường kỳ hạn cà phê càng giảm, lực mua càng yếu. Nên càng về cuối năm, cà phê trên các thị trường kỳ hạn và nội địa càng mất giá.

Ở trong nước, các nhà xuất khẩu tiếp tục chịu cảnh khô hạn của tín dụng. Do quyết tâm đẩy lùi lạm phát của Chính phủ, các ngân hàng đành nâng cao lãi suất để hạn chế cho vay. Hệ quả là thị trường cà phê nội địa và xuất khẩu đã nhường sân chơi  cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Năm Tân Mão đã qua, khó khăn kinh tế thế giới và trong nước hầu như vẫn chưa chịu đem đi hết những lo toan của người sản xuất và kinh doanh cà phê Việt Nam.

Giá “tưng” đầu năm, giá “tửng” cuối năm

Trong năm 2011, giá thị trường kỳ hạn robusta Liffe NYSE (TTKH) có lúc qua mức 2.650 đô la/tấn. Dĩ nhiên, đó chưa phải là mức cao nhất vì trong quá khứ, đã có lúc giá  này vượt 2.750 đô la/tấn vào đầu năm 2008 và gần 4.300 đô la/tấn đầu năm 1994. Điều khó quên của “năm con mèo” chính là giá tăng mạnh từ mức thấp trong điều kiện sản lượng thế giới chưa có gì đáng lo như các lần tăng trước đây khi rét đậm rét hại và hạn hán tại Brazil làm thiếu hụt cà phê thực sự.

Thực vậy, theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ 2010/11 là năm đánh dấu thành công của ngành cà phê Việt Nam khi sản lượng đạt 1,3 triệu tấn, trong đó xuất khẩu chừng 1,2 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 2,6 tỉ đô la.

Nhiều người vẫn trách rằng công bố sản lượng lớn có thể nguy hại đến giá cả. Thế nhưng, vừa qua, những con số “thực” này hầu như không phải là tên tội đồ xấu xa ấy.

Trong kinh doanh, người ta thường dùng giá chênh lệch (differentiall) giữa giá bán tại nước xuất xứ với giá niêm yết của TTKH để làm thước đo của nhu cầu. Tuy sản lượng cao, giá chênh lệch này năm con mèo đã bức phá và tăng lên mức cao kỷ lục của mọi thời đại, có lúc cộng 250-300 đô la/tấn trên giá Liffe NYSE, so với những năm trước có khi trừ 350-400 đô la hay chỉ đầu năm 2011 mức trừ 160 đô la/tấn dưới giá niêm yết. Trong những ngày này, dù sản lượng hứa hẹn tăng chừng 10% so với vụ trước, giá chênh lệch này vẫn còn mức cao, cộng 5-10 đô la/tấn so với giá kỳ hạn.

Trước Tết, nông dân bán vừa phải, cầm chừng, cùng nhau giữ giá và cho đến nay họ đã thành công. Như vậy, tên tội đồ của giá rớt là nằm chính nơi cách bán, lượng bán, phương thức bán chứ không vì con số sản lượng công bố. Vì, dù ai đó nói mất mùa, giá rớt cứ rớt; nói được mùa, giá tăng vẫn tăng.

Giá cà phê nhân xô nội địa nhờ thế nên được giữ khá vững. Nhớ trong đợt sương giá 1994, giá nội địa chỉ chừng dưới 40.000 đồng/kg thì năm nay có lúc tăng lên 52.000 đồng/kg. Giá nội địa từ đầu năm 2011 đến nay cứ một lần rắp tâm xuống 35.000 đồng/kg là y như rằng như có ai bợ đỡ. Hiện nay, giá nhân xô đang trong mức 37.500-38.000 đồng/kg.

Giới kinh doanh cà phê gặp bất ngờ lớn khi giá kỳ hạn, giá chênh lệch và giá nội địa đồng một lúc tăng mạnh trong những ngày trước Tết sau khi bị kéo giảm xuống mức 1.700 đô la/tấn trên TTKH và giá cà phê nhân xô nội địa chừng 35.000-36.000 đồng trong những ngày đầu mùa.

