Siết giao dịch với sàn hàng hóa nước ngoài, nên hay không?
Từ vài năm nay, trong các hoạt động kinh doanh hàng hóa của Việt Nam rộ lên một loại “chợ”, thường được gọi dưới cái tên khá thiệt thà là “sàn giao dịch hàng hóa”. Thực chất chợ này là gì? Chợ dạng này, đáng ra là một loại hoạt động kinh doanh tiên tiến, sao các cơ quan chức năng lên tiếng “siết chặt” quản lý nhanh đến vậy?
Sàn giao dịch hàng hóa “hiện đại”
Nếu như, sàn giao dịch hàng hóa hoạt động đúng như các tên của nó - trao đổi, mua bán, môi giới, cung cấp dịch vụ mua bán hàng thực (physicals) - thiết nghĩ khỏi phải bàn. Hiện nay, hầu như 100% sàn giao dịch hàng hóa ở các nước đều chỉ lợi dụng tên hàng hóa như thị trường vàng, cà phê robusta, ca cao…với lượng giao dịch hàng hóa tối thiểu, để kinh doanh tài chính. Từ lâu, chúng đã bị biến tướng sang thị trường kỳ hạn hàng hóa (futures market – marché à termes) do đầu cơ lũng đoạn.
Thực ra, thị trường giao dịch (hàng hóa) kỳ hạn đã trở thành một công cụ kinh doanh (trading tool) nếu như người có hàng thực muốn mua bán hàng hóa của mình một cách nghiêm túc và có kỷ luật. Ngược lại, do các điều khoản và điều kiện nộp tiền kinh doanh rất nhẹ nhàng và hấp dẫn, người kinh doanh “thiệt thà” mấy cũng bị dẫn dụ vào mê hồn trận của “đỏ đen”. Và nhiều người kinh doanh hàng thực chuyên nghiệp trên thế giới đều gọi chúng là “sòng bạc” nếu như nó chỉ được sử dụng mua bán như đặt cược.
Nên, hầu như tất cả các nước xuất khẩu hàng thực, lấy thí dụ như mặt hàng cà phê arabica và robusta chẳng hạn tại Brazil, Colombia, Indonesia…rất hiếm khi giao dịch “hàng giấy” này, vì hầu hết đều bị đầu cơ tài chính khuynh loát.
Tỷ lệ đầu cơ trên sàn có lớn không?
Xin được trưng dẫn ra sau đây lượng hợp đồng giao dịch trên các thị trường kỳ hạn cà phê lớn là NYBOT cho arabica và LIFFE NYSE cho robusta để thấy mức độ thống trị của đầu cơ trên các thị trường này:
Giả sử trên sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn robusta Liffe NYSE, mỗi năm có 300 ngày giao dịch. Mỗi ngày trung bình giao dịch chừng 10.000 hợp đồng (hay 10 tấn/lô), tương đương với 100.000 tấn/ngày. Vậy, mỗi năm, sàn “hàng hóa” này giao dịch đến 30 triệu tấn trong khi sản lượng robusta toàn bộ thế giới chưa tới 3 triệu tấn.
Rõ ràng, lượng giao dịch khống và ảo cao hơn lượng hàng thị trường hàng thực (nếu như 100% được mua bán) đến cả 10 lần. Trước đây, lượng tấn/lô của Liffe chỉ 5 tấn, nay tăng lên 10 tấn/lô. Lượng của mỗi hợp đồng càng lớn thì mức độ đầu cơ càng cao. Song, so với arabica NYBOT, robusta Liffe vẫn chỉ là đàn em.
Cách đây không lâu, trên sàn giao dịch dầu thô, do giá dầu thô tăng giảm bất thường, thiên hạ rên khôn xiết. Nên, ban quản lý chợ nghiên cứu và phát hiện rằng có 85% lượng hợp đồng giao dịch trên thị trường dầu thô là do đầu cơ nhỏ mua bán (chỉ hàng giấy). Số 15% còn lại là của các quỹ đầu cơ lớn và các hãng kinh doanh dầu thô thế giới.
Thế mới thấy rằng giá dầu thô ta trả trong xăng dầu hiện nay thực sự không xuất phát từ cung cầu mà từ áp lực tài chính, tiền bạc đầu cơ bỏ vào chợ hàng giấy dầu thô này. Cũng thế, trên sàn vàng, ngay tại nước ta vài năm trước, biết bao con bạc đã phải tan cửa nát nhà, tiền mất tật mang.
Nếu như đầu cơ tài chính đến nay đã bỏ ra trên nghìn tỉ để mua bán trên các “sàn hàng hóa”, thì chắc chắn giá hàng hóa tăng trước tiên vì áp lực dòng tiền bơm vào chứ chưa hẳn do cung cầu gì ở đây cả.
NYBOT arabica - Năm |
Tổng lượng hợp đồng giao dịch (số lô) |
Tương đương với lượng tấn |
Tỉ lệ % giữa hàng thực và giấy |
2005 |
3.987.855 |
69.787.462 |
7% |
2006 |
4.407.537 |
77.131.897 |
6.50% |
2007 |
5.129.402 |
89.764.535 |
6% |
2008 |
5.446.688 |
95.317.040 |
5% |
LIFFE NYSE - robusta |
|
|
|
2005 |
3.263.253 (5 tấn) |
16.316.265 |
15% |
2006 |
3.550.938 (5 tấn) |
17.754.690 |
13.50% |
2007 |
4.435.793 (5 tấn) |
22.178.965 |
11% |
2008 |
3.950.277 (5 tấn) |
19.751.385 |
12% |
2009 (cuối thg 9) |
1.802.254 (10 tấn) |
18.022.540 |
10% | |
Siết chặt, nên chứ sao không!
Là một nước xuất khẩu nông sản lớn, sàn hàng hóa chỉ có ích cho nông dân, người kinh doanh khi nó được sử dụng như một công cụ kinh doanh. Vì, bản thân giá nông sản khó mà ổn định. Nếu có chăng, chỉ là biệt lệ. Dùng “chợ hàng giấy” để giữ phòng hộ giá của mình khi mua bán một cách nghiêm túc thì chẳng có gì để bàn. Song, do nhiều người tham gia hám lợi dù chưa hiều hết luật chơi, cách làm của thị trường kỳ hạn hàng hóa, đã thua lỗ trầm trọng. Có nhiều công ty có vốn nhà nước cũng đã thua tiền tỉ trên các sòng này nhưng cứ tưởng mình kinh doanh hàng hóa trên thị trường “quốc tế”!
Thiết nghĩ rằng nhà nước nên có một sơ kết về kết quả kinh doanh hàng giấy của đủ thị trường như cà phê, vàng, dầu thô, cao su…để có bước đi tiếp và có hướng cho loại “siêu chợ” này.
Tôi tin qua sơ kết, chúng ta sẽ có nhiều kết quả bất ngờ và chắc chắn đau thương: mỗi năm đã và đang có hàng chục, nếu không nói hàng trăm triệu đô la thua lỗ qua các sàn kỳ hạn hàng hóa này.
Nếu không dùng sàn giao dịch kỳ hạn làm công cụ phòng hộ nghiêm túc, thì chỉ có một cách để thắng đầu cơ tài chính mà thôi. Đó là, chúng ta phải có lượng tiền lớn hơn họ.Nếu không dùng chợ hàng giấy chỉ để phòng hộ giá mua bán hàng hóa nông sản, thì không chỉ “siết chặt quản lý” mà nên dẹp chúng đi.
Nguyễn Quang Bình
TBKTSG ONLINE
|