Giải mã tăng trưởng doanh nghiệp Việt 2012
Đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2012 khoảng 25-40%, các ông chủ doanh nghiệp Việt đều đưa ra những cơ sở chiến lược để chứng minh tính khả thi của những con số này.
2011 đã khó, 2012 sẽ khó hơn. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nhân. Nhưng cuộc trò chuyện ngẫu nhiên với 7 doanh nghiệp tên tuổi trong ngành tiêu dùng, xuất khẩu và dịch vụ do NCĐT thực hiện vào những ngày cuối năm 2011 cho thấy một điểm khá đặc biệt. Đó là niềm tin về khả năng tăng trưởng của công ty họ trong năm tới vẫn xán lạn.
Những con đường tăng trưởng
Đứng trước 3 kịch bản tăng trưởng doanh thu: thấp khoảng 15%, trung bình 25-30%, hoặc cao ở mức 30-40%, ông Phạm Quốc Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Thái, đã lựa chọn kịch bản tăng trưởng 25-30%.
Không chỉ riêng Phú Thái, con số 25-30% cũng là lựa chọn của đa số doanh nghiệp được NCĐT khảo sát, bởi những thách thức kinh tế vĩ mô sẽ còn tiếp diễn trong năm 2012. Và ngay cả với mục tiêu vừa tầm như vậy, phần lớn các doanh nghiệp vẫn phải rất cố gắng bằng nhiều cách thức khác nhau.
Cơ bản nhất vẫn là mở rộng sản xuất để tăng doanh thu. Nước khoáng Vĩnh Hảo, Giấy Sài Gòn, Thủy sản Hùng Vương là những ví dụ tiêu biểu khi đã hoàn tất các kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất, hoặc vùng nuôi trồng trong năm 2011 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng năm 2012.
Vĩnh Hảo chuẩn bị đưa nhà máy sản xuất nước uống đóng chai tại Bình Dương vào vận hành và chờ cấp phép khai thác thêm các mỏ nước mới phục vụ cho nhà máy ở Bình Thuận, với tham vọng tăng 30% doanh thu trong năm 2012 so với năm 2011. Giấy Sài Gòn đặt mục tiêu 2.000 tỉ đồng doanh thu với nhà máy giấy mới tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thủy sản Hùng Vương thì có thể hái quả nhờ vùng nuôi trồng thủy sản liên tục được mở rộng từ năm 2009, giúp Công ty có lượng cá lớn để xuất khẩu đến giữa năm 2012 với mức giá cạnh tranh. Công ty này dự kiến đạt mức tăng trưởng 33,3% so với 2011.
Bên cạnh việc mở rộng sản xuất, một số doanh nghiệp cũng chọn chiến lược tăng trưởng bằng cách mở rộng ngành nghề hoặc thông qua mua bán - sáp nhập (M&A).
Chuyên đề “Câu chuyện tăng trưởng” số 263 của NCĐT cũng đã nhắc đến con đường tăng trưởng qua M&A như một xu hướng trong 5 năm vừa qua với những trường hợp điển hình như HB Group, Tập đoàn Masan, Diana, Công ty Hàng gia dụng Quốc tế (ICP). Ông Trịnh Thanh Huy, Chủ tịch HB Group, cho biết “không bao giờ mua cái gì khi thị trường tốt, mà chỉ mua khi thị trường xấu đi”. Và năm 2012 tiếp tục là một cơ hội tốt cho những thương vụ M&A để tăng trưởng. Điển hình là Công ty Intimex HCM.
Intimex HCM là công ty xuất khẩu chiếm 30% thị trường xuất khẩu cà phê, đứng thứ 3 về xuất khẩu hồ tiêu, hạt điều của Việt Nam và đang có chiến lược phát triển thành mô hình tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, với mức tăng trưởng hơn 30% trong năm sau.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Intimex HCM, cho biết để đạt mục tiêu này, từ năm 2012 Công ty sẽ tiếp tục mở rộng mảng phân phối bằng cách triển khai đầu tư chuỗi siêu thị và trung tâm thương mại tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Tây Ninh và TP.HCM. Mảng này cũng sẽ được tăng cường với việc mở các cửa hàng tiện ích, tổng đại lý bán hàng cho các công ty nước ngoài. “Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đầu tư vốn cổ phần chi phối vào các công ty đại chúng có tiềm năng, sau đó sẽ sắp xếp lại tổ chức, nhân sự và củng cố hoạt động kinh doanh”, ông Nam chia sẻ. Nhưng ông không tiết lộ thêm thông tin về các kế hoạch sắp tới.
Không thực hiện M&A, một số doanh nghiệp đã chọn lựa tăng trưởng theo lối “cộng hưởng” thông qua hợp tác với doanh nghiệp khác để chia sẻ thị trường và tối ưu hóa chi phí. Một trường hợp điển hình là Công ty Dệt may Sài Gòn.
Công ty này đặt ra mức tăng trưởng năm 2012 là 20,4% so với năm 2011, với doanh thu dự kiến khoảng 1.000 tỉ đồng. “Trước những cảnh báo về tình trạng khó khăn của ngành dệt may, để có mức tăng trưởng tốt quả là một bước đi rất khó khăn”, ông Nguyễn Quang Hùng, Chủ tịch Dệt may Sài Gòn, cho biết.
