Công nghiệp ô tô lại leo dốc
Việc tăng phí trước bạ và cấp mới biển xe nhằm hạn chế xe ô tô cá nhân tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục cho thấy sự không ổn định trong chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Thuế giảm thấp hơn phí tăng
Ông Tachibana, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, việc tăng lệ phí trước bạ lên 20% tại Hà Nội và 15% tại TP.HCM cũng như tăng phí cấp biển xe ô tô sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường ô tô trong nước, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường của hai thành phố lớn này.
“Chi phí để sở hữu một chiếc xe sẽ tăng lên, đồng nghĩa với khả năng nhu cầu của thị trường sẽ giảm”, ông Tachibana nói và cho hay, chắc chắn các nhà sản xuất phải xem xét lại kế hoạch sản xuất trong năm 2012. Hơn thế nữa, kế hoạch sản xuất của Toyota Việt Nam tới năm 2018 (khi thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung ký kết giữa các nước ASEAN chính thức được áp dụng) sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trước đó, Toyota Việt Nam đã từng có kế hoạch phát triển dòng xe Innova. “Tuy nhiên, việc Chính phủ liên tục thay đổi chính sách và với việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (từ ngày 1/4/2009), chúng tôi chỉ duy trì được sản lượng khoảng 7.500 xe trong năm 2010, giảm tới 50% so với năm 2008. Với những lý do đó, chúng tôi không thể tiếp tục tăng tỷ lệ nội địa hóa cho dòng xe Innova tại Việt Nam”, ông Tachibana nói.
Mặc dù năm 2012, thuế nhập khẩu các loại xe ô tô có giảm chút ít so với năm 2011, nhưng với thực tế các loại phí tăng mạnh, nên giá ô tô cá nhân không những không giảm, mà còn tăng lên.
"Chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ có chiến lược lâu dài để phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ. Chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ Chính phủ xây dựng một dòng xe chiến lược để ngành công nghiệp ô tô phát triển quy mô hơn và vững chắc hơn. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể thực hiện được khi các chính sách thuế ổn định, thị trường được thúc đẩy và tập trung", ông Tachibana nói.
Trên thực tế, khi ngành công nghiệp ô tô ở một số quốc gia phát triển như Mỹ gặp khó khăn, chính phủ các nước đó đã có những hỗ trợ cần thiết để vực dậy sản xuất, bởi đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất ô tô và những vệ tinh kèm theo có ý nghĩa rất lớn với nền kinh tế. Việt Nam cũng được coi là quốc gia có điều kiện để phát triển ngành chế tạo ô tô vững chắc, nhưng việc thiếu chính sách dài hạn và ổn định với ngành công nghiệp ô tô đang làm nhiều nhà đầu tư nản lòng.
Chuyển sang nhập khẩu
Theo nhận định của ông Tachibana, đến năm 2018, nhiều nhất sẽ chỉ còn 3 doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài trụ lại với sản xuất.
Mặc dù cho rằng, Việt Nam là một thị trường lớn (với khoảng 100 triệu dân vào năm 2020), đủ hấp dẫn các nhà sản xuất ô tô, nền kinh tế đang phát triển khá nhanh, nhu cầu và sức mua ngày càng tăng, yếu tố chi phí nhân công thấp vẫn có sức cạnh tranh nhất định, song ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng thừa nhận, thị trường ô tô trong nước đang và sẽ còn tiếp tục cạnh tranh quyết liệt.
Với mức thuế nhập khẩu ô tô sẽ chỉ còn 0 - 5% vào năm 2018, việc xe nhập khẩu nguyên chiếc có lợi thế hơn so với xe sản xuất trong nước là điều được các doanh nghiệp ô tô liên doanh nhận thấy. Các liên doanh đều đã bổ sung chức năng phân phối xe nhập khẩu vào hoạt động của mình với ưu thế bán hàng nhập khẩu chính hãng và tự do hoành hành trên thị trường không có cạnh tranh của các nhà nhập khẩu thương mại thuần túy.
Ngoài Toyota Việt Nam đã dừng đầu tư tăng tỷ lệ nội địa hóa cho dòng xe có lợi thế nhất là Innova từ năm 2008, các doanh nghiệp ô tô khác cũng chỉ đầu tư rất nhỏ giọt vào lắp ráp ô tô với số tiền dưới 10 triệu USD được giải ngân trong vài ba năm.
Đáng chú ý là, công ty mẹ của các liên doanh tại Việt Nam, như Toyota Nhật Bản hay Ford Motor, lại đang bỏ ra vài trăm triệu USD để đầu tư xây dựng những nhà máy ô tô mới ở các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia. Ông Quang cũng thừa nhận, việc Toyota hay Ford không chọn Việt Nam để tiếp tục đầu tư là đáng tiếc cho ngành công nghiệp ô tô nước ta, bởi khi một công ty quyết định bỏ ra cả trăm triệu USD để đầu tư, họ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố.
Dự báo, nếu không phát triển được công nghiệp ô tô với các dòng xe du lịch dưới 10 chỗ thì đến năm 2025, mỗi năm, Việt Nam phải bỏ ra 12 tỷ USD để nhập khẩu ô tô, tạo thêm gánh nặng cho nhập siêu.
Thanh Hương
báo đầu tư
|