Thứ Năm, 13/10/2011 21:11

Sàn hàng hóa manh nha cuộc đua mới

Kênh giao dịch hàng hóa đang được nhiều nhà đầu tư vốn trước đây chỉ đầu tư chứng khoán lựa chọn.

Củng cố đội ngũ nhân sự, phát triển nhà tạo lập thị trường, đẩy mạnh hoạt động kho bãi tại các vùng nhiên liệu cho người sản xuất, tìm kiếm mở rộng nhà đầu tư… Những công việc trên đang được Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) và Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) đẩy mạnh nhằm xác lập vị thế của mình trên thị trường hàng hóa còn non trẻ. Tương tự VNX, BCEC cũng đang khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động để trở thành sở giao dịch hàng hóa trong thời gian sắp tới.

Để tiến hành nâng cấp hoạt động, BCEC đang thực hiện khảo sát sản phẩm giao dịch cà phê kỳ hạn để có định hướng thay đổi sản phẩm cho phù hợp với nhà đầu tư trong nước, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư cũng như các thành viên giao dịch của BCEC. Theo đó, trung tâm này sẽ có những cải tiến về thời gian và biên độ giao dịch… Thời gian giao dịch hiện tại là từ 14 - 17h hàng ngày, trong khi Trung tâm có thể đảm bảo giao dịch từ 15h - 23:30h (trùng với giờ giao dịch của sàn Liffe); biên độ giao dịch 4% như hiện tại có thể được đổi thành các biên độ như 5%, 10%, thậm chí không biên độ.

BCEC cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống kho hàng tại vùng cà phê trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các kho ngoài phạm vi tỉnh này; tạo thuận lợi, thu hút người sản xuất trên vùng nguyên liệu ký gửi cà phê vào hệ thống kho tham gia giao dịch qua BCEC; thực hiện kho chỉ định giao nhận hàng thông qua kết quả giao dịch tại BCEC. Trên cơ sở các kho của các DN hợp tác, người nông dân có thể gửi cà phê tại BCEC một cách dễ dàng, đồng thời việc giao hàng qua sàn giao dịch của BCEC ngoài địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng thuận tiện hơn.

Khai trương hoạt động giao dịch kỳ hạn từ tháng 3/2011 đến nay, mức độ tham gia của các nhà đầu tư qua BCEC còn hạn chế, giá trị khớp lệnh dù thời gian gần đây có cải thiện đáng kể song vẫn ở mức thấp, xấp xỉ 10 tỷ đồng/tuần. Bản thân người sản xuất một mặt chưa quen với các phương thức giao dịch hàng hóa, một phần do biến động các loại nguyên nhiên liệu đầu vào sản xuất quá lớn khiến họ trong nhiều trường hợp buộc phải mua chịu, bán non với các thương lái. Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, lãnh đạo của BCEC thống nhất rằng, còn nhiều việc cần làm để đưa kênh giao dịch này đến với các nhà đầu tư.

Trong khi đó, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) cũng đang nỗ lực để hiện diện nhiều hơn trong cộng đồng nhà đầu tư qua các chuỗi hội thảo tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… Đơn vị này cũng mở các khóa đào tạo nhân viên môi giới, thẩm định giao dịch… qua các kênh đào tạo tập trung và đào tạo từ xa. Trên thực tế, so với chứng khoán, kênh đầu tư hàng hóa được coi "chuyên nghiệp" và kén khách hơn. Tuy vậy, phương thức giao dịch lại rất linh hoạt và số tiền ký quỹ ban đầu không lớn, chỉ từ 5 triệu đồng/lô trở lên, cho phép nhiều nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với hình thức đầu tư này.

Tại một hội thảo mới đây ở Việt Nam, ông Ker Chung Yang, chuyên gia phân tích đầu tư của Phillip Future, cho biết, kênh giao dịch hàng hóa đang được nhiều nhà đầu tư vốn trước đây chỉ đầu tư chứng khoán lựa chọn. Trên thế giới, tổng kết từ đầu năm đến nay cho thấy, năng lượng, khí đốt là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất, lúa mì là mặt hàng giao dịch ít nhất, sàn cà phê Liffe đứng thứ hai về mức độ thu hút nhà đầu tư giao dịch.

Vẫn theo chuyên gia này, dự kiến năm 2012 nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức như lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, nợ công châu Âu, xung đột chính trị tại Trung Đông và châu Phi, gói hỗ trợ kích thích kinh tế của Mỹ… Đây là những lý do tiếp tục giữ giao dịch hàng hóa ở thế hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.

Phương Anh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Sàn quốc tế tiếp thị doanh nghiệp Việt Nam (06/10/2011)

>   Kinh tế suy làm giá cà phê sụp (24/09/2011)

>   Thừa cà phê nhưng cơ hội không thiếu (19/09/2011)

>   Đầu tư vàng và những điều cần lưu ý (16/09/2011)

>   Nắm bắt cơ hội đầu tư với kênh hàng hóa (16/09/2011)

>   Tổng quan thị trường thép 2010 và dự báo 2011 (01/06/2010)

>   Thực tế cạnh tranh mới trong ngành thép (28/09/2006)

>   Tổng quan Thép vật chất giao dịch tại SGD hàng hóa VNX (04/08/2011)

>   Tổng quan ngành thép thế giới năm 2010 (20/11/2010)

>   Lá chắn trong biến động giá nguyên liệu (07/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật