Đầu tư vào hàng hóa hiện không khả quan
Ông STEVE OHANA, Giáo sư tài chính Trường Đại học ESCP Europe và Trung tâm Đào tạo về quản lý Pháp - Việt (CFVG) nhận định, hiện chưa phải là thời điểm để đầu tư vào thị trường hàng hoá.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là thời điểm để đầu tư vào thị trường hàng hoá, Giáo sư có nghĩ như vậy không?
Tài nguyên, khoáng sản dùng trong công nghiệp và các loại hàng hóa mềm (lương thực) sẽ khó lên giá mạnh trong năm tới do triển vọng phát triển kinh tế Trung Quốc và châu Âu không mấy khả quan, đồng USD đang mạnh lên so với nhiều đồng tiền khác. Chính vì thế, giá cả nhiều loại hàng hoá khó có thể tăng, thậm chí còn giảm mạnh nếu khủng hoảng khu vực đồng euro không được cứu vãn kịp thời. Vì vậy, đầu tư vào thị trường hàng hóa hiện không khả quan.
Thế còn đầu tư vào vàng thì sao? Giá vàng biến động mạnh và khó lường cũng là cơ hội cho nhà đầu tư mạo hiểm?
Giá cả hàng hoá biến động là cơ hội để đầu tư giá lên, hoặc đầu tư giá xuống. Trong vòng nửa năm trở lại đây, giá vàng biến động rất mạnh chính là cơ hội để đầu tư vào thị trường vàng. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, các nhà đầu tư thường đầu tư thông qua sàn giao dịch quốc tế có uy tín, như Comex của Mỹ chẳng hạn.
Nhà đầu tư Việt Nam từng đổ xô đầu tư vào thị trường vàng qua tài khoản (đầu tư qua sàn giao dịch vàng), nhưng hoạt động này đã bị cấm…
Khi kênh đầu tư nào đó có lợi nhuận cao, dù Chính phủ cấm, thì người ta cũng tìm cách đầu tư bằng cách này hay cách khác. Khi hoạt động đầu tư bị cấm, người ta tìm cách đầu tư chui, thì ngoài việc không thu được thuế, Chính phủ còn không quản lý được thị trường dẫn đến tình trạng lừa đảo, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Vì vậy, tôi cho rằng, thay vì cấm đầu tư vàng qua tài khoản, Chính phủ nên xây dựng các cơ chế, chính sách để quản lý đồng thời với việc lập sàn giao dịch vàng, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch cho thị trường và bảo vệ nhà đầu tư.
Trên sàn giao dịch hàng hoá của Việt Nam hiện có rất ít hàng hoá, chỉ có cao su, cà phê, sắt thép… và cũng có rất ít giao dịch được thực hiện. Theo Giáo sư, để phát triển thị trường giao dịch hàng hoá, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện những chính sách gì?
Theo tôi, Chính phủ nên hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho thị trường giao dịch hàng hoá, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tạo lập hợp đồng giao dịch lớn và công khai, minh bạch đối với giao dịch của từng loại hàng hóa. Cũng như thị trường chứng khoán, bất động sản, giao dịch trên thị trường hàng hoá phải đảm bảo tính công khai, minh bạch để cơ quan quản lý nhà nước và những người tham gia thị trường có thể giám sát mọi hoạt động trong giao dịch, qua đó mới phòng ngừa được tình trạng lũng đoạn giá.
Việc Chính phủ cấm đầu cơ trên thị trường cũng hạn chế sự phát triển của thị trường. Theo tôi, Chính phủ nên dỡ bỏ dần việc cấm đầu cơ trên thị trường hàng hoá, bởi cũng như thị trường chứng khoán, trái phiếu, thị trường hàng hóa chỉ có thể phát triển khi có một số nhà đầu cơ để tăng tính thanh khoản. Song đầu cơ dễ dẫn đến lũng đoạn, vì thế, cần có những quy định chặt chẽ đối với hoạt động này theo hướng khống chế giá trị đầu cơ không được vượt quá 20% tổng giá trị thị trường của mỗi loại hàng hoá.
Để thực hiện giao dịch trên thị trường hàng hoá, nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ 7-15% giá trị hàng hoá. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý nhà nước thay đổi tỷ lệ ký quỹ thì sẽ tác động tới giao dịch trên thị trường?
Mức ký quỹ 7-15% giá trị hàng hoá của Việt Nam không chỉ phù hợp với mức ký quỹ chung đang được nhiều sàn giao dịch hàng hoá trên thế giới thực hiện, mà còn phù hợp với tình trạng giá cả hàng hoá diễn biến mạnh như hiện nay. Sàn giao dịch hàng hoá có tính chất liên thông giữa các nước, vì thế, việc tăng hay giảm tỷ lệ ký quỹ thường không được thay đổi một cách chủ quan, mà còn phải phù hợp với mức tỷ lệ ký quỹ chung giữa các sàn giao dịch hàng hoá trên thế giới.
Mạnh Bôn
ĐẦU TƯ
|