Khai thác khoáng sản sẽ được siết chặt
Đến năm 2020 các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xoá sổ, theo “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Thủ tướng phê duyệt.
ục tiêu của chiến lược là khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao; hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản. Và, chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn; các khoáng sản còn lại khai thác chế biến theo nhu cầu trong nước tăng cường dự trữ khoáng sản quốc gia làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Vì vậy, chiến lược ưu tiên đầu tư cho điều tra cơ bản về địa chất về khoáng sản cả phần đất liền và biển, hải đảo để làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản; lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 trên diện tích lãnh thổ và hoàn thành công tác điều tra địa chất, khoáng sản biển tỷ lệ 1/500.000.
Do khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Cho nên chiếc lược xác định việc điều tra, đánh giá khoáng sản phải đi trước một bước; đồng thời chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Được biết, trước khi phê duyệt “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tạm dừng việc cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước từ ngày 30-8-2011. Theo một quan chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù đã có chiến lược mới nhưng việc có cấp phép lại hay không (theo điều kiện mới) vẫn phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng cũng như các văn bản triển khai chiến lược.
Trương Phát
TBKTSG ONLINE
|