Thứ Năm, 29/12/2011 07:08

Suất đầu tư đường cao tốc của VEC ở mức hợp lý

Đây là khẳng định của ông MAI TUẤN ANH, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về suất đầu tư tại 5 dự án đường cao tốc do đơn vị này làm chủ đầu tư.

Có thông tin cho rằng, làm đường cao tốc ở Việt Nam là đắt nhất thế giới. Các dự án của VEC có nằm trong số này, thưa ông?

Tôi không biết số liệu về suất đầu tư đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây do VEC làm chủ đầu tư, cũng như suất đầu tư đường cao tốc tại một số quốc gia khác được Th.S Nguyễn Xuân Thành (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright) trích dẫn từ đâu, nhưng phải nói ngay rằng, việc so sánh suất đầu tư tại các dự án hạ tầng giao thông nói chung, đường cao tốc nói riêng chỉ mang ý nghĩa tương đối.

Tùy theo yêu cầu chất lượng, chi phí giải phóng mặt bằng, giá thành nhân công và địa hình, địa chất nơi xây dựng công trình, mỗi dự án sẽ có suất đầu tư riêng. Liên quan tới vấn đề này, tôi đã trao đổi với các tổ chức tư vấn cầu đường quốc tế, cũng như chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và được biết rằng, trên thế giới, hiện không có một mẫu số chung về suất đầu tư đường cao tốc. Bên cạnh đó, về mặt khoa học, cũng không ai đi so sánh chi phí xây dựng đường tại Việt Nam với Mỹ hay quốc gia nào đó ở châu Phi.

Ông có thể cho biết, suất đầu tư và chi phí xây dựng cụ thể của một số dự án đường cao tốc do VEC đầu tư? Có hay không con số đắt đỏ 12,7 triệu USD chi phí xây dựng 1 km đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sau khi đã tách phần cầu và giải phóng mặt bằng?

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I) có suất đầu tư bình quân 10,2 triệu USD/km, trong đó chi phí xây dựng bao gồm cả cầu và đường là 8,6 triệu USD/km, chi phí giải phóng mặt bằng là 0,5 triệu USD/km. Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai có suất đầu tư bình quân 4,7 triệu USD/km, chi phí giải phóng mặt bằng 0,4 triệu USD/km. Dự án đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây (có 12 km cầu) suất đầu tư là 18,6 triệu USD/km, trong đó chi phí xây dựng đường là 3,6 triệu USD/km, chi phí xây dựng cầu là 26 triệu USD/km, chi phí giải phóng mặt bằng là 2 triệu USD. Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (có 29 km cầu) suất đầu tư bình quân 28,6 triệu USD/km, trong đó chi phí xây dựng đường 5,5 triệu USD/km, chi phí xây dựng cầu dây văng 52,8 triệu USD/km, chi phí xây dựng cầu 27,5 triệu USD/km, chi phí giải phóng mặt bằng 2,8 triệu USD/km. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có suất đầu tư bình quân 10,6 triệu USD/km, trong đó chi phí xây dựng là 6,5 triệu USD/km, chi phí giải phóng mặt bằng 0,7 triệu USD/km.

Ngoại trừ phần cầu, hầm do có quy mô xây dựng, kết cấu khác nhau, chi phí xây dựng phần đường cao tốc ở Việt Nam chỉ 3 – 5,5 triệu USD/km, thấp hơn rất nhiều con số 12,7 triệu USD/km mà ThS. Nguyễn Xuân Thành đưa ra.

Nếu không có mẫu số chung, tương quan giá thành các dự án đường cao tốc do VEC đầu tư với một số dự án của các quốc gia có điều kiện tương tự Việt Nam là như thế nào?

Trên đây là các số liệu được tổng hợp từ các dự án do VEC làm chủ đầu tư. Trong khi đó, theo số liệu do Viện Thiết kế giao thông Quảng Tây (Trung Quốc) cung cấp, suất đầu tư một số dự án đường cao tốc 4 làn xe tại tỉnh này có chi phí như sau: địa hình đồng bằng không có đất yếu, suất đầu tư là 8,7 triệu USD/km; địa hình đồng bằng có đất yếu, suất đầu tư là 9,7 triệu USD/km; địa hình miền núi, ít khó khăn có suất đầu tư 11,3 triệu USD/km; địa hình miền núi khó khăn (sụt trượt) có suất đầu tư 13,9 triệu USD/km.

Tại Hàn Quốc, số liệu do Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc cung cấp được biết đến như sau: đường cao tốc 4 làn xe, chi phí xây dựng đường 24,3 triệu USD/km, chi phí xây dựng cầu 46,8 triệu USD/km, chi phí xây dựng hầm 22,6 triệu USD/km, chi phí xây dựng nút giao 34 triệu USD/km.

Như vậy, với các số liệu được cung cấp như trên, theo tôi, suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam phù hợp với trình độ quản lý, thi công của Việt Nam, bởi chi phí xây dựng các công trình dân dụng của Trung Quốc hiện được đánh giá là rẻ nhất thế giới.

Cần phải nói thêm rằng, suất đầu tư chỉ là một trong số rất nhiều tiêu chí đánh giá hiệu quả dự án đầu tư. Sẽ không có nhiều ý nghĩa, nếu một dự án có suất đầu tư thấp, nhưng chậm đưa vào khai thác do quá trình triển khai dây dưa kéo dài do vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng. Đây mới chính là những nút thắt cần sớm được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả đầu tư cho các dự án quy mô lớn, trong đó có các công trình đường cao tốc ở Việt Nam.

Anh Minh

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Điêu đứng ở nội thị, điện máy dạt ra vùng ven (29/12/2011)

>   Nga đẩy mạnh thương mại với Việt Nam (28/12/2011)

>   Siêu thị: Kỳ vọng sức mua tăng 25-30% (28/12/2011)

>   Bán lẻ trong vòng xoáy khủng hoảng (28/12/2011)

>   Bộ Công Thương 'phản pháo' chuyện lỗ lãi xăng dầu (28/12/2011)

>   Tổng Công ty Nam Triệu bàn giao 5 tàu trọng tải lớn (28/12/2011)

>   Năm 2012 sẽ có 24 nhà máy điện mới hoạt động (28/12/2011)

>   Tăng giá điện là hợp lý (!) (28/12/2011)

>   Nhầm vai! (28/12/2011)

>   Năm 2011, xuất khẩu tăng 33% (28/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật