Doanh nghiệp cân nhắc mở rộng thị trường
Có tới 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong năm 2012, khi kết quả các kế hoạch tái cấu trúc đã xuất hiện cùng những dấu hiệu khả quan hơn về thị trường.
Khoản tiền lớn thu được sau thương vụ bán tới 95% cổ phần trong Công ty cổ phần Diana cho Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản) sẽ bổ sung cho Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji một nguồn lực đáng kể để tiếp tục thực hiện những kế hoạch mở rộng kinh doanh mà Tập đoàn này đã rầm rộ tiến hành vào cuối năm 2011.
Mặc dù không đưa ra con số cụ thể (dự đoán của báo giới là từ 128 triệu USD đến trên 180 triệu USD), nhưng ông Nguyễn Minh Phú, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Doji cho biết, đây là một khoản tiền lớn và rất quý trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Không bàn sâu về thương vụ mua bán này, mà theo ông Phú là cách tốt nhất để đưa thương hiệu Diana đang ở mức phát triển bão hoà tại thị trường Việt Nam vươn nhanh ra thị trường khu vực, nhưng có thể thấy, mục đích tận dụng cơ hội để tái cơ cấu nguồn lực, tìm cách mở rộng hoạt động với chi phí rẻ, đã đem lại kết quả. “Với nguồn lực hiện có, chúng tôi sẵn sàng tham gia vào những lĩnh vực mới, thậm chí cả bất động sản, khi các khoản đầu tư được xác định là rẻ và có nhiều cơ hội”, ông Phú nói khi bàn về giải pháp đa dạng hoá nguồn vốn để không bị quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng.
Khả năng mở rộng đầu tư cũng đang được Chi nhánh Tập đoàn Dệt may tại Đà Nẵng (Vinatex Đà Nẵng) xây dựng phương án với giá trị khoảng vài trăm nghìn USD khi Công ty TNHH Apron (Nhật Bản) đặt vấn đề về khả năng mở rộng quy mô hợp đồng sản xuất bao tiêu sản phẩm bảo hộ lao động sau những thành công của hợp đồng đầu tiên ký hồi tháng 8/2011.
Nếu thoả thuận này đạt được, ông Hồ Viết Thanh, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Vinatex Đà Nẵng cho biết, 6.000 m2 nhà xưởng tại TP. Đà Nẵng sẽ được Công ty đầu tư nâng cấp, mở rộng diện tích và phía đối tác Nhật sẽ đảm bảo cung cấp chuyên gia kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và trả lương toàn bộ công nhân làm việc cho các dây chuyền này.
“Sau những chấn động lớn về thiên tai tại Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á, nhiều khách hàng Nhật Bản đã đến để bàn về kế hoạch hợp tác sản xuất năm 2012. Điều quan trọng là các kế hoạch này không chỉ mở ra hướng thuận lợi trong đầu ra cho doanh nghiệp, mà tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch đầu tư công nghệ, tăng năng suất lao động và chất lượng, giảm giá thành sản phẩm”, ông Thanh cho biết.
Có vẻ kết quả tích cực của các kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp trong thời gian qua đang là cơ sở để nhiều doanh nghiệp cân nhắc việc mở rộng đầu tư, kinh doanh trong năm 2012, tuy rằng, những nhận định không mấy khả quan vẫn được đưa ra vào quý I/2012.
Trong khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về động thái doanh nghiệp quý IV/2011 và dự cảm 2012 vừa được thực hiện, 65% doanh nghiệp cho biết, sau các kế hoạch tái cơ cấu, chất lượng sản phẩm tăng lên rõ rệt; 57% doanh nghiệp cho rằng, năng suất lao động tăng cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp tin vào sự tăng trưởng của thị trường cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu cũng như những cải thiện về hệ thống pháp luật, ý thức phục vụ của giới công chức, khả năng tiếp cận nguồn thông tin về thị trường, công nghệ tốt hơn tăng cao hơn quý IV/2011. Đây là cơ sở để 13% doanh nghiệp kỳ vọng tốt hơn, 57% số doanh nghiệp tin ở sự ổn định trong các điều kiện phục vụ cho sản xuất - kinh doanh của quý I/2012.
Tuy vậy, vẫn có 30% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, tình hình xấu đi. Xu hướng tiêu cực cũng được thể hiện qua chỉ số tiếp cận vốn vay khó khăn, khan hiếm nguồn lao động có tay nghề.
Sự ổn định kinh tế vĩ mô tuy vẫn được nhắc tới là một trong những lo ngại của giới kinh doanh, song không còn ở mức cao nhất như trong khảo sát tương tự trước đó do Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, sự ổn định này chỉ có thể cho kết quả thực tiễn vào quý II/2012. Xu hướng bi quan về lợi nhuận của doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch đầu tư tốt cho năm 2012, cơ cấu lại danh mục sản phẩm để đảm bảo duy trì được thị trường chính và khách hàng lâu dài.
Bảo Duy
đầu tư
|