Thứ Tư, 28/12/2011 15:15

Sàn hàng hóa OTC, tại sao không?

Giao dịch khớp lệnh trên sàn hàng hóa mới ở bước đầu phát triển, song thực tế hiện nay nảy sinh nhiều nhu cầu khác của các doanh nghiệp, đòi hỏi phải có những dịch vụ phù hợp. Đa dạng hóa kênh giao dịch nhằm đem người mua và người bán xích lại gần nhau hơn là đòi hỏi cần sớm được các sàn hàng hóa đáp ứng.

Một doanh nghiệp đầu tư bất động sản đang thực hiện dự án xây dựng 500 căn hộ chung cư cho biết, doanh nghiệp đã bán xong nhà cho người mua và cuối năm 2012 sẽ giao nhà cho khách hàng. Doanh nghiệp đã thu tiền đợt 1, tiến độ đóng tiền của nhà đầu tư được chia làm 5 đợt, giá bán nhà cũng được xác định cố định trong suốt thời gian thu tiền, không phụ thuộc diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hay lãi suất. Như vậy là đầu ra cho doanh nghiệp khá đảm bảo. Tuy nhiên, đầu vào của sản phẩm lại khá bấp bênh do giá cả nguyên vật liệu biến động liên tục, có nhiều thời điểm giá thép biến động tới 4 - 5 triệu đồng/tấn.

Để đảm bảo cho việc sản xuất liên tục, theo đúng tiến độ, doanh nghiệp muốn có cam kết với các nhà cung cấp nguyên vật liệu. Trước đây, các nhà sản xuất thép thường yêu cầu doanh nghiệp phải có cam kết trả trước 50% tiền hàng mới bán sản phẩm, thời gian giao hàng do hai bên thống nhất sau. Ở thời điểm thị trường khó khăn về dòng tiền như hiện tại, nhất là với các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp muốn tham gia sàn hàng hóa theo hướng sau: họ mua hàng giao sau, ký quỹ 10 - 15% và được đảm bảo về giá cũng như khối lượng hợp đồng thép để đảm bảo cho tiến độ công trình.

Hiện những giao dịch kiểu này chưa thực hiện được, do nhà sản xuất thép yêu cầu tỷ lệ ký quỹ cao hơn là 30 - 40%, nếu tỷ lệ 10% phải có ngân hàng do họ chỉ định bảo lãnh. Sàn giao dịch hàng hóa cũng chỉ chấp nhận giao dịch trên sàn những mặt hàng theo phẩm cấp chất lượng được ấn định từ trước, chứ không biến động theo yêu cầu của bên mua. Các ngân hàng hỗ trợ thanh toán cũng chỉ giới hạn ở MSB, Techcombank, BIDV.

Trên thực tế, nhu cầu đối với các giao dịch như dạng thức kể trên tại Việt Nam khá lớn, do biến động nguyên liệu đầu vào khó dự đoán, trong nhiều trường hợp có thể gây thua lỗ nặng nếu doanh nghiệp không dự đoán chính xác. Trong khi đó, năng lực dự báo giá cả và biến động giá hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam khá hạn chế.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Sàn An Việt cho hay, công ty ông đang có khách hàng muốn giao dịch hợp đồng thép với giá trị 80 tỷ đồng, phục vụ cho dự án xây lắp của doanh nghiệp. Với khoản tiền 15 tỷ đồng, công ty có thể đáp ứng được, song 30 - 40 tỷ đồng là vượt quá năng lực của doanh nghiệp.

Sàn giao dịch hàng hóa OTC nếu có sẽ thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp. Lâu nay, các doanh nghiệp nông sản Việt Nam chủ yếu thực hiện các giao dịch truyền thống, tức là mua bán giao ngay hoặc thỏa thuận dựa trên các mối quan hệ. Mức độ giao dịch phổ biến và có liên quan tới hàng hóa phái sinh vẫn chỉ dừng lại ở các hợp đồng giao dịch kỳ hạn. Điều này một phần xuất phát từ thói quen của doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, do doanh nghiệp bị hạn chế về vốn nên họ phụ thuộc rất lớn vào ngân hàng và các đối tác thu mua, chủ yếu là các đối tượng nước ngoài. Điều này làm giảm tính liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong giai đoạn 2006 - 2007, có nhiều doanh nghiệp, phần lớn là các doanh nghiệp cà phê Việt Nam tham gia giao dịch trên các sàn quốc tế như Liffe và Ice. Do mới làm quen, thiếu thông tin và chưa có nhiều kinh nghiệm giao dịch nên nhiều doanh nghiệp bị lỗ nặng. Điều này khiến các doanh nghiệp cảm thấy rủi ro và xem thị trường hàng hóa phái sinh như là một thị trường đầu cơ.

Hiện tại, Việt Nam đã có nhiều công ty mở sàn giao dịch hàng hóa, nhưng thực chất thì vẫn chưa có một tổ chức nào ra đời và hoạt động đúng nghĩa là Sở giao dịch hàng hóa. Để thị trường vận hành tốt và phục vụ tốt nhà đầu tư, cần có đồng bộ những yếu tố như thị trường, hệ thống giao dịch, chuỗi giá trị trong thị trường hàng hóa phái sinh bao gồm các ngân hàng thanh toán, các công ty môi giới, tự doanh, các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống logistic…

Thùy Linh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Đầu tư vào hàng hóa hiện không khả quan (26/12/2011)

>   Giao dịch hàng hóa: Tăng cầu, không thể “bóc ngắn, cắn dài” (14/12/2011)

>   Rủi ro về giá trong kinh doanh cà phê (14/12/2011)

>   SJC thành thương hiệu SBV: Cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ (29/11/2011)

>   Bán vàng bình ổn, nghị định quản lý vàng và nhóm lợi ích (28/11/2011)

>   Vì sao ngân hàng vẫn đứng ngoài phái sinh hàng hóa? (17/10/2011)

>   Sàn hàng hóa manh nha cuộc đua mới (13/10/2011)

>   Sàn quốc tế tiếp thị doanh nghiệp Việt Nam (06/10/2011)

>   Kinh tế suy làm giá cà phê sụp (24/09/2011)

>   Thừa cà phê nhưng cơ hội không thiếu (19/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật