Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương:
Cơ hội “vàng” cho xuất khẩu da giày
Đàm phán đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans - Pacific Partnership - TPP) là để VN thiết lập mối quan hệ thương mại ưu đãi lâu dài với Mỹ. Lợi ích tiềm tàng từ TPP bao gồm nhiều lĩnh vực đầu tư đến dịch vụ thương mại điện tử và sở hữu trí tuệ. TPP sẽ thật sự là cơ hội “vàng” cho ngành da giày VN.
Cơ hội trên nền tảng sẵn có
Có 4 nước tham gia TPP từ đầu là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. VN chính thức tuyên bố tham gia đàm phán TPP từ năm 2010; ngoài ra còn 4 nước khác đang tham gia đàm phán là Mỹ, Australia, Malaysia và Peru, nâng tổng số quốc gia tham gia đàm phán chính thức hiện nay là 9 nước. Tháng 11.2011, Nhật Bản đã công bố ý định sẽ tham gia đàm phán từ năm 2012. Năm 2011, với kim ngạch xuất khẩu (XK) toàn ngành da giày VN đạt trên 7,5 tỉ USD, riêng thị trường Mỹ chiếm 2 tỉ USD, XK da giày VN đã tạo ấn tượng lớn trong bối cảnh Mỹ vẫn áp mức thuế cao 37,5% trên giá hàng, cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ các nước Châu Á khác.
Đàm phán TPP sẽ giảm dần và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn mức thuế mà Mỹ đánh vào các hàng hóa theo diện miễn giảm thuế của VN và các quốc gia tham gia TPP khác. Đàm phán sẽ mang lại cho các mặt hàng da giày theo diện được miễn thuế của VN một lợi thế cạnh tranh lớn so với các nước khác. Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso) - cho biết: “Mỹ sẽ ở trong tầm ngắm chính, khi VN tham gia vào cuộc đàm phán này, vì VN đã có các hiệp định thương mại đơn phương hoặc đa phương với phần lớn các nước còn lại.
Riêng với ngành da giày, túi xách VN; cơ hội được đánh giá sẽ lớn hơn một số ngành khác như dệt may chẳng hạn. Lý do chính là việc đề ra tiêu chí cho xuất xứ sản phẩm để hưởng chế độ ưu đãi thuế quan (GPS). Với sản phẩm dệt may, Mỹ đang đưa ra yêu cầu là phải có sử dụng bông sản xuất từ Mỹ hoặc từ chính nước XK. Nhưng sản phẩm da giày, túi xách sẽ dễ chịu hơn, vì Mỹ không sản xuất nguyên liệu, cũng như thành phẩm của ngành này”.
Theo ông Hà Duy Hưng - Chủ tịch Hội Da giày TPHCM: “TPP thật sự mở ra một cơ hội “vàng” cho ngành da giày, túi xách VN xuất vào Mỹ, với mức thuế nhập khẩu thấp hơn hiện nay. So với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, TPP được xem có một bước phát triển mới về chất lượng cam kết và đặt ra nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, sở hữu trí tuệ... Các điều này, vốn đã được các DN da giày VN thực hiện rất tốt trong những năm qua”. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, đối với các nền kinh tế đang chuyển đổi như VN, tham gia TPP còn là cơ hội “vàng” để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước.
Một thách thức trong năm 2012
Ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Lefaso - cho rằng: “Việc Brazil có thông báo, họ sẽ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm da giày XK từ VN, là một khó khăn, thách thức cho ngành XK da giày VN trong năm 2012”. Thật vậy, từ tháng 3.2010, Brazil đã đánh thuế chống bán phá giá lên giày nhập khẩu từ Trung Quốc là 13,8USD/đôi. Trong 2 năm 2009 và 2010, XK từ Trung Quốc vào Brazil giảm bình quân 66,4%; ngược lại giày dép VN xuất vào Brazil lại tăng 80%. Brazil cho biết, họ có chứng cứ thể hiện nguyên - phụ liệu nhập khẩu để sản xuất giày dép từ Trung Quốc vào VN tăng 51,4%. Brazil khẳng định, các loại nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc dùng sản xuất giày dép tại VN chiếm ít nhất 60% tổng giá trị vật tư cho sản phẩm giày XK. Từ đó, Hiệp hội Da giày Brazil đã khởi kiện chống bán phá giá đối với da giày VN...
Theo số liệu của Bộ Phát triển công nghiệp và ngoại thương Brazil: Trong 8 tháng đầu năm 2011, kim ngạch XK các loại giày dép từ VN sang Brazil là 118,9 triệu USD, chiếm 28,2 % tổng giá trị nhập khẩu giày dép từ các nước vào Brazil. Mức này chỉ chiếm 2,8% tổng kim ngạch giày dép của VN xuất ra thế giới.
Ông Hà Duy Hưng nói: “Vẫn biết giá trị XK vào thị trường Brazil không là bao so với XK của toàn ngành da giày. Song, trong vụ kiện này, các DN da giày VN phải chứng minh cho phía nước ngoài thấy được những cứ liệu mà Brazil đưa ra, vin vào đó nhằm kiện VN là không có cơ sở... Trên thực tế cho thấy, nhiều DN da giày VN trong thời gian qua, đã có những nỗ lực hết mình, nhằm nội địa hóa sản phẩm tới mức cao nhất; có DN đã nội địa hóa 90% giá trị vật tự trên mỗi thành phẩm. Có không ít DN đã tự khép kín quy trình sản xuất từ thiết kế mẫu mã, tự mua nguyên phụ liệu, sản xuất thành phẩm, chào hàng, xuất khẩu trực tiếp, không qua trung gian v.v...”. Hy vọng, ngành da giày VN sẽ vượt qua thách thức của năm 2012 để đạt con số kim ngạch XK trên 7,5 tỉ USD như kế hoạch mà Lefaso đã dự báo.
Cao Hùng
Lao động
|