Thứ Ba, 03/01/2012 09:32

Nợ: Câu chuyện có lời kết còn để ngỏ...

Căng thẳng nợ chính phủ ở Mỹ và nguy cơ vỡ nợ công tại nhiều nước châu Âu làm cho kinh tế thế giới u ám chưa biết đến bao giờ. Nhưng mầm mống gây tai họa lại chưa phải là ở mức trần, ở phần trăm GDP, hay các đống nợ tới hạn... Sự quan ngại và vấn đề làm sao tránh vết xe nghiêng cũng không thể chỉ dựa vào các bề nổi dễ thấy kia.

Phần khó thấy là hậu quả của một chuỗi dài tích tụ và ẩn sâu trong bối cảnh mỗi nước. Cụ thể là tình trạng mất cân đối, hay khả năng không thể cân đối được nguồn thu để trả nợ hoặc nuôi nợ (debt service). Tình trạng mất cân đối này đã bị hào quang phồn thịnh thời sung mãn che lấp. Đến một lúc nó lộ diện nhanh và trở nên thúc bách trong điều kiện khó khăn, đặc biệt là những khó khăn dồn dập từ sau cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Cho dù có sự khác nhau về nguyên nhân giữa Mỹ và các nước lâm nạn ở châu Âu, tất cả lại có chung đặc điểm về tính chất: Đó là sự vung tay quá trán, do bất cẩn, hào phóng chơi sang hay thậm chí liều lĩnh để có tiền. Loại trừ mặt trái của việc vay nợ (như mưu đồ chính trị), văn hóa chơi sang (sự tiêu phí), để lấy tiếng hay thỏa mãn nhu cầu hiện tại một cách đơn giản, dễ làm cho người ta quên việc họ xài tiền của tương lai. Khả năng trả nợ do đó có thể bị đánh cược.

Khả năng trả nợ liên quan đến kế hoạch trả nợ. Một kế hoạch trả nợ an toàn và khả thi được dựa trên nguồn thu trong tương lai. Đối với hoạt động kinh tế, đây chính là hiệu quả và quá trình thu hồi vốn đầu tư từ các khoản vay. Quá trình này thường dài nên cần có sự tiên liệu cho một kế hoạch trả nợ khả thi. Kế hoạch trả nợ theo nghĩa vụ ở đây đòi phải có dòng tiền ổn định tương thích theo thời gian, trong khi bất trắc lại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Giàu như Mỹ vẫn phải dè dặt (mức trần nợ chính phủ), lắm tiền như Trung Quốc cũng phải giật mình (vấn đề nợ địa phương), thì Việt Nam không thể không lo.

Lo là vì các khoản vay có đáo hạn nhiều chục năm tưởng không bức bách lại cột chặt ta (con nợ) vào chu kỳ trả nợ. Nợ công lại còn phức tạp ở chính chỗ “công”. Tại sao? Do người đi vay, người sử dụng và người trả nợ thường (hay luôn) là khác nhau. Về pháp lý, “người” ở đây có thể là quốc gia, là tổ chức. Nhưng các tư cách này (pháp nhân công) càng xuống thấp sẽ càng tiệm cận với con người thật. Đó là con người thật sử dụng nợ và con người thật trả nợ. Nếu chẳng may những con người thật sử dụng nợ “hưởng” sớm thì đằng trả nợ về sau (con cháu chúng ta) sẽ khổ. Do vậy, năng lực, trách nhiệm và đạo đức của người sử dụng nợ sẽ rất cần mực thước.

Việc sử dụng nợ cũng rất cần được đặt thành tiêu chí. Theo đó, nợ công nhất thiết phải được sử dụng để phục vụ công. Hiệu quả nợ công phải đo được, mục tiêu của nợ công không đơn giản chỉ là dân sinh (như từng có ở Mỹ) hay cho hoành tráng (trường hợp Hy Lạp), mà chủ yếu là để tạo ra “dòng tiền”. Dòng tiền ở đây có thể là các khoản tiền cứng, có thể là các yếu tố hạ tầng tạo điều kiện kích thích phát triển. Việc cân đối mức an toàn giữa nợ nội tệ và nợ ngoại tệ (sovereign debt) là một yêu cầu khác không thể xem nhẹ.

Việc trông cậy vào dòng tiền buộc ta phải lập các phép tính về chuỗi trả theo thời đoạn (dạng thức amortizing). Khả năng đảm bảo dòng tiền cho tương lai này có thể kiểm nghiệm được trong hiện tại qua việc thẩm định độc lập và so sánh về mục đích sử dụng vốn, chi phí đầu tư, chất lượng công trình...

Tình trạng phân bổ dàn trải, địa phương nào cũng có phần, để nuôi những “đứa con” làm ăn kém, nhưng lại thiếu tập trung cho những đầu kéo (vùng động lực) trong giai đoạn cần bứt lên, đã làm cho mục đích sử dụng vốn kém hiệu quả. Nếu chi phí làm 1 ki lô mét đường cao gấp ba lần so với nước khác, nhưng tuổi thọ lại thấp hơn ba lần, thì có thể thấy ngay sự bất ổn của dòng tiền. Đó là chưa nói đến các hệ lụy tương tác (hay hậu quả) về kinh tế xã hội như lạm phát, tham nhũng, bất công.

Dù sao ta cũng không nên quên rằng song hành với thế giới biến động hiện nay còn có một thế giới đang vận động. Không khó thấy các nước lâm nạn trước bão tố họ đã kịp nhận ra sai lầm (hay dại dột) của mình, đã có sự thức thời và linh hoạt trong xoay chuyển, chứ chẳng ngồi yên. Đó chính là quá trình sửa sai khá căng thẳng và không kém đau đớn đang diễn ra ở Âu Mỹ và nhiều nước khác.

Sửa sai (correction) là bước cần thiết cho yêu cầu thích ứng. Nó có giá trị ứng dụng rộng với nhiều tình huống, không phân biệt thực thể, bất kể đó là một cá nhân hay quốc gia, trước một hành xử đơn lẻ hay chính sách lớn. Các cơn địa chấn nợ lâu nay buộc ai cũng phải nghiêm túc soi lại mình. Tại Việt Nam, cứ cho là cấu trúc nợ công (khoảng 58% GDP 2011) chưa có gì phải lo, thì khả năng bền vững của dòng tiền (đặc biệt là ngoại tệ) có thể đã đáng lo. Các thực trạng liên quan đến mục đích, chất lượng và hiệu quả sử dụng nợ công trong quá khứ cho phép người viết đưa ra ý kiến này.

Không riêng nợ công, nợ tư cũng không nằm ngoài quá trình sửa sai nói trên. Bản thân nợ không có gì xấu cả. Có thể ví nợ như một yếu tố ngoại lai bổ sung cho cơ thể khi cần. Chỉ có sự lạm dụng, cẩu thả và thiếu hiểu biết mới xấu. Cũng đừng quên nợ là con dao hai lưỡi. Nó hóa giải cái khó hiện tại, làm tốt tương lai, nhưng mặt khác, nó cũng có thể gây nhiễu hiện tại và đẩy gánh nặng cho tương lai.

Nếu chi phí làm 1 ki lô mét đường cao gấp ba lần so với nước khác, nhưng tuổi thọ lại thấp hơn ba lần, thì có thể thấy ngay sự bất ổn của dòng tiền. Đó là chưa nói đến các hệ lụy tương tác (hay hậu quả) về kinh tế xã hội như lạm phát, tham nhũng, bất công.

Do vậy, một cá nhân uy tín đi vay mua nhà không thể xem nhẹ kế hoạch trả nợ; một doanh nghiệp có thể mạo hiểm trên vốn riêng, nhưng không thể “liều” với các khoản vay như núi; một ngân hàng không được phép dễ dãi từ nguồn tích góp công chúng trong quá trình “mượn đầu heo nấu cháo” của mình để có thể đe dọa sự an nguy hệ thống.

Một lần nữa, việc quản lý dòng tiền là yếu tố sống còn của tất cả. Dòng tiền mà khô cạn thì doanh nghiệp sẽ lắc lư. Đáng buồn là điều này (sự thiếu cẩn trọng và nhận biết) lại đã gây ra không ít bế tắc.

Các doanh nghiệp có cơ cấu nợ cao hoặc làm ăn dựa quá nhiều vào vốn vay rất dễ nhạy cảm trước các giai đoạn lãi suất cao. Khó khăn vừa qua của nhiều doanh nghiệp, trong đó có không ít doanh nghiệp đã phải bán mình, có nguồn gốc từ đây. Điều đáng nói là rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cơ cấu nợ trên vốn chủ cao bất thường, không hiếm trường hợp cao hơn chục lần.

Khoái nợ là điều lạ ở ta. Trong quá khứ đã có một tổng công ty đòi trả hết vốn chủ (vốn nhà nước) để vay nợ làm ăn. Cách làm ăn kiểu “tay không bắt giặc” thường thấy ở thời bao cấp này cũng là trường hợp của dự án Giấy Thanh Hóa. Tình trạng thiếu bài bản là đặc điểm của giai đoạn thoát ra từ môi trường kinh doanh cũ. Nếu may mắn gặp lúc sóng yên thì sóng chẳng kén thuyền, nhưng khi biển động thì thuyền sẽ dễ bị sóng nhận chìm.

Sự phồn thịnh nhanh chóng bị phủ xám bởi nguy cơ vỡ nợ đã là bài học. Ta lại đang sống giữa thời buổi đầy bão tố. Sự an cư có thể bị đe dọa trong “ngôi nhà chưa phải của mình”. Không nên đùa với nợ và dễ dãi với mình. Nợ là câu chuyện có lời kết còn để ngỏ...

Huy Nam

tbktvn

Các tin tức khác

>   Đẩy nhanh thủ tục đăng ký lại và rút vốn Vinashin (03/01/2012)

>   VNPT và Viettel: Cùng cán mốc doanh thu 120.000 tỷ đồng? (03/01/2012)

>   22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD (03/01/2012)

>   Không mở rộng thêm Khu kinh tế Vân Phong (03/01/2012)

>   Xuất khẩu thủy sản vùng ĐBSCL ước đạt 4 tỷ USD (02/01/2012)

>   Thị trường nào cho vật liệu không nung năm 2012? (02/01/2012)

>   Công nghiệp ô tô lại leo dốc (02/01/2012)

>   Tôm xuất khẩu còn nhiều rủi ro (02/01/2012)

>   Doanh nghiệp khẳng định xăng dầu đảm bảo chất lượng (02/01/2012)

>   Tập đoàn Công nghiệp cao su VN lãi 10.000 tỷ đồng năm 2011 (02/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật