Thứ Sáu, 20/01/2012 06:04

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giải pháp vực dậy TTCK Việt Nam

Nhân dịp bước sang năm mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trao đổi với ĐTCK về những giải pháp để vực dậy TTCK.

Thưa Bộ trưởng, dù đã có đóng góp nhất định sau 11 năm vận hành, nhưng vị trí của TTCK vẫn chưa được định hình rõ trong nền kinh tế khi rất nhiều người còn cho rằng, TTCK như một cái chợ, như một canh bạc… Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

11 năm qua, TTCK Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là điều không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới cũng như những khó khăn kinh tế trong nước đã làm bộc lộ rõ hơn những hạn chế của nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính nói riêng, trong đó có TTCK. Nhằm khắc phục những hạn chế đó, Đảng đã có chủ trương và Chính phủ đã có sự chỉ đạo kiên quyết thực hiện việc tái cấu trúc nền kinh tế. Đối với TTCK, mặc dù đang có nhiều khó khăn, nhưng tôi khẳng định, quan điểm của Bộ Tài chính vẫn coi đây là kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng, cần phải tiếp tục thúc đẩy phát triển.

Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng sẽ làm gì để TTCK Việt Nam khẳng định được vai trò là thị trường tài chính bậc cao, là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế?

Để đạt được mục tiêu trên, trong nhiệm kỳ này, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thực hiện Chiến lược phát triển TTCK, triển khai Đề án tái cấu trúc TTCK, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường bằng việc ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, các thông tư hướng dẫn, nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý và chính sách phát triển TTCK một cách căn cơ, bài bản hơn. Bộ Tài chính sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng hàng hóa, điều kiện phát hành, niêm yết, phát triển các công cụ, sản phẩm mới, tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư và hệ thống các thị trường để TTCK minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn; từng bước tiếp cận với chuẩn mực quốc tế. Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát lại các quy định về thuế đối với TTCK để trình Chính phủ, trình Quốc hội có chính sách phù hợp hơn.

Gần 2 năm qua, TTCK Việt Nam suy giảm rất mạnh, kèm theo đó là tình trạng nhiều nhà đầu tư, nhiều tổ chức tài chính trung gian thua lỗ, mất vốn. Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

Đầu tiên, hệ thống các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán đã có sự phát triển quá nhanh về số lượng, quy mô vốn, nghiệp vụ và công nghệ với mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tiếp đến, các tổ chức này có vai trò làm trung gian tài chính giữa nhà đầu tư với thị trường, nhưng do hoạt động kinh doanh chưa đa dạng, nhiều tổ chức đã chủ yếu làm tự doanh, trong khi trình độ quản trị DN, quản trị rủi ro còn hạn chế.

Do điều kiện kinh tế vĩ mô và TTCK mấy năm gần đây có nhiều khó khăn, nên nhiều CTCK đã bị thua lỗ, nhiều trường hợp đứng trước nguy cơ không huy động được đủ vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, không đảm bảo yêu cầu về tiềm lực tài chính, thậm chí một số công ty không bảo đảm được các yêu cầu về an toàn tài chính để tiếp tục hoạt động. Đó là một thực trạng nổi cộm mà ngành chứng khoán đang cần có giải pháp quyết liệt để cải tổ.

Có lẽ không chỉ CTCK, mà cả TTCK đang rất cần một giải pháp tổng thể, đủ sức lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, hỗ trợ các tổ chức tài chính trung gian, các DN niêm yết trụ lại thị trường. Xin Bộ trưởng cho biết, những giải pháp này là gì và bao giờ được áp dụng trên TTCK Việt Nam?

Đúng là TTCK đang rất cần một giải pháp tổng thể để giữ lại niềm tin và sự quan tâm của tất cả các chủ thể. Từ năm 2012, cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ Tài chính sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, phát hành, niêm yết, rà soát lại các chính sách về thuế và đẩy mạnh việc cơ cấu lại các CTCK. Kể từ 1/4/2012, Thông tư số 226/2010/TT-BTC chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện việc quản lý, giám sát cũng như tái cấu trúc các CTCK trên cơ sở có sự phân loại theo các tiêu chí và sẽ xử lý theo các mức cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, thậm chí sẽ đình chỉ hoạt động nếu CTCK không khắc phục được theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ chức và hoạt động CTCK theo hướng tập trung vào công tác quản trị công ty, quản lý an toàn tài chính, hướng dẫn cụ thể về việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể CTCK. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường công tác giám sát đối với CTCK thông qua việc ban hành quy định đánh giá xếp hạng, phân loại hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng hệ thống chấm điểm mức độ rủi ro và quy trình hoạt động của CTCK để áp dụng cơ chế kiểm tra, giám sát theo mức độ rủi ro.

Một trong những điều được nhiều người kỳ vọng là việc Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc NHNN ký Quy chế phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ. Động thái này có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế và TTCK năm 2012, thưa ông?

Như các bạn cũng biết, có 2 công cụ chính sách cơ bản nhất để điều tiết nền kinh tế vĩ mô đó là chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong những năm qua, Bộ Tài chính và NHNN đã tích cực, chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành nhằm thực hiện các mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra. Mặc dù vậy, sự phối hợp các chính sách chưa thực sự gắn bó nhịp nhàng, trong khi sự phối hợp này rất quan trọng để đạt được mục tiêu chung. Trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước khó khăn như hiện nay, sự phối hợp này càng trở nên có ý nghĩa. Do vậy, Quy chế phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ tạo cho các giải pháp tài chính, tiền tệ có tính hiệu quả cao hơn và đồng bộ hơn. Khi chính sách tài khóa, tiền tệ phối hợp hiệu quả, việc tái cấu trúc nền kinh tế thành công, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, thì TTCK sẽ có bước phát triển căn bản và bền vững hơn.

TTCK: Những con số cuối năm 2011

* 625.000 tỷ đồng là số tiền Chính phủ huy động được qua TTCK bằng phát hành trái phiếu;

* 290.000 tỷ đồng là số tiền các DN huy động được từ đấu giá cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, góp phần làm tăng quy mô vốn đầu tư xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

* Từ 2000-2005, nếu mức vốn hóa thị trường chỉ đạt trên dưới 1% GDP, thì 5 năm trở lại đây, mức vốn hóa so với GDP đã tăng mạnh, có lúc lên đến 43% GDP. Hiện nay, quy mô TTCK khoảng 32% - 39% GDP.

* Hơn 1 triệu nhà đầu tư đã mở tài khoản giao dịch chứng khoán, trong đó, quy mô đầu tư gián tiếp khoảng 7 tỷ USD.

Tường Vi thực hiện

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Góc nhìn ngày tất niên: Sẽ tăng nhưng cần thận trọng (19/01/2012)

>   19/01: Bản tin 20 giờ qua (19/01/2012)

>   Góc nhìn 19/01: Kịch bản giằng co và thanh khoản thấp (18/01/2012)

>   Vì sao thị trường chứng khoán lao dốc trong năm 2011? (18/01/2012)

>   Góc nhìn 18/01: Tâm lý tiêu cực sẽ trở lại (17/01/2012)

>   Bộ Tài chính đang xem xét lại CTCK tồn tại trong các NHTM (17/01/2012)

>   Góc nhìn ngày 17/01: Chọn điểm chốt lời thích hợp (16/01/2012)

>   Tìm vốn từ Quỹ đầu tư DFJV (16/01/2012)

>   Tái cấu trúc CTCK: Quý hồ tinh, bất quý hồ đa (16/01/2012)

>   Góc nhìn tuần cuối năm: Cân nhắc rủi ro trước và sau Tết (15/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật