Thứ Tư, 04/01/2012 17:39

Doanh nghiệp đôn đáo thu hồi công nợ

Trước Tết Nguyên đán chỉ mấy tuần nhưng nhiều doanh nghiệp đang đau đầu thu hồi công nợ để trang trải cho hàng loạt khoản chi tăng nhanh về cuối năm.

Đôn đáo thu hồi công nợ

Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), Giám đốc công ty Kim Bôi, nói những ngày cuối năm ông phải chạy xuôi chạy ngược để hối thúc, thu hồi các khoản nợ phải thu của khách hàng.

“Chúng tôi phải nhanh chóng thu hồi công nợ để thanh toán tiền nguyên liệu, lo lương thưởng Tết cho công nhân, rồi đáo hạn vay ngân hàng”, ông chia sẻ.

Ông Hùng đánh giá, hiện nay trong giới sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, cứ 10 người thì có 2 hoặc 3 người bán hàng mà không thu được tiền.

“Trong khi đó, nhà nhập khẩu cũng liên tục gây sức ép cho chúng tôi để giảm giá bán và cho thanh toán chậm vì thật sự họ cũng kẹt tiền vì hàng bán chậm. Tình hình này, kết hợp với tỷ lệ lợi nhuận thấp do các chi phí đầu vào tăng hàng loạt trong năm nay, khiến doanh nghiệp chúng tôi gặp khó”, ông nói.

Thậm chí, có doanh nghiệp làm đồ gỗ trang trí nội thất chấp nhận cho không cho khách hàng nhiều chi tiết, phụ kiện trên sản phẩm, chỉ tính tiền công và nguyên liệu chính, cốt yếu để bán nhanh, thu tiền về.

Ông Nguyễn Minh Đông, Giám đốc Công ty Cửa Á Châu (Asia Door), chuyên cung ứng cho các công trình xây dựng, cho biết trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, sức mua giảm khiến khả năng thanh toán của các nhà thầu gặp khó khăn hơn. Trong đó, theo ông Đông, có khoảng 30% trong số đó thuộc khoản thuộc dạng nợ xấu, nợ khó đòi. Phần còn lại, đa phần các nhà thầu công trình đều thương lượng để giãn công nợ.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu đi thị trường EU gần đây cũng lo lắng với các khoản nợ khó thu hồi sau khi xuất hàng. Tình hình thiếu đơn hàng xuất khẩu cho những tháng đầu năm 2012 đã xuất hiện, do tình cảnh kinh tế ảm đạm của các quốc gia châu Âu. Để bán được hàng, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã dễ dãi cho đối tác mua thiếu và không cần chứng từ thanh toán.

Theo một nhà cung ứng thức ăn cho doanh nghiệp thủy sản có nhà máy ở Vĩnh Long, chính do các doanh nghiệp thủy sản cũng được mua chịu nguyên liệu từ các nhà cung ứng khác nên đến lượt mình cũng dễ dãi cho khách hàng mua thiếu. Tuy nhiên, sức mua yếu của thị trường EU đã khiến cho hàng liên tục dồn ứ.

Tình cảnh đó đã đẩy nhiều công ty vào thế tiến thoái lưỡng nan, không thu hồi được tiền bán hàng, trong khi sức ép phải thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng và nợ tiền mua cá của nông dân ngày một nặng nề.

Điều này hình thành một chuỗi mua bán đầy rủi ro từ nhà cung ứng đến công ty chế biến, xuất khẩu và đến nhà nhập khẩu, phân phối. “Chỉ cần một mắt xích gặp sự cố là lập tức lan ra cả chuỗi”, nhà cung ứng này nhận xét.

Tìm cách giảm rủi ro

Bà Lâm Thúy Ái, Giám đốc tài chính Công ty Sản xuất và Thương mại Mebipha, chuyên sản xuất và nhập khẩu, cung ứng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cho biết cũng đang gặp khó với nhiều khoản nợ khó đòi của một số doanh nghiệp thủy sản là đối tác mua hàng.

Do vậy, doanh nghiệp buộc phải có những chiến lược mới, thích ứng với hoàn cảnh hiện tại để giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh áp lực tài chính về cuối năm tăng cao.

Chiến lược đầu tiên là chất lượng. Bà Thúy chia sẻ, với chất lượng hàng hóa tốt, người mua sẽ không phải lo nhiều về tồn hàng, trong khi đó, người bán có thể thương lượng để người mua ưu tiên thanh toán trước cho mình, ví dụ như với chiết khấu thanh toán cao hơn.

“Chiết khấu thanh toán thay vì 3% như trước đây thì giờ chúng tôi nâng lên 4%, người mua sẽ rất sẵn lòng ủng hộ”, bà nói.

Đối với công nợ, nếu như trước đây doanh nghiệp chấp nhận cho khách hàng thanh toán từ 60-90 ngày thì hiện nay rút ngắn chỉ còn 30-60 ngày để hạn chế tình trạng thâm dụng vốn. Bà Thúy cũng cho biết, trong thời điểm này doanh nghiệp sẵn sàng từ chối những đơn hàng lớn so với năng lực sản xuất, vì đi kèm với đó là những rủi ro về tài chính cũng lớn. Còn đối với những đơn hàng cỡ vừa, doanh nghiệp cũng cẩn thận chia thành từng giai đoạn cho giao hàng và thanh toán.

“Sau khi nhận thanh toán đợt giao hàng đầu tiên thì chúng tôi mới chấp nhận giao tiếp đợt thứ 2”, bà nói. 

Còn ông Nguyễn Minh Đông thì nói: “Hiểu tình cảnh khó khăn của nhà thầu, không phải ai cũng muốn chiếm dụng vốn của nhà cung cấp, nên nếu họ có thiện chí trả nợ là chúng tôi cũng chấp nhận kéo giãn công nợ”. Ông Đông cho biết thêm đang cố gắng thuyết phục ngân hàng cho vay hoặc đi tìm những nguồn thu khác để bù đắp cho các khoản chi cho đầu vào.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu khi làm hợp đồng với khách hàng cũng đặt yêu cầu thanh toán chặt chẽ hơn như yêu cầu chuyển tiền cọc, thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng như chứng thư tín dụng (L/C), chuyển tiền bằng điện tín (T/T), nhằm hạn chế rủi ro về thanh toán.

Thái Hằng

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác

>   Giải mã tăng trưởng doanh nghiệp Việt 2012 (04/01/2012)

>   PetroVietnam có thu nhập khủng nhất trong các 'ông lớn' (04/01/2012)

>   Triển vọng của công nghiệp dược Việt Nam (04/01/2012)

>   Tù mù nợ của các tập đoàn kinh tế (04/01/2012)

>   Năm 2012: Điện, xăng dầu lại đòi tăng giá (04/01/2012)

>   "Ngành công thương phải tìm hướng ra cho DN" (03/01/2012)

>   Doanh nghiệp còn thờ ơ hội nhập (03/01/2012)

>   Bộ trưởng Công Thương: Xuất nhập khẩu, điểm sáng kinh tế (03/01/2012)

>   Nợ: Câu chuyện có lời kết còn để ngỏ... (03/01/2012)

>   Đẩy nhanh thủ tục đăng ký lại và rút vốn Vinashin (03/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật