Thứ Sáu, 20/01/2012 16:50

Tết này, tôi cầu nguyện cho chứng khoán

Bà Yei Pheck Joo. 

Trước thềm năm con rồng, bà Yei Pheck Joo, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Saigonbank Berjaya cho biết bà sẽ đi lễ chùa, cầu chúc cho con đường năm tới của chứng khoán Việt Nam gặp nhiều thuận lợi.

Hôm nay (20/1) đã là phiên giao dịch cuối cùng của chứng khoán, và bà đang ở Việt Nam vào những ngày giáp tết. Bà thấy tết ở Việt Nam thế nào?

- Bà Yei Pheck Joo : Tôi thích tết ở đây, nhất là những ngày giáp tết. Trong những ngày này, người nào cũng lo dọn dẹp nhà cửa. Quan điểm của người Việt là năm mới, nhà cũng phải mới, mọi thứ đều được tất cả các thành viên trong gia đình cùng nhau làm, tạo nên sự gắn kết mà các nước phương Tây tôi rất ít thấy. Trong những ngày tết, việc mặc đồ mới, đi thăm họ hàng, cùng thưởng thức những bữa ăn cũng cho thấy sự gần gũi, coi trọng truyền thống gia đình của người Việt Nam. Và không chỉ với gia đình, bạn bè cũng tụ họp với nhau trong năm mới, chia sẻ những chuyện cũ và cùng nghĩ về những cơ hội sắp đến. Tôi thích những điều này.

Malaysia, quê hương bà rất gần Việt Nam, vậy những ngày tết, bà có về nhà?

- Tôi vẫn thường về nhà vào dịp tết, và tại Malaysia tôi cũng đón một cái tết âm lịch khá vui. Ở nước tôi cũng có truyền thống lì xì. Ở Malaysia, có một loại cam được cho là cam may mắn được tặng nhau để cầu chúc điều tốt lành sẽ đến với mọi người, giống như dưa hấu đỏ ở Việt Nam được xem là báo hiệu cho điềm may.

Năm con rồng đang tới, bà nghĩ có may mắn gì cho chứng khoán chăng?

- (Cười) Tôi cho rằng năm rồng là năm may mắn. Rồng đại diện cho sức mạnh và sự oai dũng, tuy vậy quan trọng nhất, theo tôi là ai cũng phải tin vào điều này thì tâm lý chung trên thị trường chứng khoán mới mong được cải thiện, và điều này mới giúp cho thị trường đi lên.

Mỗi năm tôi đều đi đến các ngôi đền và năm nay tôi cũng sẽ làm như vậy. Ngoài việc cầu cho gia đình được mạnh khỏe, tôi cũng sẽ cầu cho thị trường chứng khoán các nước, mà nhất là Việt Nam sẽ có được một năm thuận lợi, trôi chảy. Tôi cũng sẽ ăn một loại bánh ở Malaysia, loại có rất rất nhiều tầng (theo người Malaysia, bánh càng cao thì công danh, tài lộc càng tốt) để cầu cho năm nay mọi thứ đều đi lên.

Nói cho vui vậy thôi, nhưng nhìn nhận về thị trường chứng khoán năm sau, tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất, mấu chốt nhất vẫn là kinh tế vĩ mô. Việt Nam hiện đối diện với 4 vấn đề lớn mà chính phủ đang ra sức giải quyết. Đó là tỷ giá, lạm phát, thâm hụt cán cân thanh toán, đòn bẩy nợ của ngân hàng. Việc giải quyết 4 vấn đề này cần nỗ lực và thời gian để chính phủ có thể tìm kiếm giải pháp để xử lý. Các giải pháp mà chính phủ Việt Nam đưa ra trong thời gian qua hoàn toàn hợp lý nhưng để có được hiệu quả nhất định thì cần có thời gian, ít nhất là thêm 6 tháng đầu năm 2012. Như vậy thì chứng khoán mới có thể tăng trưởng tốt.

Bà nói nhiều về các khó khăn của thị trường chứng khoán, vậy việc làm tổng giám đốc (CEO) một công ty chứng khoán ở Việt Nam trong thời gian này chắc không dễ?

- Ỏ Việt Nam thị trường chứng khoán rất sơ khai, quy chế chưa đầy đủ, công nghệ thô sơ, nhân sự cũng chưa có kiến thức sâu về chứng khoán. Đây là những khó khăn cho một CEO nước ngoài. Nó đòi hỏi người lãnh đạo công ty phải nhạy bén để đưa ra các sản phẩm mới cho nhà đầu tư và cũng lèo lái để quản trị các rủi ro trong khi luật lệ chưa đầy đủ. Trong thời điểm hiện nay, những vấn đề vĩ mô cũng đang gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Nó cũng đòi hỏi CEO phải lèo lái sao để con thuyền công ty không đổ vỡ mà bình yên vượt khó.

Tuy vậy, tôi tin vào sự phát triển về dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam, vì thực chất, so với các nước, Việt Nam là thị trường non trẻ, còn nhiều sản phẩm, dịch vụ cần phát triển, nên có nhiều cơ hội để phát triển, thuận lợi hơn các nước mà các dịch vụ đã có sẵn.

Nhưng còn một vấn đề mà cơ quan chứng khoán Việt Nam cần tính toán khắc phục để tăng thanh khoản cho thị trường chứng khoán. Đó là việc thanh toán theo quy định T+3, tức phải 3 ngày sau khi mua/bán thì chứng khoán/tiền mới về đến tài khoản. Điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam đầu tư cảm thấy không an tâm. Họ cho biết nếu muốn rút tiền ra khi có trường hợp khẩn cấp thì không dễ dàng. Và trong nước thì nhà đầu tư cũng chậm quay vòng vốn/chứng khoán của mình, ảnh hưởng đến thanh khoản chung của thị trường và sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bà mong ước gì cho chứng khoán năm con rồng?

- Tôi mong rằng năm sau, quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán sẽ diễn ra thuận lợi và sao cho nhà đầu tư không bị ảnh hưởng xấu. Đồng thời khi đã tái cấu trúc thành công thì nhà đầu tư nước ngoài lại có niềm tin vào chứng khoán Việt Nam và họ tiếp tục rót tiền vào đây, giúp cho thị trường chứng khoán phát triển mạnh.

Và như tôi đã nói, tôi sẽ cầu nguyện mọi điều tốt lành cho chứng khoán Việt Nam trong năm sau!

Thanh Thương thực hiện

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giải pháp vực dậy TTCK Việt Nam (20/01/2012)

>   Góc nhìn ngày tất niên: Sẽ tăng nhưng cần thận trọng (19/01/2012)

>   19/01: Bản tin 20 giờ qua (19/01/2012)

>   Góc nhìn 19/01: Kịch bản giằng co và thanh khoản thấp (18/01/2012)

>   Vì sao thị trường chứng khoán lao dốc trong năm 2011? (18/01/2012)

>   Góc nhìn 18/01: Tâm lý tiêu cực sẽ trở lại (17/01/2012)

>   Bộ Tài chính đang xem xét lại CTCK tồn tại trong các NHTM (17/01/2012)

>   Góc nhìn ngày 17/01: Chọn điểm chốt lời thích hợp (16/01/2012)

>   Tìm vốn từ Quỹ đầu tư DFJV (16/01/2012)

>   Tái cấu trúc CTCK: Quý hồ tinh, bất quý hồ đa (16/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật