Thứ Ba, 27/12/2011 11:58

Nhập siêu giảm: Để điểm sáng không bị mờ

Bộ Công Thương dự báo nhập siêu năm 2011 ở mức 10 tỉ đô la Mỹ, bằng khoảng 10,4% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Mức nhập siêu giảm đang được coi là điểm sáng của nền kinh tế. Vấn đề là làm sao để điểm sáng đó không bị mờ dần.

Được lợi nhờ giá xuất khẩu cao

Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu (qua 11 tháng xuất khẩu tăng 34,7%, nhập khẩu tăng 26,4%) nên cán cân thương mại của Việt Nam năm nay được cải thiện rõ rệt, với tỷ lệ nhập siêu thấp nhất trong vòng sáu năm trở lại đây và thấp gần phân nửa so với mục tiêu đã được thông qua cho năm 2011.

Theo Bộ Công Thương, nhập siêu trong năm năm 2006-2010 ước tính là 64,7 tỉ đô la. Đặc biệt hai năm 2007-2008 là những năm tăng trưởng nóng, nhập siêu lên rất cao. Hai năm sau, 2009-2010, nhập siêu bắt đầu giảm dần. Tỷ lệ nhập siêu/kim ngạch xuất khẩu giảm từ 28,8% (năm 2008) xuống còn 17,5% (năm 2010), tương đương 12,6 tỉ đô la. Như vậy, việc giảm xuống mức nhập siêu 10 tỉ đô la năm nay rất đáng được ghi nhận.

Nói về mức nhập siêu giảm mạnh, PGT.TS. Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) và ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ đều khẳng định: “Do giá xuất khẩu ở mức cao”. Ông Ruệ tính thêm: năm 2011, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu nhờ tăng giá, chỉ có 17% nhờ tăng lượng.

Bộ Công Thương cũng có những đánh giá tương tự trong báo cáo tổng kết ngành năm 2011: “Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là do giá hầu hết các mặt hàng nông sản, nhiên liệu và khoáng sản đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái”. Nhờ được giá, Việt Nam đã có 23 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la, trong đó năm nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỉ đô la (gồm dệt may, dầu thô, điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, thủy sản).

Chi tiết hơn, trên 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được lợi nhờ tăng giá, ví dụ như giá dầu thô bình quân tăng 43,6%, than đá tăng 17,3%, xăng dầu các loại tăng 37,9%, quặng và khoáng sản tăng gần 20%, sắt thép tăng 13%, nhân điều tăng 45,2%, hạt tiêu tăng 66,5%, gạo tăng gần 10%... Về lượng, cũng có gần 10 mặt hàng xuất khẩu tăng, với mức tăng bình quân từ 5,1% (như dầu thô) đến 58,5% (sắn và các sản phẩm sắn).

Với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến khoảng 96 tỉ đô la trong năm nay, ông Thắng ước tính Việt Nam sẽ sớm cán mốc 100 tỉ đô la Mỹ. Cho dù kinh tế thế giới đang gặp khủng hoảng nhưng thời gian tới, “dư địa” cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều vì chúng thuộc nhóm các mặt hàng thiết yếu như gạo, cà phê, nguyên liệu… Tuy nhiên, điểm sáng nhập siêu chưa đủ để làm mờ nhiều vấn đề khá nan giải khác.

Chưa giải quyết tận gốc bài toán nhập siêu

Giảm nhập siêu, theo ông Thắng, đồng nghĩa với việc kim ngạch nhập khẩu năm 2011 tăng chậm lại, phần nào báo hiệu không tốt cho tình hình sản xuất kinh doanh ít nhất là quí 1 và 2 sang năm, vì 85% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. “Nếu nhập ít đi có thể do lãi suất cao, người ta không vay được vốn để nhập khẩu hoặc sản xuất ra không bán được, tồn kho nhiều thì không dám nhập tiếp, hoặc là chưa có hợp đồng”, ông nói.

Do vậy, giảm nhập siêu như trên đã được xem là chắc chắn hay chưa, theo quan sát của ông Ruệ, phải chờ xem lãi suất thời gian tới có hạ hay không. Nếu lãi suất hạ, doanh nghiệp có thể vay vốn tăng nhập khẩu để sản xuất thì nhập siêu có thể quay đầu tăng mạnh trở lại.

Ông Thắng cho rằng muốn giảm nhập siêu một cách bền vững thì phải xem lại các biện pháp nới lỏng đầu tư từ trước đến nay đã tác động như thế nào đến cán cân thương mại. Bởi bản chất nhập siêu tăng mạnh những năm qua là do Chính phủ chỉ chú trọng siết nhập khẩu qua con đường thương mại mà ít chú trọng đến nhập khẩu qua đầu tư, trong khi 85% kim ngạch nhập khẩu qua con đường này, nhất là giá trị nhập khẩu  của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Chưa hết, các doanh nghiệp FDI, nhiều năm qua vốn xuất siêu, năm nay đã bắt đầu nhập siêu, 862 triệu đô la (không kể dầu thô). Khối doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực chiếm 45% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước mà tăng tốc độ nhập siêu chắc chắn cũng gây áp lực lên cán cân thương mại cho Việt Nam. Bên cạnh đó, nhập siêu chủ yếu là từ các thị trường ASEAN (59%), Trung Quốc (126,6%), Hàn Quốc (167,5%), Đài Loan (371%). “Điều này cho thấy nền sản xuất của chúng ta quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, máy móc từ ASEAN và Trung Quốc. Việc xuất siêu sang các nước châu Âu cũng cho thấy chúng ta hầu như gia công và xuất thô vào các thị trường đó mà không nhập khẩu máy móc, không tiếp thu được công nghệ từ châu Âu”, ông Thắng nói.

Điều này, một lần nữa lại khớp với nhận định của Bộ Công Thương khi đúc kết lại những hạn chế về tình hình nhập khẩu của Việt Nam năm năm qua: “Thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn là châu Á - Thái Bình Dương nên công nghệ máy móc, thiết bị đa số là công nghệ trung gian”.

Quay trở lại vấn đề xuất khẩu. Bộ Công Thương lo ngại rằng cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa hợp lý nên việc giảm nhập siêu bền vững vẫn là một vấn đề. Cụ thể: cơ cấu chủng loại hàng hóa còn đơn điệu, chậm xuất hiện những mặt hàng mới có kim ngạch đáng kể; các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, quá trình chuyển dịch cơ cấu mặt hàng theo hướng công nghiệp hóa diễn ra chậm; chưa phát triển công nghiệp phụ trợ để hình thành chuỗi giá trị gia tăng bền vững. Vì thế, mặt hàng nông, lâm thủy sản chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hay các mặt hàng gia công xuất khẩu được lợi về kim ngạch lại là những mặt hàng mà giá cả thế giới biến động thất thường nhất.

Nói tóm lại, theo ông Ruệ: “Giảm nhập siêu bền vững đồng nghĩa với việc đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, lo được nguồn nguyên liệu đầu vào”. Bởi nói gì đi nữa, việc hưởng lợi từ giá xuất khẩu tăng chỉ có tính thời điểm, không giải quyết được tận gốc bài toán nhập siêu.

Ngọc Lan

tbktsg

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu xi măng vẫn hướng đến thị trường châu Phi (27/12/2011)

>   Ngân hàng ngoảnh mặt với doanh nghiệp thép (27/12/2011)

>   Doanh nghiệp xăng dầu bức xúc Bộ Tài chính về hoa hồng (27/12/2011)

>   TPHCM: Dự định xây nhiều cầu, đường trong năm 2012 (26/12/2011)

>   Doanh nghiệp thuỷ sản lo lắng (26/12/2011)

>   Hơn 4.000 tỷ đồng xây nhà máy sản xuất phân bón (26/12/2011)

>   Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6 tỷ USD (26/12/2011)

>   Doanh nghiệp cân nhắc mở rộng thị trường (26/12/2011)

>   Nhập siêu giảm, chưa vội mừng (26/12/2011)

>   Độc quyền, minh bạch và giá thị trường (26/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật