Nguồn lương thực thế giới trông chờ vào châu Á
Giá lúa gạo tăng liên tục kéo theo lạm phát có nơi lên tới mức kỷ lục trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới lâm vào bất ổn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều quyết sách sai lệch làm diện tích trồng cây lương thực trên thế giới giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nước ở châu Á đã kịp thời thay đổi chiến lược.
Phillippines “tự chủ lương thực”
Trong một thời gian dài Philippines đã lơ là với chính sách nông nghiệp. Nhưng trước tình hình lương thực trong tương lai còn nhiều căng thẳng, Manila đã thay đổi chiến lược và đề ra mục tiêu tự túc lương thực, coi nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu.
Tháng 4-2008, Tổng thống Gloria Aroyo ra quyết định tạm ngừng chuyển đổi mục đích sử dụng của đất nông nghiệp nhằm tăng diện tích trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Song song đó, bà Arroyo cũng quyết định chi 1 tỷ USD cho dự án phát triển trồng lúa và sản xuất lương thực.
Đến tháng 6-2008, Tổng thống Arroyo đến thăm Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế và ký hiệp ước hỗ trợ kỹ thuật với viện này để giúp toàn dân Philippines đủ gạo ăn vào năm 2013, với sản lượng 21,58 triệu tấn mỗi năm.
Hiệu quả tức thì của “kế hoạch hành động vì gạo” đã giúp Philippines tăng sản lượng lúa gạo lên 7% trong quý 3 so với cùng kỳ năm 2007. Theo tính toán của Ủy ban liên ngành Bộ Nông nghiệp Philippines, họ sẽ tiết kiệm được 1,8 - 2 tỷ USD nhập khẩu lúa gạo dù phải chi 1,47 tỷ USD trong vòng 5 năm tới đầu tư cho nông nghiệp. Nhưng sản lượng lúa đã tăng 5,8%, lên 17,81 triệu tấn vào năm 2009, 4,6% vào năm 2010 và dự kiến khoảng 5% mỗi năm kể từ 2011-2013.
Ngoài ra, Philippines còn đẩy mạnh tu sửa và hiện đại hóa hệ thống dẫn thủy nhập điền trên diện tích 375.000 ha ruộng lúa, khuyến khích nông dân sử dụng lúa lai giống nhiều hơn cho năng suất cao hơn và mở rộng chương trình giúp đỡ nông dân mua phân bón.
Mục tiêu của Philippines giờ đây là làm tất cả để có thể tự túc lương thực vào năm 2013.
|
Ruộng bậc thang ở Banaue, Philippines |
Trung Quốc làm chậm tiến trình đô thị hóa
Một vài nước đang phát triển cố gắng làm chậm lại hoặc dừng tiến trình đô thị hóa. Trung Quốc sau khi nhận thấy hàng chục triệu hécta đất nông nghiệp biến mất trong những năm gần đây đã quyết định nghiêm khắc chấn chỉnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã xét xử hàng ngàn trường hợp sử dụng đất sai mục đích. Còn các công ty Trung Quốc đang thuyết phục để thuê đất ở Philippines và châu Phi, Nam Mỹ, đồng thời đang nhắm tới Australia.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã công bố quy hoạch 58 vùng chuyên canh sản phẩm nông nghiệp ưu thế trên toàn lãnh thổ Trung Quốc giai đoạn từ năm 2008-2015 với mục tiêu: trong 8 năm tới, sẽ trồng 16 chủng loại sản phẩm nông nghiệp chiếm ưu thế như lúa nước, lúa mì, ngô, đậu tương…
Indonesia chú trọng chính sách khuyến nông
Trong khi đó, Indonesia là nước tiêu thụ gạo lớn thứ ba thế giới, với số dân 240 triệu người và bình quân mỗi người tiêu thụ hết 139kg gạo mỗi năm. Ủy ban Kinh tế Nhà nước Indonesia (KEN) khuyến nghị chính phủ cần đẩy mạnh cải cách nông nghiệp thông qua mở mang diện tích canh tác mới, nâng sản lượng và đẩy mạnh trồng trọt, thực thi những biện pháp khuyến khích nông dân tăng sản lượng và trồng thêm lúa gạo.
Quốc hội Indonesia đang xem xét một dự luật mới có nội dung củng cố việc áp dụng các luật sử dụng đất đai hiện hành đối với 15 triệu ha đất nông nghiệp của nước này. Chính phủ cũng mở rộng diện tích trồng lúa và các cây lương thực khác tại Papua và trên một số hòn đảo ở miền đông đất nước nhằm bù đắp sự thu hẹp diện tích sản xuất nông nghiệp ở Java.
Về chiến lược trung hạn, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono xác định an ninh lương thực là một ưu tiên trong kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2012. Theo đó, chính phủ đã phân bổ 41,9 ngàn tỷ rupiah (4,6 tỷ USD) trong tổng ngân sách dự kiến 1.418,5 ngàn tỷ rupiah cho an ninh lương thực.
Không chỉ là các nước Đông Nam Á
Không chỉ các nước ở Đông Nam Á, một số không nhỏ các quốc gia gần như tuyệt vọng về đất nông nghiệp đang tìm lối thoát tự cứu mình. Trong những tháng gần đây, Saudi Arabia đã cử đại diện gặp Thái Lan, Nam Phi để bàn chuyện mua đất nông nghiệp.
Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đang dòm ngó đất trồng trọt ở Sudan, Ai Cập, Yemen và đang thuyết phục một hợp đồng trị giá 3 tỷ USD ở Pakistan để xây dựng những đại trang trại trồng lúa, ngũ cốc, mía và cây ăn quả. Abu Dhabi vừa ký hợp đồng với Sudan để phát triển hơn 50.000 ha đất nông nghiệp.
Mới đây, Bahrain đã ký hợp tác đầu tư nông nghiệp, cụ thể là trồng lúa tại Philippines.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã hỗ trợ một phần giá cả đặc biệt cho giới tiêu thụ nghèo, luôn khuyến khích xuất khẩu loại gạo chất lượng cao basmati và giới hạn gạo thường (không phải basmati) để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Sản lượng gạo Ấn Độ niên vụ 2011-2012 có thể đạt 102 triệu tấn, vượt kỷ lục 84,9 triệu tấn đạt được trong vụ 2008-2009, sẽ góp phần hạ nhiệt giá lương thực đang ở ngưỡng cao trong bối cảnh các nước kiềm chế các lô hàng xuất khẩu.
Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo basmati của nước này từ tháng 4-2008 nhằm kiềm chế lạm phát trong nước. Các nhà phân tích dự báo Ấn Độ có thể khôi phục xuất khẩu gạo sau khi sản lượng tăng. Các nhà nghiên cứu thị trường dự báo Ấn Độ có khả năng xuất khẩu từ 3 - 4 triệu tấn lúa mì để thu lợi do giá cao trên thị trường thế giới.
Nhìn chung, các nhà phân tích nhận định trong thời gian tới, nếu không có các chiến lược phát triển nông nghiệp để góp phần bình ổn giá lương thực, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực mới và những hệ lụy của nó sẽ tác động đến kinh tế - chính trị toàn cầu.
Hạnh Chi
Sài Gòn Giải phóng
|