Thứ Ba, 31/01/2012 13:52

Dragon Capital và VinaCapital: Lạc quan trong sự thận trọng

Năm 2011 khép lại với bao trăn trở vẫn còn đó. Trước thềm năm mới, cả hai vị chuyên gia thuộc Tập đoàn VinaCapital và Dragon Capital cùng bày tỏ niềm lạc quan về triển vọng 2012.

* Quỹ mở và quỹ BĐS là cứu cánh?

* Nhận diện Cơ hội và Rủi ro năm 2012

* Tái cấu trúc CTCK

2012 cũng là năm được họ kỳ vọng các chính sách tái cấu trúc kinh tế tiếp tục được thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital (trái) và Tiến sĩ Alan T. Pham, chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital

Thưa hai ông, bức tranh kinh tế Việt Nam trong 2012 sẽ như thế nào?

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital: Có lẽ khác với quan điểm của nhiều người, chúng tôi cho rằng năm 2012 là một năm của cơ hội.

Dĩ nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều vấn đề về kinh tế vĩ mô cũng như vi mô. Để có thể vượt qua và khắc phục những vấn đề này đòi hỏi sự quyết tâm, lòng kiên trì rất cao. Tuy nhiên, một tín hiệu rõ ràng là Chính phủ nhận thấy được những thử thách và đang từng bước xử lý những thách thức này với một quyết tâm cao. Chúng tôi tin rằng sẽ sớm thấy được chi tiết của kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế từ Chính phủ.

Chúng ta có thể lạc quan hơn, tuy nhiên lạc quan trong sự thận trọng.

Tiến sĩ Alan T. Pham, chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital: Chúng tôi cho rằng tình hình vĩ mô trong năm 2012 hứa hẹn có nhiều điểm sáng tiếp nối các thành quả đạt được trong năm 2011 nhờ việc thực hiện gói kinh tế cải tổ, được biết với tên gọi Nghị quyết 11.

Lạm phát lập đỉnh vào cuối quý 3/2011 và giảm còn 18% vào cuối 2011. Xu hướng giảm của lạm phát được kỳ vọng tiếp tục trong năm 2012 khi các chính sách thắt chặt được duy trì. Lạm phát có khả năng tiếp diễn xu hướng giảm trong năm 2012 và chúng tôi mong đợi sẽ giảm về 11-13%.

Tỷ giá VND/USD đã rất ổn định trong nửa cuối năm 2011 khi tỷ giá thị trường tự do chỉ dịch chuyển trong biên độ hẹp 1-2% so với tỷ giá chính thức. Chúng tôi cho rằng một vài yếu tố sau sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định này trong năm 2012: thâm hụt thương mại thu hẹp (khoảng 11 tỷ USD so với 13 tỷ USD trong năm trước); dự trữ ngoại tệ cao hơn sau khi NHNN đã tăng thêm 6 tỷ USD và dự kiến cán cân thanh toán tổng thể thặng dư. 

Trong khi đó, chính sách của Chính phủ chuyển trọng tâm vào tái lập sự ổn định vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế được xếp sau về mức độ ưu tiên: mức tăng trưởng GDP 5.9% được xem là chấp nhận được cho năm 2011 và mục tiêu 6.0% cho năm 2012. Chúng tôi cho rằng các mục tiêu vừa phải này có thể thực hiện được mà không làm lạm phát tăng cao.

Một khó khăn trong năm tới là hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, NHNN đã khởi đầu năm mới với việc hợp nhất thành công ba ngân hàng nhỏ dưới sự giám sát hỗ trợ của BIDV. Chúng tôi nghĩ rằng đây là mô hình khả thi cho việc tái cấu trúc hệ thông ngân hàng thời gian tới.

Ngoài ra, khị trường bất động sản cho thấy các dấu hiện hồi phục cũng sẽ hỗ trợ sức khỏe cho các ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, dòng vốn ngoại có khả năng chảy vào Việt Nam không? Và lĩnh vực nào sẽ tạo được sức hút?

Ông Dominic Scriven: Dòng vốn nước ngoài luôn tìm cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam. Thế nhưng, hiện tại hầu hết họ vẫn đang nhìn chứ chưa vào nhiều. Họ đang chờ đợi sự ổn định hơn của tình hình vĩ mô, đặc biệt là việc giải quyết nợ xấu và thị trường bất động sản.

Lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều là những ngành ít rủi ro, ít vay vốn nhưng vẫn có tăng trưởng tốt như tiêu dùng, hay xuất khẩu.

Ông Alan T. Pham: Việt Nam nằm trong nhóm nước đang phát triển năng động, hứa hẹn sự phục hồi cao hơn các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi cho rằng dòng vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó vào Việt Nam. Theo tôi có các nguyên nhân như tình hình vĩ mô đang phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; các thị trường mới nổi trong khu vực cho thấy tiềm năng tốt hơn thể hiện qua định mức tín nhiệm quốc tế cao hơn, tăng trưởng cao cùng với lạm phát thấp.

Các lĩnh vực thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài là hàng tiêu dùng, nông nghiệp và bất động sản.

Dragon Capital và VinaCapital mong đợi gì về chính sách vĩ mô trong năm mới?

Ông Dominic Scriven: Lòng tin mất thì dễ nhưng lấy lại là rất khó. Vì vậy, tôi mong đợi Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách tái cấu trúc kinh tế một cách quyết liệt, bao gồm 3 điểm chính: tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc DNNN và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Chỉ như vậy mới mong lấy lại được niềm tin vào tiền đồng và chính sách.

Ông Alan T. Pham: Chúng tôi kỳ vọng các chính sách thắt chặt tiền tệ - tài khóa sẽ được thực hiện đúng và nhất quán trong năm 2012 nhằm kéo lạm phát về mức 11-13%, đưa lãi suất cho vay về mức 15% góp phần cải thiện niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Xét riêng về kỳ vọng đối với TTCK thì sao, thưa hai ông?

Ông Dominic Scriven: TTCK sẽ tiếp tục có một năm đầy thử thách. Nếu chúng ta thành công trong ổn định vĩ mô và thực hiện tốt các chính sách tái cấu trúc thì niềm tin sẽ trở lại. Khi đó, tiền đồng sẽ ổn định hơn, huy động vốn của các ngân hàng cũng tốt hơn. Đây cũng chính là cơ sở giúp giảm lãi suất, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Chỉ khi đó chúng ta mới thấy một sự đi lên vững chắc của TTCK cũng như của nền kinh tế.

Ông Alan T. Pham: Với TTCK, chúng tôi mong đợi nâng cao tính minh bạch cho báo cáo tài chính, hạn chế các giao dịch thao túng giá chứng khoán nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư. Ngoài ra cũng cần nhanh chóng rút ngắn thời gian giao dịch T+2 nhằm nâng cao thanh khoản, nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua nâng quy định điều kiện niêm yết và giới thiệu chỉ số chứng khoán nhằm phản ánh tốt hơn biến động của TTCK dựa trên lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free-float).

Nhiều người cho rằng, áp lực rút vốn của các quỹ tại Việt Nam trong năm nay là rất lớn. Cá nhân các ông nghĩ sao về điều này?

Ông Dominic Scriven: Áp lực rút vốn là có nhưng rất lớn thì không. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện những cải tổ kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực trong thời gian vừa qua của Chính phủ trong việc tái cơ cầu nền kinh tế, một hướng đi rất đúng. 

Một điều có thể nhận thấy đó là lạm phát trong vòng 4 năm đã có hai lần vượt mức 20%. Nếu tiếp tục ở mức cao hai con số một lần nữa có lẽ rất khó khăn cho chúng tôi thuyết phục các khách hàng tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.

Ông Alan T. Pham: Áp lực rút vốn là có trong hoàn cảnh thị trường giảm thấp và hoạt động đầu tư giảm sút về giá trị. Đứng trước áp lực của các nhà đầu tư, các quỹ cũng có những thay đổi để thích ứng, từ việc chuyển sang mô hình mới năng động hơn (quỹ mở) cho đến trả lại một phần tiền cho nhà đầu tư (mua lại cổ phiếu quỹ) hoặc là thanh lý đóng cửa quỹ. Điều này sẽ góp phần sàng lọc các quỹ đầu tư đang hoạt động hiện tại.

Tuy vậy, chúng tôi tin rằng các quỹ đầu tư tốt với chiến lược đầu tư giá trị lâu dài, danh mục hiệu quả cùng với khả năng nắm bắt cơ hội mới vẫn có thể nhận được sự chia sẻ của các nhà đầu tư hiện tại nhằm duy trì các khoản đầu tư tốt, tích cực tái cơ cấu danh mục trong giai đoạn thị trường thấp để NAV của quỹ sẽ tăng trưởng mạnh khi thị trường hồi phục trong 2012.

Xin cảm ơn hai ông!

Bội Mẫn thực hiện (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Góc nhìn ngày 31/01: Đi tiếp hay thụt lùi? (30/01/2012)

>   Góc nhìn sau Tết: Khai xuân có đắc lộc? (29/01/2012)

>   Chủ tịch UBCKNN: “Tôi mất ngủ và lo lắng khi cổ phiếu rớt giá” (27/01/2012)

>   TTCK cần được nhìn nhận sòng phẳng (24/01/2012)

>   Tân Tổng giám đốc HOSE và gánh nặng phía trước (24/01/2012)

>   Thận trọng nhìn sang năm mới (20/01/2012)

>   Tết này, tôi cầu nguyện cho chứng khoán (20/01/2012)

>   Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giải pháp vực dậy TTCK Việt Nam (20/01/2012)

>   Góc nhìn ngày tất niên: Sẽ tăng nhưng cần thận trọng (19/01/2012)

>   19/01: Bản tin 20 giờ qua (19/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật