Doanh nghiệp còn thờ ơ hội nhập
Trong khi Chính phủ nỗ lực thúc đẩy việc đàm phán các hiệp định thương mại vì lợi ích quốc gia, thì phần đông doanh nghiệp (DN) Việt Nam lại khá thờ ơ với việc hội nhập quốc tế. Đó là đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Đại sứ Ngô Quang Xuân khi trao đổi với Tiền Phong.
|
Tăng trưởng kinh tế của VN phụ thuộc rất lớn vào hội nhập quốc tế từ lợi thế của các FTA mang lại. |
Ba hiệp định quan trọng
Theo bà Phạm Chi Lan, có 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam chú trọng nhất và tập trung đàm phán trong năm 2012. Một là Hiệp định TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, gồm 9 nước: Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc, Brunei, Chile, New Zealand, Malaysia, Peru và Singapore).
TPP có những cái khó nhất định nhưng các bên đã đưa ra quyết tâm đến giữa 2012 kết thúc được những điều cơ bản. Lợi ích của các bên ở TPP cũng rất lớn và đó cũng là định hướng chiến lược của VN. Hai là FTA Việt Nam-EU, hai bên đã ký với nhau hiệp định khung cơ bản.
Năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm EU cũng thống nhất với họ về việc khởi động đàm phán FTA. Từ đó đến nay, hai bên đã trao đổi qua lại những vấn đề liên quan để chuẩn bị cho việc chính thức đàm phán.
Hiệp định quan trọng thứ ba là Việt Nam-Hàn Quốc. Nước này là đối tác kinh tế quan trọng của chúng ta, năm 2011, trong các thị trường các DN Việt Nam tận dụng được tốt nhất là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu tăng 70%. Hàn Quốc cũng thể hiện mong muốn đàm phán FTA riêng với Việt Nam theo hướng sâu hơn (so với hiệp định Hàn Quốc-ASEAN, trong đó Việt Nam là một thành viên) và dành cho nhau nhiều lợi ích hơn.
Ngoài ra, theo bà Phạm Chi Lan, còn có việc đàm phán các hiệp định khác giữa Việt Nam và các nước, chẳng hạn với Liên minh thuế quan Nga-Belarus. Nga rất hăng hái trong đàm phán hiệp định FTA với VN.
Về việc đàm phán FTA trong thời gian tới, bà Chi Lan nói: “Không thể dừng lại, vì đó là quá trình tiến hóa”. Nhất trí quan điểm này, Đại sứ Ngô Quang Xuân cho rằng, Việt Nam còn phải tiếp tục đàm phán những FTA mới chứ không chỉ dừng lại ở những FTA cũ, nhưng phải làm thế nào hiệu quả hơn chứ không thể như cách làm cũ, bởi có nhiều vấn đề chưa ổn.
Theo vị Đại sứ này, khâu chuẩn bị đàm phán FTA vừa qua của Việt Nam chưa được tốt. Ông cho rằng, hiện có 3 khó khăn lớn mà chúng ta phải vượt qua trong quá trình đàm phán các hiệp định FTA sắp tới. Một là phải tăng cường tính minh bạch, DN hiện nay chủ yếu cạnh tranh bằng việc dùng thủ thuật hơn là thực thi theo khung pháp lý.
Hai là nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, vì hiện nay hiệu quả đầu tư công quá thấp. Ba là vấn đề phân biệt đối xử giữa trong và ngoài nước, giữa DN nhà nước và DN ngoài quốc doanh…từ cả việc tiếp cận chính sách lẫn tiếp cận thông tin.
Doanh nghiệp hờ hững
Theo bà Phạm Chi Lan, việc hờ hững của DN Việt Nam trong hội nhập quốc tế thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Rất nhiều lần Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông qua UB Quốc gia về Hội nhập quốc tế tiến hành khảo sát hoặc xin ý kiến các hiệp hội về một số vấn đề trong hội nhập nhưng các DN và hiệp hội rất ít trả lời. Khi được hỏi, các hiệp hội bảo họ rất khó lấy ý kiến các hội viên, vì các DN thành viên thường lờ đi không trả lời các câu hỏi của hiệp hội chuyển đến.
“Đáng tiếc nhất là DN chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt”- bà Lan nói, đồng thời kể: Tại vòng đàm phán lần 7 của TPP diễn ra ở TPHCM gần đây, ban tổ chức mở cho tất cả các đối tác tham gia. VCCI và Bộ Công thương đã thông báo, mời các hiệp hội nhưng duy nhất chỉ có Hiệp hội dệt may (Vitas) tham gia. Trong khi đó, hiệp hội doanh nghiệp các nước khác sang tham gia rất nhiều, họ vận động, trao đổi và tranh luận sôi nổi về lợi ích cơ bản của TPP.
Một trong những hiệu quả của việc tham dự vòng đàm phán đó, theo bà Phạm Chi Lan, Vitas không những nêu được ý kiến của mình, mà còn đưa ra một số vấn đề tranh luận, nhất là về quy chế xuất xứ rất ngặt nghèo ở GPP.
Đồng thời, Vitas tranh thủ cơ hội đó để đối tác nước ngoài đến tận các xí nghiệp dệt may của mình thăm và hiểu thực trạng của DN Việt Nam, từ đấy họ cũng thừa nhận những vấn đề của Việt Nam đưa ra là có cơ sở và những yêu cầu của VN về những xuất xứ đó là đáng xem xét. Bà Lan nhận xét, nếu không có những trao đổi và xem xét thực tế như vậy thì rất khó thuyết phục được đối tác. Chính các hiệp hội lên tiếng thì khả năng thuyết phục tốt hơn nhiều.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), hiện VN đã thỏa thuận FTA với 15 nước thông qua các FTA song phương và khu vực. Theo Bộ Công thương, mức độ cam kết mở cửa mạnh của VN được ghi nhận qua các con số về xuất nhập khẩu và tỷ trọng cao trong GDP: Năm 2006, tỷ trọng XNK trên GDP là 139%, 2011 là 170%.
Trong khi đó, báo cáo của các chuyên gia nước ngoài trong dự án hỗ trợ VN gia nhập WTO, nếu thực hiện một phần các cam kết FTA đã ký, GDP của VN có thể tăng thêm 1,6 tỷ, tương đương 3% và nếu thực hiện đầy đủ GDP tăng thêm 2,4 tỷ USD, tương đương 6%.
Đại Dương
Tiền Phong
|