Thứ Bảy, 14/01/2012 08:59

Méo mặt vì lúa rớt giá

Giá lúa rớt mạnh (hơn 2.000 đồng/kg) là do việc xuất khẩu gạo cấp thấp của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ Ấn Độ và Pakistan

Gần một tháng qua, giá lúa hàng hóa tại ĐBSCL sụt giảm thê thảm khiến nông dân “méo mặt”, nhất là khi Tết đã cận kề. Hiện tại, nông dân ở hai tỉnh An Giang, Kiên Giang đã thu hoạch lúa thu đông muộn; những tỉnh như Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng đang thu hoạch lúa đông xuân sớm. Giá lúa lao dốc không phanh từ mức 7.200 - 7.600 đồng/kg giữa tháng 11-2011 rớt xuống còn 5.000 - 5.900 đồng/kg như hiện nay; lúa tươi chỉ 4.700 - 4.800 đồng/kg. Ông Lê Văn Dứt (nông dân xã Ba Trinh, huyện Kế Sách -  Sóc Trăng) rầu rĩ: “Tôi vừa thu hoạch 5 công lúa đông xuân sớm cách đây hơn 3 tuần, giá bán 5.200 đồng/kg lúa tươi ngay tại ruộng. Thu hoạch lúa xong là tôi bán liền vì còn phải trả tiền vật tư nông nghiệp và các chi phí khác. Nếu vụ thu đông mỗi công lời khoảng 2 triệu đồng thì vụ này chỉ còn lời khoảng 500.000 đồng”. Nhiều nông dân cho biết họ không hiểu vì sao mọi năm lúa đông xuân sớm rất có giá nhưng hiện nay xuống rất thấp.

Giá lúa tại ĐBSCL đang giảm mạnh khiến nông dân lo âu

Trong khi đó, nhiều nông dân tại tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang ôm hàng tấn lúa hơn một tháng qua để chờ giá lên, nay đã đuối sức. Nông dân Phạm Văn Chính (ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ - Hậu Giang) lo lắng: “Tiền vật tư nông nghiệp gối đầu ở các đại lý chưa trả được. Tôi đang lo rằng họ sẽ không chịu bán nữa thì lấy gì chăm sóc lúa đông xuân. Do vậy, trong vòng 2 tuần nữa nếu không khả quan thì nông dân phải bán lúa giá thấp để có tiền trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu. Năm nay ăn Tết không vui rồi”.

Tại những chợ thu mua gạo như Bà Đắc (Tiền Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp), mỗi nơi trước đây có 10 cơ sở thu mua thì bây giờ chỉ còn một cơ sở nên gạo bán ra rất chậm và chịu nhiều rủi ro. Hiện tại, giá gạo 5% tấm được thu mua vào với giá 8.000 đến 8.050 đồng/kg, gạo IR50404 giá từ 7.800 - 7.900 đồng/kg. Một thương lái ở tỉnh An Giang cho biết: “Khi các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu không thu mua gạo nguyên liệu thì chợ gạo sẽ đìu hiu. Từ đó, kéo theo việc thương lái sẽ hạn chế thu mua khiến giá bán trong thời gian qua liên tục giảm”.

Theo ngành nông nghiệp ở ĐBSCL, nguyên nhân khiến lúa rớt giá mạnh (hơn 2.000 đồng/kg) chỉ trong thời gian ngắn là do việc xuất khẩu gạo cấp thấp của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ Ấn Độ và Pakistan. Các quốc gia này đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp với giá thấp hơn gạo cùng chủng loại của Việt Nam từ 50 đến 100 USD/tấn. Cũng chính vì thế, thương lái không còn săn lùng lúa gạo cấp thấp nên việc buôn bán của nông dân bị chậm lại.

IR50404 được chuộng vì thiếu lúa giống

Dù được ngành nông nghiệp và các nhà khoa học khuyến cáo không nên trồng nhưng giống lúa IR50404 vẫn là lựa chọn của nhiều nông dân. Đầu vụ đông xuân 2011-2012, giá nhiều loại lúa giống chất lượng cao, lúa thơm đã tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg nhưng vẫn khan hiếm. Vụ đông xuân này, nông dân ĐBSCL xuống giống 1,55 triệu ha, cần khoảng 200.000 tấn lúa giống nhưng khả năng cung ứng của các trung tâm giống thuộc Nhà nước, cơ sở, doanh nghiệp giống tư nhân… rất hạn chế.

Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, bình quân, khả năng đáp ứng nhu cầu giống lúa chất lượng cao cho nông dân tại các địa phương trong vùng hiện chỉ dừng lại mức 30%-40%. Vì thế, nông dân phải chọn giống phẩm cấp thấp, và IR50404 vẫn được trồng rộng rãi trên nhiều cánh đồng ở ĐBSCL. Đây là giống lúa ngắn ngày, dễ thích nghi nên chi phí sản xuất thấp, năng suất cao. Giữa vụ lúa thu đông năm 2011, giá lúa IR50404 chỉ thấp hơn 100 - 200 đồng/kg so với lúa chất lượng cao. Xét trên 1 đơn vị sản xuất thì dùng giống IR50404 vẫn lời nhiều hơn. TS Lê Văn Bảnh cho biết: “Huyện Lấp Vò - Đồng Tháp gieo sạ 100% giống IR50404, còn quận Ô Môn - TP Cần Thơ trồng 60% diện tích. Những nơi này trồng giống lúa này để phục vụ các cơ sở sản xuất bánh hoặc bún ở địa phương. Còn những nơi khác, doanh nghiệp thu mua gạo giống IR50404 để “trộn” với gạo chất lượng cao đem xuất khẩu. Những điều đó làm cho giá gạo Việt Nam không thể nào vượt qua gạo Thái Lan.

Ca Linh

người lao động

Các tin tức khác

>   Đường tồn kho nhiều, giá giảm (14/01/2012)

>   Cà phê arbiaca giảm giá 5,7% năm 2011 (14/01/2012)

>   Lạm phát thực phẩm suy yếu khi dự trữ ngũ cốc tăng (13/01/2012)

>   Giá đường có thể giảm do cung vượt cầu (13/01/2012)

>   Giá gạo châu Á trái chiều (13/01/2012)

>   Cấp phép xuất khẩu gạo: Đang... vỡ mục đích! (13/01/2012)

>   Doanh nghiệp phản ứng với thu phí càphê (13/01/2012)

>   Cacao tăng mạnh do lo sợ nguồn cung của Bờ Biển Ngà (13/01/2012)

>   Cao su Tokyo cao kỷ lục 2 tuần, hy vọng Thái Lan can thiệp (13/01/2012)

>   Sóc Trăng: Lúa thơm ST trúng lớn (12/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật