Bán vàng bình ổn, nghị định quản lý vàng và nhóm lợi ích
(Vietstock) - Thời gian gần đây vàng đã trở thành một chủ đề nóng được mọi người đặc biệt quan tâm. Dưới góc nhìn lý thuyết kinh tế, tài chính sẽ cung cấp những điều thú vị về câu chuyện bán vàng bình ổn, nghị định quản lý vàng và nhóm lợi ích.
Hạn ngạch và bán vàng bình ổn ai lợi ai thiệt?
Trong chính sách thương mại, các chính sách như hạn ngạch (quota), thuế nhập khẩu hay các hàng rào kỹ thuât là một trong những công cụ để bảo vệ sản xuất hàng hóa trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài. Với xu thế tự do hóa thương mại trên thế giới công cụ hạn ngạch ngày càng ít được sử dụng. Về mặt lý thuyết, hạn ngạch sẽ mang đến sự tổn thất vô ích cho xã hội, làm cho giá hàng hóa trong nước cao hơn giá hàng hóa cùng loại trên thế giới. Tuy nhiên, hạn ngạch lại mang đến lợi nhuận vượt trội cho những nhà nhập khẩu được cấp hạn ngạch. Do vậy, nhóm lợi ích thường lobby các chính sách thương mại này.
Từ khung lý thuyết đó chúng ta liên tưởng đến thị trường vàng của Việt Nam. Vàng là một loại hàng hóa nhưng là hàng hóa đặc biệt nên chịu sự quản lý của NHNN. Việc nhập khẩu vàng phải được sự cấp phép và khối lượng bị giới hạn theo hạn ngạch. Khác với hàng hóa khác, việc cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng không phải vì bảo vệ sản xuất trong nước vì phần lớn vàng tiêu thụ ở Việt Nam đều nhập khẩu. Việc quản lý nhập khẩu vàng nhằm để ổn định thị trường tiền tệ, giữ ổn định tỷ giá.
Đầu năm 2010, trước sự bất ổn của thị trường vàng, thị trường tiền tệ, NHNN ban hành Thông tư số 01/2010-NHNN. Nội dung quan trọng của thông tư này là quy định ngày 30/3/2010 là hạn cuối cùng các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài và các giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Tuy nhiên, sau đó NHNN ban hành Thông tư số 17/2010/TT-NHNN sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 2 Thông tư số 01. Theo Thông tư này, các tổ chức tín dụng đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài chậm nhất vào ngày 31/7/2010.
Với quyết định trên thì thị trường vàng trong nước bị “cô lập” với thị trường vàng thế giới. Giờ đây các công ty kinh doanh vàng không thể cân bằng trạng thái để phòng ngừa rủi ro nếu lỡ bán ra nhiều hơn mua vào. Như vậy, con đường để thị trường vàng trong nước liên thông với vàng thế giới gần như bị chặn lại. Về mặt lý thuyết, điều này càng làm cho thị trường vàng trong nước thêm bất ổn và chênh lệch giá vàng ngày càng lớn.
Thực tế, trong suốt thời gian qua giá vàng trong nước luôn chênh lệch rất lớn so với giá vàng thế giới. Hơn nửa đầu năm 2011, giá vàng trong nước luôn thấp hơn khá nhiều so với giá vàng thế giới. Xuất siêu vàng trong 8 tháng đầu năm 2011 lên đến gần 3 tỷ USD. Có thể nhận thấy những nhà đầu tư trong nước chịu thiệt hại lớn còn những doanh nghiệp xuất khẩu vàng lại thu được lợi nhuận rất lớn từ sự xuất khẩu này.
Kể từ tháng 9/2011, giá vàng trong nước “quay ngược lại” cao hơn giá vàng thế giới khi tỷ giá bắt đầu có những dấu hiệu bất ổn. Đỉnh điểm của hiện tượng này là vào cuối tháng 9 giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 6 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua và giá bán lên đến gần 7 triệu đồng/lượng. Đây là sự biến động chưa từng có từ trước đến nay. Trước hiện tượng “bất thường” này NHNN buộc phải cấp hạn ngạch cho một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, điều này dường như vẫn chưa thể xóa dịu cơn “khát vàng” của nhà đầu tư trong nước. NHNN cho phép 6 ngân hàng thương mại và Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài và bán vàng vật chất để bình ổn. Chỉ hơn 1 tuần, hơn 15 tấn vàng được bán ra nhưng giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn 1-2 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới, một mức vượt xa so với chi phí nhập khẩu và chế tạo vàng. Điều đó đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những doanh nghiệp được cấp phép.
Nghị định quản lý vàng có thật sự hiệu quả?
Cuối tháng 10/2011, NHNN công bố nội dung của dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng trình Chính phủ. Theo NHNN, những nội dung này được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, mặc dù vậy sau khi ban hành nghị định này xuất hiện những tranh luận gay gắt. Phần lớn các ý kiến đều tỏ ra nghi ngại những tác động tiêu cực mà Nghị định này sẽ mang lại nếu nó chính thức được thông qua.
Nội dung được quan tâm nhiều nhất chính là biện pháp thứ nhất liên quan đến việc quản lý sản xuất vàng miếng. Theo đó, NHNN đưa ra 4 điều kiện để một doanh nghiệp có thể được phép sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, chỉ cần nội dung của điều kiện thứ 4 “Chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất”, đã loại 7 doanh nghiệp trên thị trường và chỉ còn lại duy nhất SJC được sản xuất vàng.
Nội dung đáng chú ý khác là NHNN cũng quy định khắt khe đối tượng được kinh doanh vàng miếng. Theo đó, NHTM được ưu tiên kinh doanh sản phẩm này. Những nội dung còn lại cho thấy ngoài việc quy định các điều khắt khe hơn rất nhiều so với trước đó thì NHNN cũng muốn độc quyền trong việc quản lý toàn bộ các hoạt động kinh doanh vàng, kể cả vàng nữ trang và vàng mỹ nghệ.
Sau khi dự thảo Nghị định được công bố ngoài việc gây ra một cuộc tranh luận mạnh mẽ trên diễn đàn báo chí, trên thị trường vàng cũng xuất hiện những xáo trộn mạnh mẽ. Một số thương hiệu vàng không phải SJC buộc phải “đại hạ giá” do bị nhà đầu tư bán ra. Chênh lệch giữa vàng SJC với các thương hiệu khác lên đến hàng triệu đồng. Nhiều nhà đầu tư chấp nhận lỗ khi bán vàng thương hiệu khác để mua vàng SJC. Hệ quả, đã thấy rõ khi nhiều thương hiệu vàng và nhà đầu tư bị thiệt hại.
Trước hiện tượng trên NHNN liên tục đưa ra những tuyên bố nhằm “trấn an” người dân. Theo đó, thì các thương hiệu vàng khác vẫn tiếp tục được lưu hành 6 tháng sau khi Nghị định có hiệu lực. Ngoài ra, để trấn an cho những lo ngại về độc quyền của SJC, NHNN còn tuyên bố vàng SJC sẽ đổi thành vàng SBV và chịu sự quản lý trực tiếp của NHNN. Như vậy, mặc dù Nghị định chưa được Chính phủ ban hành và chưa có những quy định cụ thể nhưng NHNN vẫn đưa ra quy định không có trong dự thảo.
Nhiều người cho rằng khi SJC vào tay NHNN thì giá vàng sẽ được kiểm soát tốt hơn, người dân yên tâm hơn, ngoài ra, các doanh nghiệp khác cũng có thể gia công cho NHNN để tận dụng máy móc hiện có. Mặc dù vậy, một vấn đề không thể không đặt ra là liệu NHNN có đủ năng lực để điều hành thị trường này một cách hiệu quả không? Mối liên hệ giữa việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng và nhiệm vụ chính của NHNN là các chính sách tiền tệ như thế nào?
Thay lời kết: Từ câu chuyện hạn ngạch xuất-nhập khẩu vàng, bán vàng bình ổn giá đến Nghị định quản lý giao dịch vàng cho thấy nổi lên nhiều vấn đề. Cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào (ít ra là chưa công bố) chứng minh hiệu quả hay cơ sở vững chắc các biện pháp điều hành của NHNN so với các chính sách hiện hành nhưng NHNN vẫn đưa ra những giải pháp gây nên nhiều tranh cãi.
Ngược lại thực tế trong quá khứ đều cho thấy tình trạng bất ổn trên thị trường vàng, chênh lệch giá bán, nhà đầu tư bị thiệt hại, nhiều doanh nghiệp được cấp quota hay được bán hàng bình ổn được lợi đã thể hiện một cách rõ ràng. Trong khi đó, hiệu quả của những giải pháp mà NHNN đưa ra vẫn chưa nhìn thấy, còn nguy cơ sự độc quyền, nguy cơ nhóm lợi ích chi phối gây nên xáo trộn trên thị trường vàng đang hiện diện.
Hoàng Nam
|