Thực thi sở hữu trí tuệ: bên lơ là, bên chậm chạp
Doanh nghiệp thì chưa mặn mà, còn cơ quan quản lý nhà nước thì quá chậm chạp. Nhiều đại biểu đã nhận xét như vậy về chuyện thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại cuộc hội thảo do Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TPHCM phối hợp với Cục Bản quyền tác giả và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức vào ngày 27-12.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
LS Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM khẳng định không phải chuyện giảm thuế, cũng không phải chuyện nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực phân phối hay ngân hàng, mà chính chuyện SHTT nóng lên sớm nhất sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Nhưng theo ông Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng-Trưởng Cơ quan đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ tại TPHCM, chuyện SHTT thực ra đã được người Mỹ làm “nóng” lên ngay trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ trước đó, bắt đầu từ 1995. Trừ phần Phụ lục, toàn bộ hiệp định có 65 trang thì đã có tới 26 trang là cam kết về SHTT đủ thấy vấn đề này quan trọng đến cỡ nào!
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TPHCM nói thêm rằng theo lời một số thành viên của đoàn đàm phán Việt Nam kể lại thì đây là quyết định khó khăn nhất của Chính phủ trong quá trình đàm phán hiệp định.
Dù vậy, theo nhận xét chung, hầu hết các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có thói quen bảo vệ quyền SHTT. LS Hưng cho biết có một doanh nghiệp du lịch cẩu thả đến mức đưa laptop đi sửa, trong đó chứa toàn bộ dữ liệu về khách hàng, chi phí, giá cả v.v… Đến khi những dữ liệu này bị tung lên mạng và bị đối thủ sử dụng thì mới tá hỏa kêu trời.
Hay có lần sang Mỹ, tình cờ đến thăm quận Cam, ông Hưng hết sức ngạc nhiên khi thấy rất nhiều nhãn hàng của Việt Nam bị doanh nghiệp bản địa sử dụng. “Nếu người ta đăng ký bảo hộ độc quyền luôn thì làm sao hàng của ta xuất vô Mỹ được. Tôi không rõ các doanh nghiệp Việt Nam có biết chuyện này không?” - ông Hưng băn khoăn.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết mỗi năm Cục SHTT tiếp nhận khoảng 3.000 đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế của người Việt Nam và người nước ngoài nhưng chỉ chưa đến 10% trong số đó là của người Việt Nam.
Ngoài ra, tính đến 2011 số văn bằng bảo hộ do Cục SHTT cấp chỉ khoảng gần 130.000 trong khi tổng số doanh nghiệp của cả nước khoảng 520.000- 530.000, chưa kể hộ kinh doanh cá thể.
Thủ tục chậm chạp
Tuy nhiên, tại hội thảo đại diện một số doanh nghiệp cũng lên tiếng than phiền về sự chậm trễ trong các thủ
tục hành chính liên quan đến cấp văn bằng bảo hộ. Ông Nguyễn Hữu Danh, Giám đốc Công ty nhôm Hoàn Cầu cho biết công ty ông làm thủ tục gia hạn văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu nhưng đã quá 6 tháng rồi mà vẫn không nhận được hồi âm.
Tương tự, theo phản ánh của đại diện Công ty cơ khí môi trường Thịnh Phong, đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp này đã gửi từ 4-1-2011 đến nay, tức gần một năm trôi qua cũng chưa thấy trả lời của Cục SHTT.
Sau khi nghe phản ánh, ông Bình hứa sẽ cho kiểm tra lại và trả lời trong thời gian sớm nhất. Trao đổi với TBKTSG Online về sự chậm trễ, ông Nguyễn Thanh Bình thừa nhận “có những thời điểm Cục SHTT chúng tôi quá tải bởi số lượng đơn đề nghị quá lớn”.
Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh so với trước đây thủ tục hành chính hiện nay đã được đơn giản hóa rất nhiều. Đặc biệt, việc Cục SHTT cách đây không lâu đưa vào sử dụng Thư viện kỹ thuật số về SHTT đã giúp đáng kể cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các thông tin cần thiết trước khi gửi yêu cầu bảo hộ. “Chúng tôi đang cải cách hành chính mạnh mẽ và hy vọng trong năm 2012 sắp tới sẽ có nhiều giải pháp theo hướng minh bạch, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp” - ông Bình cho biết.
Nguyên Tấn
tbktsg
|