Thứ Bảy, 31/12/2011 08:56

Điều hành xăng dầu: Cơn sóng ngầm giữa 2 bộ

Khép lai một năm 2011, nhìn ở góc độ quản lý, điều day dứt nhất là cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai Bộ chủ chốt (Công Thương - Tài chính) vẫn chưa có hồi kết. Sự bất đồng quan điểm về giá cả, đặc biệt là lĩnh vực xăng dầu, giữa hai cơ quan này vẫn dai dẳng.

Vì sao liên tiếp trống đánh xuôi - kèn thổi ngược?

Những ngày cuối năm 2011, chuyện khiến dư luận cảm thấy bức bối nhất là giá xăng, giá điện và lỗ lãi đã lần lượt được giải tỏa, dù chỉ là một phần. Kết thúc năm, giá xăng dầu giữ nguyên, giá điện chỉ tăng 5%, lãi - lỗ của EVN, Petrolimex và các doanh nghiệp xăng dầu khác đã được sáng tỏ.

Cứ tưởng, "khẩu chiến" xăng dầu hồi tháng 9 đã chấm dứt. Nhưng chính sau sự kiện họp báo công bố kết quả kiểm tra 4 doanh nghiệp xăng dầu ngày 19/12 của Bộ Công Thương, dư luận mới vỡ ra rằng, khẩu chiến đã biến thành cơn sóng ngầm. Sự bình yên "giả tạo" trong việc điều hành xăng dầu 3 tháng qua chỉ là cái vỏ bề ngoài. Hai tuần sau đó, ngay tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công Thương đã phản pháo lại Bộ Tài chính.

Nếu như hôm 21/9, Công Thương chỉ trích giảm giá xăng dầu hôm 26/8 là sai thì Bộ Tài chính khẳng định, đó là chỉ đạo đúng.

Lần tranh cãi này cũng tương tự. Trong khi Bộ Tài chính phê bình các doanh nghiệp không tiết giảm chi phí, thù lao hoa hồng cao thì Bộ Công Thương cho rằng, chi phí này thực ra là thấp, các doanh nghiệp đã co kéo vì nhiệm vụ duy trì hệ thống.

Bộ Tài chính công bố các doanh nghiệp nếu làm đúng chi phí kinh doanh như định mực quy định thì sẽ lãi, còn Bộ Công Thương khẳng định, các doanh nghiệp đều lỗ và thậm chí là lỗ hơn, tới 2.000 tỷ đồng (đối với Petrolimex tính từ năm 2008, 2010, 2011).

Thậm chí, chia sẻ sau cuộc họp báo với PV Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN - báo VietNamNet), đại diện Bộ Công Thương còn khẳng định: Bộ Tài chính họp báo công bố kết quả kiểm tra doanh nghiệp xăng dầu, nhưng đơn vị chức năng quản lý là Bộ Công Thương không biết chút nào về thông tin này. Bộ Công Thương gửi văn bản xin bộ Tài chính các bản kết quả đó nhưng rồi vẫn chưa có hồi âm.

Trước đó, kiểm toán về chức năng kiểm tra giám sát các đầu mối xăng dầu sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Bộ Công Thương, cơ quan Kiểm toán Nhà nước cũng đã đánh giá, Bộ Tài chính trong một số thời điểm điều chỉnh giá, mức trích, sử dụng Quỹ đã thiếu sự phối hợp, báo cáo và điều chỉnh không thông qua Bộ Công Thương như quy định.

Rõ ràng, đây là tình trạng trống đánh xuôi - kèn thổi ngược chưa từng xảy ra trong điều hành khi hai bộ Tài chính - Công Thương quản lý ngành xăng dầu. Sự mâu thuẫn không chỉ nằm ở một vài câu nói chưa được nhã nhặn lắm giữa các quan chức, lãnh đạo bộ như đã từng bộc lộ tại cuộc hội thảo xăng dầu tháng 9, mà trầm trọng hơn, sự mâu thuẫn này còn bộc lộ cả ở quan điểm đánh giá vấn đề, ở lăng kính quan sát của hai bộ.

Có lẽ, chưa bao giờ, mối quan hệ, phối hợp giữa hai bộ Tài chính - Công Thương trở nên căng thẳng như vậy.

Trong câu chuyện này, nhìn bề ngoài, Bộ Công Thương dường như bênh doanh nghiệp, thậm chí là như thể đang "bao che", ngụy biện cho doanh nghiệp. Còn Bộ Tài chính thì được lòng dư luận hơn, vì đã quyết liệt vào cuộc "thanh tra kiểm soát" doanh nghiệp, đưa ra ánh sáng những điểm còn tù mù trong ngành này. Đặc biệt là những câu nói tự tin, quyết đoán mạnh mẽ của bộ trưởng Vương Đình Huệ về cam kết minh bạch thị trường còn nhiều độc quyền.

Và cái bắt tay chưa chặt

Còn nhớ, sau những ồn ào tháng 9, Bộ Tài chính đã từng ra "thông cáo" về việc 2 Bộ đã thống nhất trong điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Nhưng thực tế, đây hãy còn là cái bắt tay hời hợt, chưa chặt!

Giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn tồn tại một khoảng trống chưa đồng lòng trong quan điểm điều hành giá cả xăng dầu. Phải chăng vì lẽ đó, nên mới có những chuyện thiếu phối hợp thông tin đến như vậy.

Đại diện hai Bộ đang còn nhiều tranh cãi về điều hành, quản lý xăng dầu

"Bộ Tài chính chỉ lo giá cả, Bộ Công Thương lo cung cầu thị trường, nếu vỡ hệ thống, Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm", thông điệp này của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ hồi tháng 9, cộng với việc "công bố kết quả kiểm tra" nhưng "không nói gì" với Bộ Công Thương càng khiến cho không ít người hiểu rằng, liệu có sự cát cứ, độc đoán trong điều hành ở đây chăng?

Tuy nhiên, khách quan phải thấy rằng, giá cả là yếu tố quyết định lãi lỗ của doanh nghiệp và từ đây sẽ quyết định sự sống còn, tham gia hoạt động lưu thông trên thị trường xăng dầu của doanh nghiệp. Đây là phần gốc do Bộ Tài chính nắm giữ.

Bộ Công Thương lại chịu trách nhiệm phần ngọn: lo đảm bảo cung cầu trên thị trường, hệ thống phân phối lưu thông xăng dầu ổn định, với nhiệm vụ chính trị nặng nề là không đứt nguồn, không gián đoạn, không xáo trộn thị trường.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ không thể "nắm tóc" doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính một cách đơn thuần, không thể ép doanh nghiệp phải nhập đủ hàng, duy trì hệ thống khi các đơn vị này kêu lỗ. Nói cách khác, có chăng là doanh nghiệp lớn có cổ phần Nhà nước chi phối như Petrolimex, PVOil phải chịu,còn các đầu mối nhỏ và các tổng đại lý bên ngoài, Bộ Công Thương không thể  "với tay" chỉ đạo. Vì lẽ này, quyền lợi doanh nghiệp ở góc độ nào đó cũng là đi đôi với việc hoàn thành nhiệm vụ của bộ Công Thương. Bảo vệ các doanh nghiệp này có lợi nhuận hợp lý cũng chính là bảo vệ thị trường lưu thông. Trong khi đó, không phải cứ "rút phép" doanh nghiệp nếu có vi phạm là "xong!".

Xét về lý, cách điều hành của Bộ Tài chính lại cho thấy sự quyết đoán mạnh mẽ đáng nể phục. Sự minh bạch lỗ lãi của doanh nghiệp, vạch trần những mánh khóe kinh doanh của doanh nghiệp luôn nhận được phản ứng tích cực của người dân. Các động thái này của Bộ Tài chính gần như đã đáp ứng được tâm nguyện của hàng chục triệu người tiêu dùng về mặt hàng còn có độc quyền này.

Nhưng vì sao, trước sự quyết đoán này, lại thấy có những bức xúc, ấm ức từ phía Bộ Công Thương?

Sự thiếu hiểu nhau giữa hai Bộ đã dẫn tới sự không phối hợp chặt chẽ và càng khiến dư luận thêm băn khoăn. Có thể, đây chỉ là một cuộc tranh cãi công khai lần đầu tiên xuất hiện trên "chính trường" điều hành kinh tế. Điều khiến người dân lo ngại là liệu rằng, tới đây, các lĩnh vực nhạy cảm khác như thuế, phí... liệu lại có kịch bản tương tự hay không?

Điều cấp thiết nhất phải làm là hai bộ phải tìm tiếng nói chung để đạt sự đồng thuận trước khi đưa ra công luận. Vì mục đích tốt đẹp nhất, cần thiết nhất không phải là làm mọi việc chứng minh "bộ" mình đúng, mà phải làm cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng thấu hiểu và đồng thuận với các đường lối, chủ trương và chính sách điều hành của Chính phủ.

Phạm Huyền

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Hết thời chầu chực mua xe hơi (31/12/2011)

>   TPHCM: Gần 9.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động (30/12/2011)

>   Mắc áo thép của Việt Nam lại bị khởi kiện tại Mỹ (30/12/2011)

>   Doanh nghiệp và ngân hàng dung hòa lợi ích thời khủng hoảng (30/12/2011)

>   Xuất khẩu nông sản cả năm 25 tỉ đô la (30/12/2011)

>   2012: Áp lực lần đầu tiên XK vượt 100 tỷ USD (30/12/2011)

>   Doanh nghiệp đầu tiên xin thôi nhập khẩu xăng dầu (29/12/2011)

>   Hơn 1 tỷ USD nhập khẩu ôtô trong năm 2011 (29/12/2011)

>   Doanh thu từ thị trường nội địa của ngành dệt may tăng 15% (29/12/2011)

>   Doanh nghiệp nhỏ vay ngân hàng: Khó ở đâu? (29/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật