Chủ Nhật, 15/01/2012 22:07

Thị trường lúa gạo "đóng băng"

Gặp khó trong việc tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu gạo; thương lái, doanh nghiệp kinh doanh bước vào kỳ nghỉ tết Nguyên đán là những nguyên nhân làm giá lúa gạo nội địa tiếp tục suy giảm mạnh trong những ngày qua.

Giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục giảm mạnh.

Nếu như trong vụ đông xuân và hè thu 2010 - 2011 giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL liên tục tăng mạnh, giúp đem lại lợi nhuận khá cao cho người nông dân, thì từ vụ thu đông đến nay, giá lúa gạo lại liên tục lao dốc. Tính đến nay, mỗi kg lúa hàng hóa đã mất khoảng 2.500 đồng so với mức giá kỷ lục được xác lập trước đó.

Mất gần 2.500 đồng/kg lúa

Lý giải nguyên nhân giá lúa giảm mạnh kể từ đầu vụ thu đông đến nay, ông Dương Văn Mến, thương lái chuyên thu mua lúa tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp cho biết: “Đầu ra hạt lúa của mình là xuất khẩu, nhưng gần đây chúng ta gặp khó trong việc tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu nên giá lúa giảm mạnh là phải rồi”.

Còn theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến nay Việt Nam chỉ mới ký được hợp đồng xuất khẩu gạo trên dưới 1,1 triệu tấn, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ vậy, các hợp đồng xuất khẩu gạo lần này lại giao trong một khoàng thời gian khá dài, đến tháng 8/2012. Chính những khó khăn này đã kéo giá lúa gạo nội địa suy giảm mạnh thời gian qua.

Anh Nguyễn Thành Hơn, thương lái mua lúa tại xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, hiện lúa IR 50404 tươi được cánh thương lái như anh thu mua dao động quanh mức giá chỉ còn 4.400 - 4.500 đồng/kg, giảm 200-300 đồng/kg so với mức giá ngày 3/1; lúa IR 50404 khô cũng giảm 300 - 400 đồng/kg xuống mức giá 5.500 - 5.600 đồng/kg. Nếu so với mức giá đỉnh được xác lập trước đó thì hiện mỗi kg lúa hàng hóa đã mất khoảng 2.400 - 2.500 đồng.

Các loại lúa hạt dài như OM 4218, OM 5451, OM 1490, OM 4900 dù giảm ít hơn những cũng đã mất khoảng 150 - 200 đồng/kg so với mức giá trong những ngày đầu năm 2012. Cụ thể, giá các loại lúa này hiện chỉ còn dao động quanh mức 5.800 - 5.900 đồng/kg đối với lúa khô và 4. 800 - 5.200 đồng/kg đối với lúa tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

Hiện giá gạo nguyên liệu và thành phẩm được các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè và khu vực xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang thu mua giảm khá mạnh. Cụ thể, đối với gạo nguyên liệu của giống lúa IR 50404 hiện dao động quanh mức giá 7.400 - 7.450 đồng và 7.500 - 7.550 đồng/kg đối với gạo của các giống lúa hạt dài, giảm 200 - 300 đồng/kg so với mức giá ngày 3/1.

Giá gạo thành phẩm cũng tiếp tục suy giảm mạnh, xuống mức giá 8.200 - 8.300 đồng/kg đối với gạo giống lúa IR 50404; 9.500 - 9.600 đối với gạo 5% tấm và 9.100 - 9.200 đồng/kg đối với gạo 15% tấm.

Doanh nghiệp nghỉ tết sớm, nông dân lo lắng

Theo dự báo của giới kinh doanh lúa gạo, từ nay cho đến sau Tết Nguyên đán, nhiều khả năng giá lúa gạo nội địa sẽ tiếp tục suy giảm mạnh và rớt xuống mức giá 4.000 đồng/kg (đối với lúa IR 50404 tươi) do thương lái, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo năm nay nghỉ Tết Nguyên đán sớm, trong khi đó nguồn cung ở một vài địa phương bắt đầu tăng lên.

Đại diện doanh nghiệp Nghĩa Thoa, chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết, năm nay đa số các doanh nghiệp kinh doanh lương thực tại chợ đầu mối Bà Đắc quyết định nghỉ tết sớm hơn vì thị trường lúa gạo quá ảm đạm, không muốn kéo dài thời gian mua bán như mọi năm.

Anh Nguyễn Thành Hơn cho biết, hiện cánh thương lái mua lúa đã bắt đầu tạm nghỉ thu mua để chuẩn bị đoán Tết Nguyên đán, riêng anh, anh cũng đã tạm ngưng thu mua 2-3 tuần lễ sau khi xay xong chuyến lúa hôm 13/1.

Thị trường lúa gạo nội địa “đóng băng”, thương lái, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tạm ngưng hoạt động để đón Tết Nguyên đán sớm đã làm không ít hộ nông dân thu hoạch lúa thu đông muộn ở An Giang, Kiên Giang cũng như những vùng làm lúa đông xuân sớm như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Bền, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, Sóc Trăng cho biết: “Ruộng của tôi thu hoạch đúng vào lúc cánh thương lái mua lúa nghỉ tết nên đành phải đem phơi trữ lại”.

“Sau tết mà giá lúa gạo cứ như thế này nữa tôi cũng không biết lấy tiền đâu mà mua phân thuốc lo cho vụ mới nữa đây" - ông Trần Văn Yên, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, Sóc Trăng, nói.

Trung Chánh

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác

>   Lực bán đã mạnh lên khi giá càphê bất ngờ tăng (15/01/2012)

>   Thanh long tết mất mùa, rớt giá (15/01/2012)

>   Méo mặt vì lúa rớt giá (14/01/2012)

>   Đường tồn kho nhiều, giá giảm (14/01/2012)

>   Cà phê arbiaca giảm giá 5,7% năm 2011 (14/01/2012)

>   Lạm phát thực phẩm suy yếu khi dự trữ ngũ cốc tăng (13/01/2012)

>   Giá đường có thể giảm do cung vượt cầu (13/01/2012)

>   Giá gạo châu Á trái chiều (13/01/2012)

>   Cấp phép xuất khẩu gạo: Đang... vỡ mục đích! (13/01/2012)

>   Doanh nghiệp phản ứng với thu phí càphê (13/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật