Giá điện tăng gấp nhiều lần 5% mới hết bao cấp
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, giá điện hiện nay của Việt Nam hãy còn được bao cấp. Nếu thị trường ngay trong một lần, sẽ phải cao gấp nhiều lần mức tăng 5% vừa qua.
Ông có nhận định thế nào về mức tăng 5% giá điện của EVN hiện nay? Mức này có tác động mạnh ra sao với đời sống kinh tế xã hội?
|
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá |
- Việc điều chỉnh giá bán điện tăng 5% là việc cần thiết, không thể không làm để thực hiện việc xóa một bước bao cấp qua giá. Việc điều chỉnh đó nằm trong lộ trình điều chỉnh giá điện đã được Chính phủ phê duyệt.
Điều chỉnh tăng giá điện 5% không phải là mức tăng lớn (tăng thêm 62 đồng/kWh), nhưng cũng có tác động nhát định đến sản xuất và đời sống. Cụ thể như, giá điện tăng sẽ làm tăng giá thành sản xuất của một số ngành dùng nhiều điện như: xi măng tăng khoảng 0,39%- 0,56%, cán thép sẽ tăng khoảng 0,06%, nước sạch tăng khoảng 2-3%...
Đối với đời sống dân sinh thì, hàng triệu hộ dân nghèo, hộ tiêu dùng điện chỉ từ 0-100kWh sẽ không bị tác động của đợt tăng giá này. Vì giá điện cho các bậc thang này không tăng.
Nhưng những hộ tiêu dùng nhiều điện hơn sẽ phải bị điều tiết, như hộ dùng hơn 200 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 7.400 đồng, hộ dùng 300kWh/tháng sẽ phải trả thêm 16.300 đồng và hộ dùng trên 400kWh sẽ phải trả thêm 26.100 đồng...
Việc EVN ra thông báo tăng giá điện và áp dụng mức giá điện mới ngay ngày hôm sau rất đột ngột khiến dư luận bức xúc. Ông có ý kiến gì về điều này?
Tôi nghĩ rằng, việc phải điều chỉnh giá điện thì chúng ta đã biết từ lâu, vấn đề chỉ là thời điểm nào và mức nào thôi. Sở dĩ như vậy là vì các vấn đề này đều đã được công khai thông qua những việc như Chính phủ đã công bố lộ trình điều chỉnh giá điện từ trước. Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã đề cập đến vấn đề này và ngày 19/11 vừa qua, bộ Công Thương cũng đã tổ chức họp báo công bố công khai về tình hình sản xuất kinh doanh điện, giá thành điện, giá bán điện...
Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước cũng đã công bố kết quả kiểm toán cho thấy EVN thua lỗ kinh doanh ngành ngoài, nợ nần, quản lý yếu kém. Vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để EVN tự quyết định tăng giá điện trong điều kiện quản trị như vậy là chưa ổn, dễ có nguy cơ 3 tháng EVN tăng 5% giá điện một lần, tăng giá để bù lỗ cho cả những khoản lỗ do vấn đề quản trị yếu kém? Ông có ý kiến gì về điều này?
- EVN đầu tư ngành ngoài lỗ hay lãi không có liên quan gì đến giá điện và không bao giờ được phân bổ vào giá điện. Đó là quan điểm và nguyên tắc dứt khoát. Việc giám sát của Liên bộ Tài chính- Công thương về phương án giá của EVN đã thực hiện đúng nguyên tắc ấy và phương án của EVN cũng triển khai như vậy.
Còn việc điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần, nếu chi phí đàu vào biến động thì đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 24/2011/QĐ-TTg. Tuy nhiên, việc điều chỉnh đó thực hiện như thế nào, vào thời gian nào, bao nhiêu lần, EVN phải cùng Liên Bộ tính toán kỹ theo lộ trình thích hợp, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phatgs và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây không phải là việc hoàn toàn được theo cách "automatic" được. Nếu có điều chỉnh giá thì tất cả các yếu kém trong quản trị, lãng phí trong sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu... của EVN sẽ phải được loại trừ.
Việc tăng giá điện có thể không làm 'xấu" chỉ số lạm phát 2011 nhưng chắc chắc sẽ gây áp lực lớn làm gia tăng chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng vào thời điểm cuối năm, giáp Tết. Ông đánh giá thế nào về tác động này tới lạm phát sắp tới?
- Nếu điều chỉnh giá điện tăng 5% thì "vòng 1" tức vòng trực tiếp của mặt hàng điện tính trong cơ cấu CPI, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng khoảng 0,123%. Vòng 2 (vòng tác động lan tỏa sang các mặt hàng khác) nếu không có sự biến động thị trường thì CPI sẽ tăng khoảng 1,5- 2 lần so với vòng 1 và tổng CPI về điện trong tổng CPI chung sẽ tăng khoảng 0,184- 0,246%.
Tuy nhiên, mức tăng này sẽ không tính vào mức tăng CPI của năm 2011 mà sẽ tính vào chỉ số giá của tháng 1/2012. Và tất nhiên, CPI tháng 1 năm tới sẽ tăng cao hơn tháng 12 năm 2011 do áp lực của nhu cầu tiêu dùng trong Tết cùng với việc điều chỉnh giá điện vừa qua.
Vì sao lộ trình thị trường hóa giá điện lại không thể công bố cụ thể hơn, như chốt thời gian tăng, tăng bao nhiêu, khi nào? Hầu hết các lãnh đạo Tài chính- Công Thương và cả EVN đều khẳng định tăng 5% chỉ đủ bù 1 phần, nghĩa là hàm ý sẽ còn tăng nữa?
- Tôi nghĩ rằng lộ trình điều chỉnh giá điện gồm, thời gian, mức độ, cách thức điều chỉnh đã được quy định khá rõ tại Quyết định số 24 của Thủ tướng. Còn cụ thể hơn nữa, phải đuowjc tyính toán cân nhắc kỹ về ngày giờ, mức độ căn cứ vào tình hình nền kinh tế, như điều kiện sản xuất kinh doanh, mức độ lạm phát, tình hình kinh tế vĩ mô...
Đúng là giá điện hiện nay là một loại giá đang còn bao cấp khá nặng vì chưa tính đúng, tính đủ các yếu tố các yếu tố đầu vào nên phải điều chỉnh dần theo một lộ trình thích hợp. Những yếu tố chưa được tính đủ trong giá điện là biến động tỷ giá, giá than bán cho điện, khấu hao tài sản cố định. Nếu chúng ta thực hiện điều chỉnh ngay một lần để hết bao cấp thì mức tăng giá điện sẽ phải cao gấp nhiều lần mức tăng 5% vừa qua. Và như vậy, sẽ tạo ra cú "sốc" rất lớn cho nền kinh tế.
Tăng giá là điều không ai muốn, nhưng đó lại là điều bất khá kháng để sản xuất kinh doanh tiến hành bình thường, có tín hiệu đúng để thu hút vốn đầu tư, phát triền nguồn và lưới điện. Đó là một khó khăn, cho cả sản xuất và tiêu dùng nên cần được sự đồng thuận chia sẻ từ phía người dân, doanh nghiệp.
Phạm Huyền
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|