Vô hiệu hóa phù phép của đầu cơ tài chính

Trong năm 2011, đầu cơ tài chính đã dùng 2.000 tỉ đô la để vần vũ trên các thị trường. Nếu như họ chỉ dùng một phần mười lượng tiền đó để “đánh úp” một mặt vài hàng nào đó theo ý họ chọn, thì chắc chắc giá khó thoát khỏi sự điều khiển của họ. Trong năm mèo, sàn robusta Liffe NYSE được đầu cơ “ưu ái” chọn.

Họ đã dùng một lượng tiền chừng 500 triệu đô la để hút hàng thực chủ yếu từ Việt Nam về gây áp lực giá trên sàn hàng hóa ấy. Chính bàn tay họ đã mua hàng giấy khi thấp, đẩy giá sàn lên cao, và rồi nhả ra bán tháo vào những tháng cuối của năm 2011 để giá từ mức 2.650 có khi xuống chỉ còn dưới 1.700 đô la/tấn. Cộng với áp lực khủng hoảng, nhiều nhà kinh doanh và môi giới cũng như đầu cơ tài chính phải tạm thời rời cuộc chơi.

Trong tháng đầu năm 2012, tháng trước Tết, nông dân cà phê Việt Nam đã vô hiệu hóa phù phép đẩy giá xuống của đám đầu cơ ấy bằng cách bán lượng vừa phải, bán theo giá mong đợi của mình, với giá chênh lệch cao hẳn, không để hàng tập trung vào một tay nào. Chính vì thế, ngay trước Tết, giá kỳ hạn đã lội ngược dòng dũng mãnh. Hết phiên đóng cửa kỳ hạn cuối tuần khuya hôm qua, rạng sáng nay 21-1 theo giờ Việt Nam, giá TTKH Liffe NYSE đóng cửa với mức 1.932 đô la/tấn cơ sở tháng giao dịch chính, tăng 100 đô la so với giá cuối tuần trước nhưng vẫn giảm gần 100 đô la so với ngày đầu niên vụ.

Nhờ vậy, giá nội địa tăng lại mức chung quanh 38.000 đống/kg trên các tỉnh Tây Nguyên ngay những ngày trước tết và giao thừa đón năm Nhâm Thìn.

Với việc chủ động phát giá và bán ra, giá chênh lệch giữa giá xuất khẩu và giá niêm yết của sàn Liffe NYSE không có cơ hội xuống ở những ngày trước Tết Nguyên đán. Chính điều này đã làm cho đầu cơ không sờ được hàng thực để điều khiển giá theo ý họ trên sàn. Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, thanh khoản của các sàn giao dịch không thể thiếu vai trò của đầu cơ.

Nhiều người dự đoán thế nào đầu cơ cũng “ngoái lại” thị trường cà phê robusta này vì thuận lợi lớn nhất là lượng hàng lớn tập trung tại vài ba nước sản xuất. Vấn đề là chọn đúng điểm rơi khi đầu cơ tham gia để bán ra, giúp giá càng tăng và chính đó là cơ hội tiêu thụ lượng hàng lớn với giá tốt nhất.

tbktsg

Các tin tức khác

>   Cao su Tokyo đạt giá cao nhất 2 tháng (20/01/2012)

>   Xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể giảm 1/3 (19/01/2012)

>   Cơ hội mới với cacao (18/01/2012)

>   Giá sàn xuất khẩu gạo giảm 50 USD từ 18/01 (18/01/2012)

>   Xuất khẩu cao su khó giữ đà tăng trưởng (17/01/2012)

>   Nguồn lương thực thế giới trông chờ vào châu Á (17/01/2012)

>   Thị trường lúa gạo "đóng băng" (15/01/2012)

>   Lực bán đã mạnh lên khi giá càphê bất ngờ tăng (15/01/2012)

>   Thanh long tết mất mùa, rớt giá (15/01/2012)

>   Méo mặt vì lúa rớt giá (14/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật