Tìm vốn từ Quỹ đầu tư DFJV
Trong bối cảnh nhiều quỹ đầu tư đang tính đến chuyện thoái vốn, thì Quỹ Đầu tư công nghệ (DFJV) của VinaCap vẫn lên kế hoạch ra mắt một quỹ đầu tư mới trong năm 2012. Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc DFJV về kế hoạch này.
|
Ông Thân Trọng Phúc |
Trước đây 2 năm, khi DFJV khai trương tình hình kinh tế rất khả quan, nhưng hiện tại, nhiều quỹ đầu tư đang có xu hướng thoái vốn. Điều này có xảy ra với DFJV, thưa ông?
DFJV được thành lập với quy mô 30 triệu USD, chủ yếu tập trung đầu tư vào công nghiệp phần mềm và ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghệ cao. Trong 2 năm qua, chúng tôi đã giải ngân được 80% tổng vốn, tập trung vào 10 dự án của doanh nghiệp (DN) phần mềm, với quy mô đầu tư bình quân khoảng 2 triệu USD/DN. Chúng tôi không thoái vốn, mà dự kiến sẽ còn mở thêm một quỹ DFJV thứ hai trong năm nay.
Tại sao DFJV tập trung vốn vào DN phần mềm?
Nguồn vốn DFJV tập trung vào dự án gia công phần mềm, dịch vụ Internet, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng điện thoại di động; công ty sản xuất chip; thương mại điện tử…, vì đây là lĩnh vực nhiều tiềm năng và có hiệu quả kinh doanh tốt.
Sau 2 năm đầu tư và đang chuẩn bị xây dựng quỹ mới, ông đánh giá mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào công nghệ của Việt Nam có còn hấp dẫn hay không?
Họ rất quan tâm đến sự phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam nói chung và công nghiệp phần mềm nói riêng.
Tôi thường nói chuyện với các nhà đầu tư và giới thiệu cho họ chiến lược đầu tư mới, danh mục các công ty gia công tại Việt Nam. Điều đáng mừng là, các công ty này đều được nhiều tập đoàn lớn biết đến. Thậm chí, một số công ty trong số này đang thực hiện hợp đồng gia công cho các tập đoàn lớn.
Bên cạnh đó, các công ty phần mềm Việt Nam mà tôi đang theo dõi càng ngày có nhiều khách hàng tìm đến. Tình hình kinh doanh của các công ty phần mềm Việt Nam hiện khá tốt, tăng trưởng hơn 30% so với năm 2010. Dự báo, năm nay, lĩnh vực gia công sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Điều gì còn làm ông băn khoăn với công nghiệp phần mềm Việt Nam?
Trở ngại lớn nhất cho chính sự phát triển của các DN gia công phần mềm lẫn ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam hiện chính là nguồn nhân lực chưa đáp ứng đúng và đủ những yêu cầu đề ra.
Quỹ mới của DFJV sẽ tập trung vào các lĩnh vực nào của công nghệ, thưa ông?
Bên cạnh phần mềm và công nghiệp phụ trợ, quỹ mới sẽ mở rộng đầu tư vào lĩnh vực đào tạo. Chúng tôi rất quan tâm đến công nghiệp phụ trợ, vì nếu giải quyết tốt sẽ tạo ra nhiều công ăn, việc làm. Chính phủ cũng đã xác định công nghiệp phụ trợ là ngành mũi nhọn để ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp phụ trợ là một quãng đường dài. Theo ước tính của tôi, một khoản đầu tư vào DN công nghiệp phụ trợ cần từ 5-10 triệu USD/DN chứ không thể thấp hơn.
Như vậy, tiêu chí đầu tư của quỹ DFJV thứ hai sẽ mở rộng?
Đúng vậy. Khoản đầu tư sẽ không giới hạn 2 triệu USD/DN mà tăng lên 5-10 triệu USD/DN. Quỹ sẽ chú trọng đầu tư vào đào tạo và công nghiệp phụ trợ.
Nếu cần đưa ra lời khuyên để các DN có thể gọi vốn của DFJV, ông sẽ khuyên họ những gì?
DN tìm vốn đầu tư phải có kế hoạch kinh doanh khả thi và cụ thể. Với tôi, sẽ có 4 tiêu chí chính để quyết định đầu tư.
Thứ nhất là đội ngũ lãnh đạo có năng lực.
Thứ hai, sản phẩm của bạn sẽ giải quyết vấn đề gì của thị trường, dung lượng thị trường cho sản phẩm của bạn có lớn hay không?
Thứ ba, sự khác biệt của sản phẩm là gì?
Thứ tư, DN sẽ tổ chức sản xuất như thế nào để có thể phát triển nhanh khi có nhu cầu
Bảo Giang
ĐẦU TƯ
|