“Mắc cạn” Dự án vận tải đường sông phía Bắc
Công trình cải tạo hạ tầng đường sông có quy mô lớn nhất phía Bắc đang đứng trước những rủi ro về tiến độ, cũng như việc đảm bảo các mục tiêu đầy tham vọng được đề ra.
Với tổng mức đầu tư lên tới 201 triệu USD, trong đó phần tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) là 171 triệu USD, Dự án Phát triển giao thông - vận tải (GTVT) khu vực Đồng bằng Bắc Bộ - Dự án WB6, do Cục Đường thủy nội địa (VIWA) làm chủ đầu tư, là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào lĩnh vực hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc.
Dự án được phân kỳ thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có mục tiêu nâng cấp tuyến hành lang đường thủy số 1 Việt Trì - Hà Nội - Quảng Ninh dài 280 km đạt tiêu chuẩn luồng tàu cấp II. Giai đoạn 2 của Dự án được thiết kế phức tạp hơn, gồm các hạng mục: thi công cụm công trình kênh tắt và đê chắn sóng tại cửa Lạch Giang và các công trình kè chỉnh trị, kè bảo vệ bờ, nạo vét chỉnh luồng trên sông Ninh Cơ cho tàu 1.000 tấn lên cụm cảng Hà Nội; đào kênh nối Đáy - Ninh Cơ và xây dựng âu tàu cho tàu ven biển 3.000 tấn vào cụm cảng Ninh Bình - Ninh Phúc; nâng cấp các cảng Việt Trì, Ninh Bình - Ninh Phúc và 28 bến khách ngang sông (do 14 tỉnh/thành phố thuộc Đồng bằng Bắc Bộ làm chủ quản đầu tư).
Với việc đề ra các mục tiêu đầy tham vọng như: giảm cước vận tải và cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải từ các điểm sản xuất tới các đầu mối phân phối lớn thông qua việc cải tạo các tuyến đường thủy trọng yếu và hệ thống đường bộ nối vào các điểm này; tăng hiệu quả của các dịch vụ kho vận qua các phương thức vận tải khác nhau…, nhiều người tin rằng, Dự án WB6 sẽ góp phần “đánh thức” một loại hình vận tải giá rẻ, an toàn ở khu vực Bắc Bộ đã “bỏ quên” trong suốt thời gian dài.
Tuy nhiên, ngay cả khi chủ đầu tư đã động thổ 2 hợp đồng xây lắp đầu tiên thuộc tuyến hành lang đường thủy số 1 mới đây, Dự án WB6 vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng “báo động đỏ” về tiến độ. Tính tới thời điểm này, Dự án WB6 mất gần 3 năm kể từ ngày hiệp định vay vốn được ký kết (tháng 1/2009) và 4 năm kể từ khi Bộ GTVT phê duyệt quyết định đầu tư, VIWA mới có thể chuyển được giai đoạn từ chuẩn bị sang thi công.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã yêu cầu, chậm nhất trong tháng 3/2011, VIWA phải phát hành hồ sơ mời thầu xây lắp và khẩn trương hoàn thành công tác chấm thầu để có thể khởi công vào đầu mùa khô năm nay (tháng 8 - 9/2011).
So với yêu cầu nói trên, cộng với thông lệ phải mất tối thiểu 3 tháng huy động công trường và thiết kế bản vẽ thi công, có thể khẳng định, các nhà thầu trúng thầu 2 gói thầu đầu tiên của Dự án vừa được khởi công đã mất 6/9 tháng mùa khô 2011 - 2012, quãng thời gian thi công thuận lợi nhất trong lĩnh vực cải tạo đường thủy.
Ông Lê Huy Thăng, Giám đốc Ban quản lý dự án đường thủy thừa nhận, với điều kiện thủy văn phức tạp, lại phải dừng kỹ thuật giữa 2 mùa thi công, việc đảm bảo tiến độ hợp đồng kéo dài 24 tháng là rất căng. Nếu so với mốc tiến độ Dự án là phải kết thúc vào tháng 6/2014, VIWA chỉ còn 2 năm rưỡi để hoàn thành công tác thi công toàn bộ các gói thầu xây lắp thuộc cả hai giai đoạn.
Đáng lo ngại là, hiện vẫn còn tới 12/14 gói thầu xây lắp chính thuộc giai đoạn I của Dự án chưa tìm được nhà thầu. Mặc dù ông Thăng trấn an rằng, quá trình tuyển chọn nhà thầu tại Dự án sẽ không gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh nghiệm từ các dự án hạ tầng sử dụng vốn vay của WB trong lĩnh vực giao thông cho thấy, tuyển chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế luôn là một trong những khâu tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Theo quy định của WB, các doanh nghiệp có mối liên hệ lợi ích với chủ đầu tư sẽ không đủ tư cách hợp lệ để tham gia dự thầu. Như vậy, tất cả các công ty quản lý đường sông, hầu hết các nhà thầu xây lắp lớn thuộc Bộ GTVT - những đơn vị có kinh nghiệm trong công tác nạo vét, cải tạo công trình thủy - sẽ phải đứng ngoài các cuộc đấu thầu, kể cả các hợp đồng duy tu nạo vét thí điểm.
Trong khi đó, sức hấp dẫn đối với các nhà thầu quốc tế có năng lực thi công và tài chính thỏa mãn điều kiện mời thầu là không lớn. Nguy cơ chỉ có 7 - 8 nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu xây lắp tại Dự án WB6 hoàn toàn có thể xảy ra. Tình trạng này đã từng xảy ra tại Dự án WB4 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, khi chỉ có một nhóm nhỏ nhà thầu hội đủ tiêu chí tham gia đấu thầu đã gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư.
Ngoài nguy cơ “đếm cua” về mặt tiến độ, trong bối cảnh giá nhiên, vật liệu, nhân công tăng mạnh như hiện nay, chủ đầu tư dự án chắc chắn sẽ phải cập nhật, bổ sung lại dự toán các gói thầu xây lắp. Điều này dẫn tới việc không ít hạng mục quan trọng của Dự án sẽ không còn đủ kinh phí thi công khi Hiệp định vay vốn đóng vào tháng 6/2014.
Anh Minh
Đầu tư
|