Thứ Ba, 03/01/2012 10:37

Bộ trưởng Công Thương: Xuất nhập khẩu, điểm sáng kinh tế

Chốt lại cả năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 96 tỷ USD, tăng trưởng 33% so với năm 2010; Nhập siêu được kiềm chế ở mức 9,5 tỷ USD

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng mở đầu cuộc trao đổi với VOVonline bằng các con số ấn tượng này và cho biết thêm: Năm 2011 khép lại với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức 200 tỷ USD, gấp khoảng 2 lần GDP năm 2010. Kết quả là Việt Nam đã “qua mặt” Philippines để giữ vị trí thứ 5 về xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Á, chỉ còn xếp sau Singapore, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

PV: Thưa Bộ trưởng, theo dự báo từ đầu năm, cùng với khó khăn chung của kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng phải đương đầu với hàng loạt thách thức. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đạt mục tiêu kế hoạch và giữ được nhập siêu ở mức an toàn mà Quốc hội và Chính phủ giao?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Năm 2011, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động xuất khẩu của chúng ta vẫn phát triển mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt khoảng 96,3 tỷ USD, vượt trên 16 tỷ USD so với mục tiêu. Mức tăng trưởng này cao hơn 23 điểm % so với mục tiêu Quốc hội đề ra và cao hơn 33% so với năm 2010, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.

Bình quân xuất khẩu 1 tháng đạt 8 tỷ USD. Tỷ lệ xuất khẩu/GDP lần đầu tiên vượt qua mức 80%, vượt xa so với kỷ lục 69% của năm 2010.

Việc xuất khẩu tăng trưởng mạnh có phần đóng góp của các nhóm mặt hàng, của cả lượng và giá, của các thị trường xuất khẩu. Năm 2011, chúng ta đã có thêm 2 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (túi xách, va li, mũ, ô, dù và sản phẩm sắt thép), nâng tổng số mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD lên 23 mặt hàng.

Có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỉ USD, gồm: hàng dệt may, dầu thô, thủy sản, giày dép, điện thoại di động và linh kiện. Trong khi đó 5 nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch trên 6 tỉ USD gồm: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; xăng dầu các loại...

Nhập siêu được kiềm chế ở mức khoảng 9,5 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu ở mức 9,86 %, thấp nhất so với 10 năm trước đó và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội (18%) và chỉ tiêu phấn đấu của Chính phủ (16%).

Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu (xuất khẩu tăng 33%, nhập khẩu tăng 25%) nên cán cân thương mại của Việt Nam năm nay được cải thiện rõ rệt, với tỷ lệ nhập siêu thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO) và thấp gần phân nửa so với mục tiêu đã được thông qua cho năm 2011.

Nhập siêu trong 5 năm 2006-2010 ước tính là 64,7 tỉ USD. Đặc biệt hai năm 2007-2008 là những năm tăng trưởng nóng, nhập siêu lên rất cao. Hai năm sau, 2009-2010, nhập siêu bắt đầu giảm dần. Tỷ lệ nhập siêu/kim ngạch xuất khẩu giảm từ 28,8% (năm 2008), tương đương 18 tỷ USD xuống còn 17,5% (năm 2010), tương đương 12,6 tỉ USD. Như vậy, việc giảm xuống mức nhập siêu thấp hơn 10 tỉ USD năm nay rất đáng được ghi nhận.

Cho dù kinh tế thế giới đang gặp khủng hoảng nhưng thời gian tới, “dư địa” cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều vì chúng thuộc nhóm các mặt hàng thiết yếu như gạo, cà phê, nguyên liệu… Tuy nhiên, điểm sáng nhập siêu chưa đủ để làm mờ một số vấn đề khá nan giải khác.

PV: Bộ trưởng đánh giá thế nào về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu năm qua? Xuất “tinh” đã thực sự soán ngôi xuất “thô”?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu năm 2011 đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô.

So với năm 2010, cơ cấu nhóm hàng tiếp tục chuyển biến tốt. Cụ thể là, tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm thủy sản xuất khẩu giảm nhẹ, từ 21,2% xuống 20,5%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ (0,2%) và nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng nhẹ (0,5%) trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

Trong năm nay, một mặt hàng công nghệ cao trong nhóm hàng công nghiệp chế biến đã có đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, đó là điện thoại di động với kim ngạch đạt gần 7 tỷ USD và tăng trên 200% so với năm 2010.

Đóng góp vào mức tăng mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay, yếu tố giá thể hiện ở tất cả các mặt hàng có tính được về lượng.

Ngoài gạo, cà phê, cao su, dầu thô, than được hưởng lợi nhờ giá thị trường thế giới tăng, một số mặt hàng khác là do hàm lượng chế biến trong sản phẩm xuất khẩu được nâng lên nên giá cũng tăng như thủy sản, hàng dệt may, sản phẩm gỗ, sản phẩm chất dẻo, dây và cáp điện...

Trong khoảng 24 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn năm ngoái, đóng góp của nhân tố tăng giá chiếm 7,2 tỷ USD, trong đó nhóm nông sản, thủy sản tăng thêm được khoảng 3,3 tỷ USD, nhóm nhiên liệu khoáng sản khoảng 2,8 tỷ USD, nhóm công nghiệp chế biến khoảng 1,1 tỷ USD.

Có trên 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được lợi nhờ tăng giá, ví dụ như giá dầu thô bình quân tăng 41%, than đá tăng 16%, xăng dầu các loại tăng 36%, quặng và khoáng sản tăng gần 20%, sắt thép tăng 11%, nhân điều tăng 44%, hạt tiêu tăng 66%, gạo tăng 9%... Về lượng, cũng có gần 10 mặt hàng xuất khẩu tăng, với mức tăng bình quân từ 3,6% (như dầu thô) đến 54% (sắn và các sản phẩm sắn).

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn ở tình trạng nhập nhiều nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất các ngành như dệt may, da giày, linh kiện điện tử... thể hiện tính gia công và phụ thuộc bên ngoài của sản xuất trong nước. Đây là điểm phải được khắc phục trong thời gian tới./.

Đặng Khanh

vov

Các tin tức khác

>   Nợ: Câu chuyện có lời kết còn để ngỏ... (03/01/2012)

>   Đẩy nhanh thủ tục đăng ký lại và rút vốn Vinashin (03/01/2012)

>   VNPT và Viettel: Cùng cán mốc doanh thu 120.000 tỷ đồng? (03/01/2012)

>   22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD (03/01/2012)

>   Không mở rộng thêm Khu kinh tế Vân Phong (03/01/2012)

>   Xuất khẩu thủy sản vùng ĐBSCL ước đạt 4 tỷ USD (02/01/2012)

>   Thị trường nào cho vật liệu không nung năm 2012? (02/01/2012)

>   Công nghiệp ô tô lại leo dốc (02/01/2012)

>   Tôm xuất khẩu còn nhiều rủi ro (02/01/2012)

>   Doanh nghiệp khẳng định xăng dầu đảm bảo chất lượng (02/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật