Thứ Ba, 29/11/2011 09:31

SJC thành thương hiệu SBV: Cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ

Trong buổi trả lời chất vấn Quốc hội vào cuối tuần trước, thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh nhãn vàng miếng thương hiệu SJC được lựa chọn là nhãn vàng của ngân hàng Nhà nước (NHNN). Khi điều kiện cho phép, nhãn vàng này sẽ được chuyển thành SB – nhãn của NHNN. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – chủ sở hữu nhãn SJC sẽ được chuyển từ thuộc UBND TP.HCM sang trực thuộc NHNN, để Nhà nước vừa giữ được độc quyền trong việc quản lý và sản xuất vàng miếng, vừa tiết giảm được chi phí trong sản xuất. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của NHNN trong việc kiểm soát thị trường vàng miếng.

Tuy nhiên, trên thực tế, để có thể bình ổn thị trường vàng miếng thì lại không đơn giản bởi sự biến động đầy phức tạp của một hàng hoá cất trữ giá trị.

Vàng chính thức được thừa nhận là một loại ngoại tệ

Vàng miếng SJC chiếm trên 90% thị phần vàng miếng trong nước nên giá vàng của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (công ty SJC) thường là mức giá định hướng cho các nhãn hiệu vàng miếng khác. Với việc NHNN lựa chọn vàng miếng SJC trở thành nhãn vàng miếng của mình, thì tỷ lệ này sẽ tiếp tục được nâng lên vì người dân sẽ có xu hướng chuyển sang sử dụng vàng miếng SJC nhiều hơn. Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra, bởi nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng khác cũng đồng ý với việc sử dụng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia và muốn được thực hiện gia công thương hiệu vàng SJC.

Một khi toàn bộ vàng miếng trong nước trực thuộc quản lý của NHNN thì có thể nói vàng miếng thôi không còn được xem như là một loại hàng hoá mà chính thức trở thành một loại ngoại tệ do NHNN quản lý lưu thông trong nước.

Việc chuyển đổi công ty SJC từ UBND TP.HCM về NHNN cho thấy NHNN có thể tăng cường khả năng quản lý nguồn cung vàng trên thị trường trong nước. Hoạt động xuất – nhập khẩu vàng của SJC đều được NHNN quản lý cho phép, số lượng vàng miếng dập bao nhiêu cũng sẽ được NHNN quản lý một cách chặt chẽ. Trạng thái vàng tồn kho cũng sẽ được NHNN nắm rõ tình hình và như vậy, đây sẽ là các cơ sở để NHNN biết được mức giá vốn vàng thực tế của SJC hiện là bao nhiêu. Từ đó, nếu cần điều tiết thị trường vàng, NHNN có thể đưa ra các mức giá bán phù hợp với các chi phí thực tế trong việc sản xuất vàng miếng tại công ty SJC hoặc ấn định các mức giá giống như đã làm với thị trường ngoại tệ. Khi đó, mục tiêu giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ dễ thực hiện hơn.

Thừa nhận vàng miếng ở Việt Nam là một loại ngoại tệ là một việc làm đáng ra cần làm từ lâu. Do vàng trong nước chủ yếu đều nhập khẩu từ nước ngoài nên giá vàng và tỷ giá USD/VND ở Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Với việc độc quyền quản lý vàng miếng, NHNN có thêm công cụ để điều hành hợp lý biến động giá vàng và tỷ giá trong nước, nhờ đó những cơn sốt tỷ giá từ sự chênh lệch giá vàng sẽ giảm đi.

Nên độc quyền sản xuất hay độc quyền quản lý?

Một vấn đề chưa thực sự rõ ràng liên quan đến thị trường vàng miếng là NHNN sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng hay chỉ độc quyền quản lý?

Nếu như theo hướng độc quyền sản xuất thì NHNN sẽ trực tiếp nhập vàng miếng từ nước ngoài về rồi sử dụng máy móc thiết bị để dập vàng miếng, sau đó chuyển sang cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng bán ra thị trường. Tất nhiên, bên cạnh công ty SJC, NHNN có thể đặt hàng các doanh nghiệp vàng miếng hiện nay thực hiện việc gia công vàng miếng để không làm lãng phí cơ sở vật chất ở các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng hiện nay. Tuy nhiên, với việc công ty SJC trực thuộc NHNN thì tất yếu sẽ dẫn đến hiện tượng chèn ép giá các đơn vị còn lại trong việc đặt hàng gia công sản xuất vàng miếng. Sau một thời gian, các đơn vị này chắc chắn sẽ buộc phải thoát khỏi lĩnh vực này.

Một khi việc sản xuất vàng miếng trực thuộc hoàn toàn NHNN, vô hình trung NHNN sẽ chịu toàn bộ rủi ro liên quan đến việc kinh doanh mặt hàng này. Nếu không có khả năng quản lý rủi ro tốt, các hoạt động xuất – nhập khẩu vàng của NHNN sẽ tạo ra gánh nặng cho người dân vì xét đến cùng người sở hữu vàng miếng cuối cùng vẫn là người dân Việt Nam chứ không phải là NHNN.

Theo hướng độc quyền quản lý có lẽ sẽ là một lựa chọn khôn ngoan hơn của NHNN. Thay vì trực tiếp kiểm soát việc xuất – nhập khẩu vàng miếng, NHNN sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp thực hiện việc này. Nhưng khác với việc có nhiều nhãn hiệu vàng miếng khác nhau như hiện nay, tất cả các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng đều chung một nhãn hiệu SJC. Hay nói cách khác, SJC trở thành một nhãn hiệu tập thể về vàng miếng của Việt Nam với chất lượng được kiểm soát hoàn toàn bởi NHNN Việt Nam.

Với cách thức quản lý này, NHNN sẽ không phải trực tiếp tham gia kinh doanh nhưng vẫn nắm được dầy đủ thông tin về thị trường vàng miếng như số lượng vàng miếng đang lưu thông trên thị trường, bao nhiêu vàng miếng được sử dụng cho mục đích sản xuất trang sức hay công nghiệp, và bao nhiêu vàng miếng được sử dụng cho mục đích đầu tư. Trong khi đó, các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc mua – bán vàng tài khoản ở nước ngoài trên thế giới để phòng ngừa rủi ro. Thêm nữa, với khả năng quản lý khác nhau, các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng mang nhãn hiệu tập thể SJC hoàn toàn có thể cạnh tranh với nhau để cung ứng cho thị trường mức giá tốt nhất. Rõ ràng, với cách thức quản lý này, người dân sẽ thực sự được hưởng lợi, trong khi NHNN vẫn có khả năng quản lý và điều tiết được thị trường.

Cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ nữa

Độc quyền quản lý thương hiệu vàng miếng bởi NHNN là một bước đầu tiên quan trọng để hình thành một thị trường vàng hiện đại ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mức này thì thị trường vàng Việt Nam vẫn ở dạng kém phát triển. NHNN nên cân nhắc thêm một số các giải pháp hỗ trợ sau đây.

Thứ nhất, NHNN cần có định hướng để biến thương hiệu vàng SJC trở thành thương hiệu quốc tế. Muốn vậy, chất lượng vàng SJC cần phải đạt tiêu chuẩn quốc tế theo tiêu chuẩn vàng thỏi của hiệp hội Thị trường vàng London. Đây là con đường mà Trung Quốc đã lựa chọn khi quyết định thiết lập chuẩn vàng 5 con chín (99,999%) thay vì 4 con chín như hiện tại giống như Việt Nam. Một khi đã thoả mãn tiêu chí này thì Việt Nam sẽ trở thành một kho dự trữ vàng trên thế giới, và sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận chuyển vàng trong quá trình xuất nhập khẩu.

Thứ hai, NHNN cần có chính sách phát triển thị trường phái sinh. Hiện nay, người dân sở hữu vàng miếng hầu hết vì mục đích đầu tư. Rõ ràng, với mục đích này, việc giữ một thỏi vàng hay một chứng chỉ sở hữu một thỏi vàng là hoàn toàn như nhau. Nếu như người dân được quyền trao đổi, mua bán chứng chỉ vàng thì nhu cầu giữ vàng miếng sẽ giảm hẳn, giúp cho việc xuất nhập khẩu vàng vật chất sẽ giảm theo. Một khi thị trường phái sinh về vàng phát triển thì giá vàng Việt Nam mới có thể bám sát được giá vàng thế giới. Hơn nữa, với việc giảm nhu cầu xuất nhập khẩu vàng vật chất, ảnh hưởng của vàng với tỷ giá cũng giảm theo.

Nguyên Minh Cường

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Bán vàng bình ổn, nghị định quản lý vàng và nhóm lợi ích (28/11/2011)

>   Vì sao ngân hàng vẫn đứng ngoài phái sinh hàng hóa? (17/10/2011)

>   Sàn hàng hóa manh nha cuộc đua mới (13/10/2011)

>   Sàn quốc tế tiếp thị doanh nghiệp Việt Nam (06/10/2011)

>   Kinh tế suy làm giá cà phê sụp (24/09/2011)

>   Thừa cà phê nhưng cơ hội không thiếu (19/09/2011)

>   Đầu tư vàng và những điều cần lưu ý (16/09/2011)

>   Nắm bắt cơ hội đầu tư với kênh hàng hóa (16/09/2011)

>   Tổng quan thị trường thép 2010 và dự báo 2011 (01/06/2010)

>   Thực tế cạnh tranh mới trong ngành thép (28/09/2006)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật