Chủ Nhật, 25/12/2011 09:27

Đường nào cho hàng hóa Việt Nam?

Mạng lưới phân phối của nhiều DN VN hiện nay như một miếng vải với nhiều lỗ thủng. Nói như các chuyên gia trong lĩnh vực phân phối, nếu ví quá trình đưa hàng từ nhà máy đến tiệm bán là một chuỗi dây xích thì một số khâu trong chuỗi dây này đang bị đứt đoạn. Chính điều này ảnh hưởng không nhỏ tới đường ra cho hàng Việt.

Mặc dù năm nay, Bộ Công Thương dự kiến đạt mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 30%, nhưng bộ này đưa ra dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 khó đạt mức tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào khoảng 12% so với năm 2011. Con số này cũng khá sát với mục tiêu mà Chính phủ đề ra (13%). Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, mức tăng XK như trên cũng rất khó đạt, bởi kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều bất ổn, nên nhu cầu NK ở nhiều thị trường chính của VN cũng đi xuống.

Xuất khẩu... giảm dần đều

Theo Bộ Công Thương, nếu năm 2012, tăng trưởng XK đạt mức 12%, thì trong ba năm (2013 – 2015), mỗi năm, chỉ cần đạt mức tăng trưởng kim ngạch XK 6% là đạt chỉ tiêu của cả giai đoạn năm 2011 – 2015. Mặc dù năm 2011 được đánh giá là một năm khá thành công của dệt may VN trong bối cảnh khó khăn chung tuy nhiên theo nhận định của Bộ Công Thương, ngành dệt may gần đây có xu hướng giảm dần sản lượng. Nguyên nhân do giá nhân công và chi phí đầu vào tăng vì không chủ động được nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, do chưa thực sự chú trọng đầu tư nhiều cho khâu thiết kế, kiểm soát hàng kém chất lượng. XK chịu tác động mạnh từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Hoa Kỳ, tiết kiệm tiêu dùng của Nhật Bản và khủng hoảng nợ công tại nhiều nước Châu Âu. Vì vậy, nhiều DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất áo sơmi, quần âu bị hủy hợp đồng, thậm chí không ký được đơn hàng cho quý 1/2012.

Tình hình ngành da giày tuy có khả quan hơn các ngành khác, nhưng sản lượng trong từng đơn hàng XK vào EU bắt đầu giảm, mức giảm khoảng 20-30%, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế tại các nước này.

Ngay cả lúa gạo vốn là mặt hàng XK chủ lực của VN hiện nay cũng đang đối mặt với việc thiếu đơn hàng trầm trọng, sự cạnh tranh gay gắt về giá từ các nước XK gạo khác (hiện giá gạo VN cao hơn khoảng 100 USD/tấn so với gạo Ấn Độ, Pakistan, Myanmar) và áp lực về chất lượng gạo thương phẩm không cao, thiếu sản phẩm đặc trưng. Thực tế, các nước Châu Phi và một số nước Trung Đông đã quay sang mua gạo trắng của các nước khác thay vì mua của VN như trước. Theo Hiệp hội Lương thực VN VFA, năm nay, VN dự kiến XK 7 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt mức cao nhất từ khi tham gia thị trường. Tuy nhiên, theo VFA, năm 2012, dự kiến XK gạo sẽ khó khăn hơn.

Một mặt hàng XK chủ lực khác là thủy sản. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2011 ước tính, giá trị XK sẽ đạt mốc 6 tỉ USD, tăng mạnh so với kim ngạch 4,94 tỉ USD của năm 2010. Mặc dù tăng trưởng hơn 20% về kim ngạch so với năm 2010, thế nhưng tại thời điểm này nhiều DN thuỷ sản hầu như không ký kết được những đơn hàng mới, cũng không mong bán được hàng mà đang phải lo thu hồi tiền nợ. Đặc biệt là ở Châu Âu – khu vực chiếm 40% thị phần tiêu thụ thủy sản của VN, tiêu thụ hầu như ngưng trệ.

Trước những khó khăn nhãn tiền của thị trường XK trong năm 2012, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: Ngoài việc hướng đến các thị trường lớn, vươn xa, các DN khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng mậu dịch biên giới. Đây là kênh quan trọng đối với các DN vừa và nhỏ XK hàng hóa, nhất là với hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng không đòi hỏi quá cao. Hiện các thị trường lân cận VN như Lào, Campuchia, Trung Quốc đang đóng góp đáng kể vào kim ngạch XK của VN. Tuy nhiên thời gian qua, VN chưa xây dựng được chính sách đặc thù cũng như chưa tận dụng được hết tiềm năng XK vào thị trường này.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, khi kinh tế gặp nhiều khó khăn thì xu hướng bảo hộ mậu dịch với hàng loạt rào cản mang tính kỹ thuật... sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng XK của các DN VN.

“Sân nhà” cũng khó

Thị trường XK gặp khó khăn, quy luật tất yếu các nhà sản xuất sẽ phải tập trung hướng vào thị trường nội địa. Và trên thực tế thị trường trong nước vẫn là một thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa VN.

Theo dự báo của Bộ Công Thương: Năm 2011, ước tính mức lưu chuyển hàng hóa của cả nước đạt 1.994 tỉ đồng, tăng 29,2% so với năm ngoái. Vì vậy, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì mức tăng trưởng của thị trường trong nước sẽ đạt khoảng 7- 8%. Năm 2012 dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa của cả nước vẫn tăng trưởng khoảng 20% và nếu loại trừ yếu tố tăng giá sẽ đạt tương đương 2011.

Trong định hướng phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2011 -2020 cũng đã đạt tăng trưởng vào khoảng 10% bình quân/năm, tỉ trọng lưu chuyển hàng hóa trong nước chiếm khoảng 20% của GDP.

Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Mục tiêu  phấn đấu đến năm 2020 mảng thị trường trong nước đạt 40%và tập trung kinh doanh theo kênh hiện đại. Đây là một trong những mục tiêu cho định hướng phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2011- 2020.

Thống kê từ Bộ Công Thương, cả nước hiện có hơn 8.500 chợ truyền thống, và có 615 siêu thị, 102 trung tâm thương mại.

Theo PGS TS Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương: Nếu thực hiện tốt chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thì sẽ mang lại lợi ích đa chiều. Tuy nhiên để phát triển nhanh, lâu nay chính sách của chúng ta đều tập trung cho XK và thu hút bằng mọi giá vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển bền vững thị trường nội địa và tiêu dùng của dân chúng phải thực sự là động lực của sự tăng trưởng.

Cũng theo ông Thắng, hàng hóa Việt muốn chiếm được thị trường nội địa phải có đủ về quy mô cũng như kết cấu để phù hợp với sự phân bố sức mua, chi tiêu theo địa bàn, thành phần dân cư của người VN. Đáng tiếc rằng ở 6 thành phố lớn hàng Việt chỉ mới vào được một số siêu thị để phục vụ cho một phần nhỏ nhu cầu ăn uống của tầng lớp có thu nhập khá, còn lại,  hàng Việt chưa vươn tới ngưỡng phục vụ được nhu cầu của người có thu nhập cao, rất cao, đồng thời lại không có hàng giá đủ rẻ để phục vụ cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở thành thị và thị trường nông thôn.

Mổ xẻ điểm yếu

Một trong những điểm yếu cố hữu, cản trở sự phát triển của hàng hóa trong nước đó chính là sự yếu kém của hệ thống phân phối. Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Hệ thống phân phối của VN đang bộc lộ 4 điểm yếu cố hữu đó là: hạ tầng yếu; nhân lực yếu; vốn yếu và liên kết, phối hợp yếu. Việc buông lỏng quản lý ở khâu bán buôn hiện nay khiến hệ thống phân phối bị đứt đoạn, dẫn đến tình trạng đầu cơ, đẩy giá hàng hóa lên như từng diễn ra đối với gạo, ximăng... Sự minh bạch kém cũng là yếu tố tạo nên sự độc quyền ở một số ngành, lĩnh vực sản xuất và cung ứng dịch vụ khiến giá tăng cao, tạo sự bức xúc không đáng có cho người tiêu dùng.

Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ VN phân tích, căn cứ vào tình hình thực tế có thể đưa ra dự báo ban đầu cho thị trường bán lẻ theo chiều hướng. Một là, thị trường bán lẻ VN tiếp tục chưa có đột biến lớn về quy mô, dung lượng thị trường, cũng như tốc độ tăng trưởng. Hai là, giá đầu vào của nguyên liệu, vật tư đầu vào do phải nhập khẩu vẫn biến động, giá XK của một số sản phẩm đặc biệt là lương thực, nông sản XK vẫn dao động khó lường, gây thiệt hại cho người sản xuất, người tiêu dùng VN trong khi thu nhập thực tế giảm.

Ba là, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ giữa các DN nước ngoài với DN trong nước, giữa hệ thống DN bán lẻ VN vẫn chưa thực sự bước vào giai đoạn quyết liệt mà họ sẽ vẫn thầm lặng theo đuổi những mục tiêu dài hạn.

Bốn là, chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát xử lý hàng hóa dịch vụ chất lượng kém, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa nhập khẩu bằng nhiều hình thức...

Tuy vậy, điều đáng buồn là giải pháp tổng thể cho bài toán này chính là xây dựng được một quy hoạch cho phát triển thị trường phân phối VN thì vẫn đang trong quá trình “thai nghén”.

Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó TGĐ Cty TNHH TMDV Siêu thị Big C : Làm tốt truy suất nguồn gốc hàng hóa

Theo tôi thị trường bán lẻ VN sẽ có những chiều hướng phát triển sau: Thị trường bán lẻ VN tiếp tục chưa có đột biến lớn về quy mô, dung lượng thị trường, cũng như tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ còn tùy thuộc vào biến động của kinh tế vĩ mô, để giá cả thị trường, quan hệ cung cầu ổn định và giữ vững, tùy thuộc vào lộ trình thực hiện cơ chế thị trường, đối với các mặt hàng nhà nước quyết định giá, quản lý giá như điện, than, xăng dầu để không gây ra đột biến, làm méo mó thị trường.

Mặt khác, giá đầu vào của nguyên liệu, vật tư đầu vào do phải nhập khẩu vẫn biến động, giá xuất khẩu của một số sản phẩm đặc biệt là lương thực, nông sản xuất khẩu vẫn khó lường, gây thiệt hại cho người sản xuất, người tiêu dùng VN trong khi thu nhập thực tế giảm. Nếu giá tăng, tỉ giá biến động, lãi suất ngân hàng chậm được đưa về mức hợp lý thì tâm lý và lòng tin vào thị trường VN sẽ khó yên tâm.

Ông Thiều Phương Nam - Phó TGĐ IBM VN : Từ bỏ tư duy của nhà sản xuất gia công

Điểm yếu của nhiều nhà sản xuất VN là các nhà sản xuất hiểu biết rất ít về thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình, không có được thông tin về yêu cầu của người tiêu dùng cuối cùng. Nói cách khác, các DN của VN không thể vươn xa đến những công đoạn sau của chuỗi giá trị, mà chỉ dừng lại ở khâu sản xuất gia công. Bởi vậy, điều quyết định thành công của các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hoá của ta trong quá trình tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu trong năm 2012 là họ phải nỗ lực tiến hành nâng cấp các khâu để từng bước chuyển từ nhà sản xuất gia công, không tên tuổi thành nhà sản xuất có thương hiệu riêng, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu bằng chất lượng và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho mình. Đặc biệt, nhà sản xuất phải biết gắn mình với thị trường tiêu thụ cuối cùng. Hơn nữa, quá trình nâng cấp này không chỉ diễn ra ở từng DN riêng lẻ, mà còn phải được tiến hành ở cấp độ ngành, mạng lưới giữa những DN cung ứng và khách hàng, cũng như trong toàn nền kinh tế.

Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ Cty cổ phần Tập đoàn Phú Thái : Giải bài toán mặt bằng và sản xuất

DN nước ta cần học cách không chỉ làm thế nào để tổ chức mạng lưới sản xuất, mà còn phải học cả cách tiếp thị sản phẩm, tham gia dây chuyền phân phối và đáp ứng các điều kiện về giao hàng và tài chính.

Hơn nữa, trong kinh doanh phân phối vị trí đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, ở nhiều địa phương, những vị trí đẹp lại đang thuộc sở hữu của các DN nước ngoài, các địa phương hiện đang "trải thảm đỏ" để thu hút các DN FDI, vừa được tiếng là có thành tích trong thu hút đầu tư lại thu được tiền ngay. Trong khi đó, nếu để các DN VN đầu tư thì địa phương sẽ chậm thu được vốn. Vốn DN có thể tự dàn xếp được, còn mặt bằng phải có bàn tay hỗ trợ của Nhà nước, cần hỗ trợ mặt bằng cho DN ở tất cả các tỉnh thành và phải là vị trí đắc địa. Chỉ cần giải được bài toán mặt bằng thì chỉ 5-7 năm nữa các DN trong nước có thể thay đổi được cục diện trên thị trường bán lẻ.

Phan Nam

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Điện, than, xăng dầu: Tiếp tục tăng theo thị trường (25/12/2011)

>   Đầu tư dự án BOT, BT giao thông: Nguy cơ lỗ do lãi vay cao (24/12/2011)

>   “Mắc cạn” Dự án vận tải đường sông phía Bắc (24/12/2011)

>   Cơ hội “vàng” cho xuất khẩu da giày (24/12/2011)

>   Doanh nghiệp Nhật Bản than phiền về năng lực nhân viên VN (24/12/2011)

>   Tết Nhâm Thìn: Tăng nguồn hàng, tăng giờ bán (24/12/2011)

>   10 sự kiện, vấn đề nổi bật của ngoại thương Việt Nam 2011 (24/12/2011)

>   Giá điện, xăng 2012 sẽ được điều hành thế nào? (24/12/2011)

>   Chấn chỉnh tập đoàn vẫn chưa có lối ra (24/12/2011)

>   Giá điện tăng gấp nhiều lần 5% mới hết bao cấp (24/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật