Doanh nghiệp thuỷ sản lo lắng
Các yếu tố bất lợi, trong đó có sức mua của những thị trường nhập khẩu chủ chốt, giá bán phụ phẩm… đang tác động xấu đến ngành cá tra xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2012.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương, cho biết diễn biến không thuận lợi ở nhiều thị trường xuất khẩu, kết hợp với khó khăn về tín dụng trong nước có thể khiến nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra gặp nhiều nguy cơ trong các tháng tới.
Tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu cho những tháng đầu năm 2012 đã xuất hiện, do tình cảnh kinh tế ảm đạm của các quốc gia châu Âu. Để bán được hàng, thời gian qua nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra đã dễ dãi cho đối tác mua thiếu và không cần chứng từ thanh toán. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn ở Việt Nam liên tục xuất hàng bán cho các công ty con ở nước ngoài. Tuy nhiên, sức mua yếu đã khiến cho hàng liên tục dồn ứ. Tình cảnh đó đã đẩy nhiều công ty vào thế tiến thoái lưỡng nan, không thu hồi được tiền bán hàng, trong khi sức ép phải thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng và nợ tiền mua cá của nông dân ngày một nặng nề.
Theo VASEP, tính đến ngày 26 - 12, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 6 tỉ đô la Mỹ, vượt 5,3% so với kế hoạch 5,7 tỉ đô la Mỹ đã đề ra từ đầu năm nay và tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. |
“Con số về kim ngạch xuất khẩu thì có thể tăng lên rất nhanh, nhưng lượng tiền hàng thực tế mà doanh nghiệp có thể thu thì lại đang mắc kẹt ở trời Tây”, tổng giám đốc một công ty xuất khẩu cá tra ở Cần Thơ nói.
Ông cho biết thêm, bên cạnh yếu tố sức mua, tỷ giá và giá cả phụ phẩm cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải đau đầu. Giá phụ phẩm như mỡ, da cá tra đã giảm từ 6.500 đồng/kg cách đây hơn 1 tháng còn dưới 6.000 đồng/kg.
Theo ông Trần Trung Thực, tham tán công sứ ở EU nói trong một hội nghị gần đây rằng, các điều kiện để xuất khẩu thủy sản vào EU trong thời gian tới sẽ không còn dễ dàng như trước. Một trong những thế mạnh của thủy sản Việt Nam là được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP của EU dành cho các nước đang phát triển, nhưng sắp tới ưu đãi này có thể sẽ không còn nữa, vì EU đang nghiên cứu xem xét lại trong bối cảnh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào EU ngày càng lớn.
Còn đối với mặt hàng tôm, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặt hàng này của Việt Nam đang bị cạnh tranh quyết liệt ở thị trường Mỹ, đặc biệt là các đối thủ từ các nước châu Á và châu Mỹ. Mỹ là thị trường lớn thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu (gần 480 triệu đô la Mỹ từ 1-1 đến 15-11-2011), chỉ sau Nhật.
Phạm Thái
tbktsg
|