Khi số đơn hàng từ thị trường châu Âu có chiều hướng sụt giảm, một mặt, công ty này đã tìm đến một số thị trường châu Á như Nhật, Thượng Hải và thị trường Mỹ, đồng thời quay lại thị trường nội địa. Dệt may Sài Gòn đặt mục tiêu thị trường nội địa sẽ chiếm khoảng 20% doanh thu của họ trong năm tới. Đó là lý do ông Hùng quyết định bắt tay với các công ty cùng ngành.
Trên thực tế, Dệt may Sài Gòn đã liên kết với nhãn hàng thời trang bán lẻ Blue để một mặt cung cấp sản phẩm cho Blue trong thị trường nội địa, mặt khác tận dụng khách hàng của Blue ở các nước châu Á để xuất khẩu.Tiếp đến là thành lập nhà máy liên kết giữa Dệt may Sài Gòn và Blue tại Quảng Nam để nâng cao năng lực sản xuất vào những năm sau. Ông Hùng chia sẻ: “Nhà máy của Blue sẽ do nhân sự của Dệt may Sài Gòn quản lý để tiết giảm chi phí cho cả 2 bên trong năm tới”.
Cũng có những công ty đề ra mức tăng trưởng trung bình 20-30% trong năm 2012 nhưng không phải bằng cách mở rộng quy mô, đầu tư đa ngành hoặc M&A. Họ chọn một chiến thuật khiêm tốn hơn.
Có thể tham khảo trường hợp Công ty Giao nhận và Dịch vụ Hải quan Việt Nam (Vinacus). Nếu nhìn vào triển vọng kinh tế vĩ mô 2012, đặc biệt là tình hình xuất nhập khẩu, thì không có nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp logistic.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc Kinh doanh Vinacus, vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm tới. Con đường tăng trưởng được ông chọn lựa khá rõ ràng: tập trung vào những ngách thị trường ít cạnh tranh và mang lại lợi nhuận cao nhất. “Công ty không quá lớn nên sẽ không cần nhiều vốn đầu tư, phần lớn chỉ là các chi phí cố định như chi phí quản lý, vận hành. Vấn đề là chúng tôi sẽ chọn thị trường nào để tăng trưởng tốt nhất”, ông Tuyền phân tích.
Vì thế, Vinacus xác định chỉ tập trung vào khách hàng vừa và nhỏ, tập trung dịch vụ logistic dành cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và không làm hàng xuất khẩu vì đòi hỏi chi phí cao. Hướng đi này đã được Vinacus triển khai trong năm 2011 và đạt mức tăng trưởng 40% so với 2010.
Gan dạ trong hồi hộp
Thực chất, những chiến lược tăng trưởng của 7 doanh nghiệp nêu trên trong năm 2012 hầu như đều dựa trên những lợi thế khách quan của một thị trường mới nổi như Việt Nam. Và các doanh nghiệp vững vàng trên thị trường đang nắm bắt những lợi thế đó.
Rõ ràng, nước uống, giấy là những ngành hàng nhu yếu phẩm, có mức tăng trưởng xấp xỉ 20%/năm, tạo điều kiện tăng trưởng tốt cho các doanh nghiệp như Vĩnh Hảo, Giấy Sài Gòn, Phú Thái. Trong khi đó, đối với ngành xuất khẩu, nông sản, cà phê, hồ tiêu là những thế mạnh của Việt Nam, tạo điều kiện tăng trưởng tốt cho Intimex.
Dù đã vạch ra được con đường tăng trưởng, cộng với những lợi thế khách quan, các ông chủ doanh nghiệp vẫn không hoàn toàn lạc quan. Nguyên nhân là kinh tế vĩ mô đang tác động mạnh đến mục tiêu tăng trưởng và không nhà kinh doanh nào có thể lường hết.
Xét ở khía cạnh lợi nhuận, lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lãi suất ngân hàng. Trong năm 2011, lãi suất cho vay cao, trung bình từ 18-23%, nên lợi nhuận trên vốn sau thuế (ROE) của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh tốt đều chỉ đạt 15-20%. “Dự đoán trong năm 2012, doanh số của Phú Thái vẫn tăng nhưng ROE có thể thấp hơn”, ông Phạm Quốc Mạnh, Tập đoàn Phú Thái, bày tỏ.
Việc quyết định mở rộng kinh doanh và đầu tư trong năm 2012 vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách vĩ mô như tín dụng và lãi suất ngân hàng. Ông Mạnh cho rằng, để đạt mức tăng trưởng dự kiến của năm 2012, các doanh nghiệp sẽ phải song song thực hiện 2 động thái. Đó là, bên cạnh huy động thêm vốn đầu tư, tuyển dụng thêm nhân sự, mở rộng phân phối thì phải cắt giảm và nâng cao hiệu quả chi phí, đặc biệt là chi phí tiếp thị, vận chuyển.
Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Công ty Giấy Sài Gòn, dù rất háo hức với năng lực sản xuất của Nhà máy Sài Gòn Mỹ Xuân nhưng cũng chỉ đặt ra mục tiêu hòa vốn cho nhà máy mới này trong năm 2012. Sức ép về chi phí vốn, lãi vay là gánh nặng mà mọi doanh nghiệp đều phải chia sẻ. Đối với những doanh nghiệp đang đầu tư lớn như Giấy Sài Gòn, sức ép này còn căng thẳng hơn nhiều lần.
“Các tiêu chí lợi nhuận và doanh thu được xây dựng một phần dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô. Điều đó càng khiến cho chúng tôi phải chặt chẽ trong công tác dự báo dòng tiền, cũng như nỗ lực tìm các nguồn vốn mới trong năm 2012”, ông Vị chia sẻ.
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|