Bán lẻ trong vòng xoáy khủng hoảng
59% người được hỏi đã nói quyết định dùng hàng Việt Nam so với tỉ lệ 23% trước đây, theo kết quả điều tra của ban tổ chức cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Nếu trừ đi yếu tố tăng giá, mức tăng trưởng tiêu dùng năm 2011 chỉ khoảng 4%. Ngành bán lẻ rõ ràng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi khó khăn của nền kinh tế.
Khó khăn của nền kinh tế trong năm 2011 đã ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ. Tình hình dự báo còn tiếp tục trong năm 2012 và gây áp lực lớn đến lối ra của hàng Việt. Đó là nhận định đáng chú ý tại Hội thảo Thế giới và Việt Nam: Dự báo 2012 do tạp chí kinh tế nổi tiếng thế giới The Economist tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, những năm gần đây, hàng Việt dần dần đã tìm được chỗ đứng tại thị trường nội địa. 59% người được hỏi đã nói quyết định dùng hàng Việt Nam so với tỉ lệ 23% trước đây, theo kết quả điều tra của ban tổ chức cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Trong các hệ thống siêu thị lớn như Metro, Bic.C, Saigon Co.op, Fivimark, Hapro, tỉ lệ hàng Việt bày bán gần đây đã tăng lên, dao động từ 75-90%.
Tuy nhiên, việc tìm đường ra cho hàng hóa trong nước vẫn là vấn đề nan giải. Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Siêu thị Big C, lạm phát cao đã bào mòn sức mua của người tiêu dùng, cùng với xu hướng tiết kiệm tăng lên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu dùng. Mức tăng trưởng tiêu dùng sau khi trừ đi yếu tố tăng giá của năm 2010 là 14%, nhưng sang năm nay chỉ còn 4%. Do đó, khả năng tăng trưởng tiêu dùng trong năm 2012 khá khó khăn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đã kéo tổng mức bán lẻ, tổng sản phẩm quốc nội bị chậm lại. Đó là những vấn đề ảnh hưởng đến đầu ra cho hàng Việt. Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ từ tháng 8.2011 đã tăng chậm lại. Nếu tháng 1 tăng 8,9% thì 6 tháng chỉ tăng 5,7%, 11 tháng chỉ tăng 4,1% so với 11 tháng năm 2010 (14,7%).
Các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng đã tác động đến tốc độ tăng trưởng tiêu dùng, đến đầu ra của hàng hóa. Khu vực tư nhân tập trung 70% số lượng người tiêu dùng nhưng do khó khăn, người dân trong khu vực này chỉ tập trung mua sắm hàng thiết yếu cho các nhu cầu hàng ngày. Theo ông Ruệ, đây chính là nhóm dân cư quyết định khối lượng hàng hóa bán lẻ tăng hay giảm và họ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương mỗi khi thị trường bán lẻ biến động.
Bảng xếp hạng thị trường bán lẻ toàn cầu của Công ty Nghiên cứu thị trường AT Kearney cho biết năm 2008, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới đối với các nhà phân phối nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay vị trí của Việt Nam đã bị tụt xuống, năm 2009 xếp thứ 6 và 2010 xếp thứ 14. Nguyên nhân chính nằm ở cơ chế quản lý và những rào cản mà các phân phối nước ngoài hay đối mặt khi thâm nhập thị trường Việt Nam, chứ không phải do yếu tố cung cầu thị trường. AT Kearney dự báo trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đạt mức 23-25%/năm.
Thành Trung
Nhịp cầu đầu tư
|