Doanh nghiệp và ngân hàng dung hòa lợi ích thời khủng hoảng
Mối quan hệ lợi ích giữa Doanh nghiệp (DN)- Ngân hàng (NH) luôn là đề tài “hấp dẫn”, đặc biệt khi DN than trời vì gặp quá nhiều khó khăn về vốn thì NH lần lượt công bố lợi nhuận vào loại “hàng khủng” lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Bên lề một cuộc Hội thảo tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, một doanh nghiện sản xuất nước tinh khiết có thương hiệu và thị phần lớn ở khu vực phía Nam cho biết, “Hiện các DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn dù lãi suất cho vay đã giảm. Để vận hành ổn định dây truyền sản xuất, chúng tôi phải lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể theo từng giai đoạn. Trước đây, chúng tôi ký hợp đồng hàng năm với nhà cung cấp, nhưng giờ phải nhỏ giọt hơn để giảm bớt số tiền phải ứng trước. Bản thân nhà cung cấp do trở ngại về vốn cũng không dám nhận nhiều đơn hàng”.
Đại diện ngân hàng BIDV chia sẻ: “Những khó khăn của các DN vệ tinh là DN cung cấp hoặc phân phối sản phẩm cho DN sản xuất cũng là khó khăn chung của nhiều DN hiện nay. Thấu hiểu nhu cầu vốn của DN là cấp thiết, BIDV đã khảo sát, nghiên cứu và đưa ra sản phẩm “Tài trợ doanh nghiệp vệ tinh” nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng này thông qua chuỗi liên kết giữa ba nhà: Ngân hàng - DN trung tâm - DN vệ tinh. Sản phẩm hướng đến việc tài trợ ngắn hạn cho chính DN vệ tinh, bao gồm: bổ sung VLĐ cho sản xuất, kinh doanh thông thường, vốn ngắn hạn cho mục đích tài trợ thương mại, bù đắp vốn ngắn hạn thiếu hụt tạm thời (thông qua sản phẩm thấu chi) và bảo lãnh”.
Như vậy, Sử dụng sản phẩm của BIDV, DN trung tâm như sẽ được đảm bảo nguồn cung đầu vào ổn định và khả năng thu hồi vốn kịp thời từ việc bán hàng.
Còn đối với nhà cung cấp của Công ty sẽ được cung ứng vốn với lãi suất và chi phí hợp lý, trong khi, các DN tiêu thụ sản phẩm nước tinh khiết không chỉ có được lợi ích như nhà cung cấp mà còn được hưởng thêm chính sách chiết khấu bán hàng của Công ty do thanh toán ngay tiền hàng bằng vốn vay thay vì “mua chịu” như trước đây.
Tuy nhiên, DN sản xuất nước tinh khiết vẫn đặt câu hỏi, “Vậy về tiêu chí, điều kiện sử dụng sản phẩm liệu có khắt khe hơn so với đi vay thông thường không?”
Theo đại diện BIDV, “Về tiêu chí, với DN trung tâm cần có sản phẩm cạnh tranh cao, thương hiệu nổi tiếng, thị trường tiêu thụ rộng; còn DN cung cấp cần có tối thiểu 02 năm giao dịch với DN trung tâm, được đánh giá là doanh nghiệp đầu vào chính, có uy tín; DN phân phối thì ưu tiên đối với các Đại lý độc quyền, Đại lý cấp 1 trực tiếp, Đại lý cấp 2 nếu Đại lý cấp 1 là đại lý độc quyền, Đại lý chỉ kinh doanh duy nhất các mặt hàng của DN trung tâm. Khi đáp ứng được các tiêu chí này, DN sẽ được xem xét tài trợ vốn khi đáp ứng một số điều kiện rất phổ biến khi đi vay hiện nay như: có lịch sử quan hệ tín dụng tốt, không có dư nợ xấu và cam kết chuyển doanh thu tương ứng với tỷ lệ tài trợ vốn…
Vị đại diện này cũng cho biết thêm, “Khi sử dụng sản phẩm, DN có thể sử dụng TSĐB linh hoạt, tỷ lệ cho vay trên TSĐB cao hơn mức thông thường, các DN vệ tinh được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống BIDV cùng nhiều ưu đãi khác. Hiện tại, BIDV đang cung cấp cho khá nhiều khách hàng, trong đó, những khách hàng đầu tiên chính là Halico, Hyundai Thành Công…”.
Rõ ràng, chỉ cần một sản phẩm phù hợp là Tài trợ doanh nghiệp vệ tinh, tất cả các “nhà” đều có lợi: NH trở thành cầu nối trong chuỗi liên kết: DN cung cấp - DN sản xuất - DN phân phối, vừa là người cung cấp vốn, dịch vụ tài chính vừa là người quản lý dòng tiền, công nợ cho DN, giúp điều tiết hài hòa lợi ích của các bên. Đó mới là điều cần thiết nhất trong giai đoạn kinh tế có nhiều khó khăn hiện nay.
Anh Vũ
vietnamnet
|