Thứ Sáu, 16/09/2011 11:17

Nắm bắt cơ hội đầu tư với kênh hàng hóa

(Vietstock)  - Tại buổi giao lưu trực tuyến “Thị trường tài chính: Cơ hội nào cho các kênh đầu tư?” do CTCP Tài Chính Việt phối hợp cùng Vietstock thực hiện chiều  ngày 15/09, các diễn giả đã có dịp chia sẻ với cộng đồng các nhà đầu tư về hàng hóa – kênh đầu tư tất yếu trong xu thế hội nhập.

Kênh đầu tư hàng hóa – Xu thế tất yếu của hội nhập

Đánh giá tầm quan trọng của thị trường hàng hóa trong bối cảnh hiện nay, ông Trương Nguyễn Thế Bảo - Giám đốc Phân tích Kỹ thuật An Phuc Investment cho biết Việt Nam đã gia nhập WTO như một phần tất yếu của sự hội nhập thế giới. Và thị trường hàng hóa cũng không nằm ngoài xu thế đó. Thị trường này sẽ mở ra những cơ hội mới cho các nhà đầu tư.

Hiện nay, khi nền kinh tế thế giới nói chung đang tồn tại những khó khăn do suy thoái thì đa phần NĐT sẽ dành sự quan tâm nhiều đối với kênh hàng hóa cơ bản (như dầu, bắp, cà phê, cao su, lúa mì…). Bởi vì ngoài vàng, đây là kênh đầu tư bảo toàn tài sản và giúp nhà đầu tư chống được lạm phát.

Bên cạnh đó, hàng hóa cơ bản có ưu điểm hơn vàng ở chỗ đây là những loại hàng hóa đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của con người, giá trị sử dụng mang lại rất lớn. Xét giai đoạn cuối năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, giá cả hàng hóa cơ bản biến động rất mạnh.

Một ưu điểm nữa là các loại hàng hóa này được giao dịch trên thị trường tương lai nên thanh khoản rất tốt. Một nhà đầu tư không cần có hàng, với khoản ký quỹ khoảng 5% trên giá trị hợp đồng giao dịch thì khi giá biến động tăng 5% là nhà đầu tư có thể kiếm lời gấp đôi. Tuy nhiên, khi giá giảm tương ứng thì nhà đầu tư lại mất đi số tiền đặt cọc của mình. Do đó, đây là một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận rất lớn và cũng nhiều thử thách cho người tham gia.

Còn theo ông Lê Văn Thanh Long, Nguyên Giám đốc Phát triển Kinh doanh SMES – HCM, thị trường hàng hóa ở Việt Nam chủ yếu là giao dịch hàng hóa vật chất, giao ngay hoặc có kỳ hạn theo mùa vụ. Hiện nay, các hoạt động giao dịch qua sàn, đặc biệt dành cho các DN xuất nhập khẩu và giới đầu tư tài chính đang tăng trưởng mạnh.

Ông Long cho biết thị trường hàng hóa bao gồm các thị trường giao dịch sản phẩm thô hoặc sản phẩm thiết yếu như nông sản, năng lượng, kim loại,….Thị trường hàng hóa Việt Nam hiện nay chủ yếu là thị trường giao ngay thực tế, tức là bên bán và bên mua đều có nhu cầu giao dịch thực.

Phần lớn giao dịch của thị trường hàng hóa hiện nay thông qua mô hình Người sản xuất – Thương lái – Doanh nghiệp/Người tiêu dùng, trong đó vai trò của thương lái là rất quan trọng. Có nhiều trường hợp thương lái làm nên sự lũng đoạn về giá, về chất lượng sản phẩm, về khối lượng mua bán cũng như sự đảm bảo thành toán,…

Từ các bức xúc nói trên đối với tầng lớp trung gian, yêu cầu ngày càng cao từ các DN, đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu, sự nổi lên của thị trường tài chính, nhu cầu về đầu cơ hàng hóa của NĐT nên đã xuất hiện một số hình thức giao dịch hàng hóa qua sàn như sàn giao dịch cà phê ở Tây Nguyên, sàn giao dịch hàng hóa ở các ngân hàng và gần đây Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam ra đời là để đáp ứng các yêu cầu đó.

Ông Long khẳng định thị trường hàng hóa giai đoạn này đang thu hút nhiều NĐT cá nhân. Vì vậy, chúng ta có thể thấy các sàn giao dịch hàng hóa, các trung tâm giao dịch hàng hóa, Vàng liên tục mở ra.

Nắm bắt cơ hội từ kênh đầu tư hàng hóa

Ông Long cho rằng, NĐT cá nhân vẫn có thể đầu tư vào hàng hóa với một cơ hội sinh lời nhất định. Tuy nhiên, việc đầu tư hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa qua sàn, đòi hỏi NĐT cần có kiến thức về hàng hóa, các hợp đồng giao dịch, hợp đồng phái sinh.

Mỗi kênh đầu tư sẽ phù hợp với tính cách, điều kiện tài chính, mục tiêu của một nhóm NĐT.  Vì vậy, vấn đề là tạo ra nhiều kênh đầu tư đa dạng. Khung pháp lý cần hoàn thiện để bảo vệ tốt cho NĐT, tức là tạo ra sân chơi minh bạch, đa dạng và an toàn, chứ không có một kênh đầu tư nào có thể giải quyết toàn bộ luồng tiền trong dân cả.

Cũng giống như đầu tư chứng khoán, ông Long cho rằng khi đầu tư hàng hóa, PTKT hay PTCB đều có thể áp dụng được tùy sở thích và chiến lược của NĐT. Những người hay lướt sóng thường chọn PTKT còn những người theo xu hướng dài hạn lại hay nhờ vào PTCB.

Về cơ chế hoạt động của sàn giao dịch, ông Long cho biết một số hoạt động theo cơ chế giá tự điều tiết có tham khảo giá thế giới và một số khác theo cơ chế giá thế giới hoàn toàn. Để một sàn hàng hóa có thể giao dịch theo giá thế giới hoàn toàn thì sàn đó cần có khả năng liên kết với một sàn giao dịch quốc tế. Do vậy, NĐT cần phải tìm hiểu rõ điều kiện đó trước khi mở tài khoản giao dịch.

Các sàn hàng hóa giao dịch theo cơ chế khớp lệnh thị trường, tức là lệnh đưa vào hệ thống nếu tìm được lệnh đối ứng thì sẽ được khớp lệnh, có cả lệnh thị trường lẫn lệnh chờ, tương tự như bên chứng khoán.  Trong trường hợp muốn mua hàng hóa thật, tức là giao dịch có kỳ hạn, các sàn sẽ yêu cầu NĐT nộp đủ tiền thanh toán, thanh toán một số phí như phí kiểm định, phí kho bãi thực tế trước khi nhận được hàng.

Hiện nay có các sàn hàng hóa như sàn giao dịch café ở Buôn Ma Thuột, sàn giao dịch Cao su Sacome STE, và Sở Giao dịch Hàng hóa VNX.  Ngoài ra, có một số sàn giao dịch hàng hóa thông qua các ngân hàng thương mại, các trung tâm giao dịch vàng bạc nữ trang.

Hàng hóa giao dịch chính gồm Gạo, Cao su, Cà phê, Thép và Vàng.

Để mua bán trên thị trường hàng hóa, NĐT chỉ cần mở tài khoản, thậm chí có thể giao dịch online tương tự như giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, các NĐT cần lưu ý về tính pháp lý của các sàn giao dịch, nên tránh giao dịch ở các sàn chui.

Ông Bảo cho biết có 4 loại sản phẩm phái sinh được sử dụng trên thị trường hàng hóa:

- Hợp đồng kỳ hạn (Forwards Contract): Là thỏa thuận giữa hai bên – người mua và người bán – để mua hoặc bán tài sản tại thời điểm hiện tại nhưng việc thực hiện sẽ được diễn ra trong tương lai

- Hợp đồng tương lai (Future Contract): Cũng là hợp đồng kỳ hạn đã được tiêu chuẩn hóa, được giao dịch trên thị trường tương lai để mua hay bán một loại hàng hóa nhất định vào một ngày xác định trong tương lai.

- Hợp đồng quyền chọn (Options Contract):  Là hợp đồng giữa người mua và người bán,  trong đó cho người mua quyền, nhưng không phải là nghĩa vụ, để mua hoặc bán một tài sản nào đó vào một ngày trong tương lai với giá đã đồng ý tại thời điểm hiện tại.

- Hoán đổi (Swaps): Là một chuỗi các kỳ hạn thanh toán đều đặn tại nhiều ngày khác nhau trong tương lai với mức giá hàng hóa đã được thỏa thuận giữa hai bên.

Ông Bảo cho rằng để tham gia và thành công trên sàn giao dịch hàng hóa, nhà đầu tư cần trang bị những kiến thức về các sản phẩm tài chính phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai … nên phần nào đó phức tạp hơn giao dịch chứng khoán.

Bội Mẫn ghi

Các tin tức khác

>   Tổng quan thị trường thép 2010 và dự báo 2011 (01/06/2010)

>   Thực tế cạnh tranh mới trong ngành thép (28/09/2006)

>   Tổng quan Thép vật chất giao dịch tại SGD hàng hóa VNX (04/08/2011)

>   Tổng quan ngành thép thế giới năm 2010 (20/11/2010)

>   Lá chắn trong biến động giá nguyên liệu (07/09/2011)

>   “Giải mã” tại sao giá hạt tiêu tăng nóng (06/09/2011)

>   Tháng 9, hàng thiết yếu có thể sẽ tăng mạnh (04/09/2011)

>   Điều chỉnh giảm dự báo nhiều loại nông sản xuất khẩu (03/09/2011)

>   TS Alan Phan: "Vàng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư" (27/08/2011)

>   Các chuyên gia cảnh báo 4 rủi ro từ cơn sốt vàng (19/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật