Quản lý khai thác khoáng sản: Trách nhiệm quản lý ở đâu?
DĐDN số 99, ra ngày 14/12/2011 đã đăng bài: “Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản: Sờ đâu sai đó” phản ánh những bất cập trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản sau cuộc kiểm tra của Đoàn kiểm tra Bộ TN-MT mới đây. Vậy Sở TN-MT BR - VT đã nhìn nhận trách nhiệm cũng như nguyên nhân của những bất cập này như thế nào?
* Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản: Sờ đâu sai đó
Tại phiên họp lần 3, HĐND tỉnh khóa V vừa diễn ra, nhiều ý kiến đã thẳng thắn phê bình sự thiếu trách nhiệm quản lý Nhà nước của Sở TN-MT đối với hoạt động khai thác khoáng sản, dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho đời sống người dân các khu vực có các mỏ khai thác khoáng sản hoạt động.
Yếu hậu kiểm
Hiện hầu hết các mỏ đều không thực hiện phục hồi cảnh quan môi trường sau khai thác theo đúng qui định. Khu vực các mỏ đã khai thác không có hàng rào ngăn cản. Trong khi sau khai thác các mỏ đều để lại những hố sâu chết người, có nơi âm xuống tới 2 - 3 m do DN khai thác quá độ sâu cho phép. Trong số 28 trẻ em chết đuối trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2011, có 4 trẻ chết trong các hố khai thác đá. Chưa kể những tai nạn lao động xảy ra tại các mỏ, hay những hệ lụy khác mà hoạt động khai thác khoáng sản gây ra như: Phá vỡ cảnh quan môi trường; Bụi quá nhiều gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; Vận chuyển phá hư hỏng đường xá, gây tai nạn giao thông...
Ông Lê Văn Sâm - Giám đốc Sở TN-MT thừa nhận: “công tác hậu kiểm đúng là một điểm yếu trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở hiện nay”.
Đổ lỗi... khách quan
Theo ông Sâm, thực tế, toàn bộ các mỏ đá được cấp phép đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dự án cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác cũng đã được phê duyệt và các DN đã ký quỹ phục hồi môi trường hàng năm theo đúng qui định của luật bảo vệ môi trường. Các dự án cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác cũng đều bám theo định hướng qui hoạch của tỉnh, tức là sau khai thác, các khu vực này phải làm mặt bằng xây dựng, trồng cây bảo vệ môi trường, tạo hồ để chứa nước cải thiện môi trường. Sau khi kết thúc khai thác các DN phải có trách nhiệm đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo đúng báo cáo ĐTM và DA cải tạo phục hồi môi trường đã được duyệt. Tuy nhiên, hiện nay, các mỏ đều đang trong quá trình khai thác nên các DN chưa phải thực hiện việc cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác.
Cũng theo ông Sâm, câu chuyện “Vì sao khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan” là do “xuất phát từ nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông, phát triển KTXH của địa phương.
Một nguyên nhân mà ông Sâm bảo vệ đến cùng đó là do “tuổi đời khai thác của mỏ đá quá dài so với nhiệm kỳ của một giám đốc”. Ông Sâm nhấn mạnh: “Về trách nhiệm, 5 năm nữa tôi hết thời gian, tôi cũng nghỉ. Nếu mỏ còn thời gian khai thác 4 năm (2015), thời điểm đó tôi còn làm GĐ, tôi xin hứa sẽ thực hiệm nghiêm chỉnh ĐTM. Chuyện của những mỏ thời gian khai thác đến năm 2016, 2022 bây giờ trả lời, tôi cho rằng không chắc. Đồng chí nào kế nhiệm thì trả lời sau...”
Đại biểu Lê Văn Xương, chủ tịch UBND huyện Tân Thành:
Về mặt chuyên môn, trong quá trình khai thác, cơ quan quản lý phải yêu cầu các DN khai thác đến đâu khôi phục đến đó. Ví dụ, qui mô mỏ 40 ha thì khai thác hết 1 ha phải khôi phục trước 1 ha. Sở TN-MT phải kiểm tra hướng dẫn và quyết định với DN chứ không thể bỏ liều. |
Trung Hà
diễn đàn doanh nghiệp
|