Thứ Hai, 26/12/2011 14:34

Quỹ mở - Chưa vội mừng

Có không ít ý kiến xem Thông tư 183/2011/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở sẽ là “thần dược” cho TTCK trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng công cụ tài chính này không thể kích thích thị trường đi lên.

Giải phóng tâm lý

Thông tư 183 có các quy định về việc huy động vốn thành lập, quản lý quỹ mở, hoạt động của công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và các tổ chức khác liên quan đến hoạt động quản lý quỹ mở.

Cụ thể, khác với quỹ đóng, sau khi huy động vốn thành công, chứng chỉ quỹ của quỹ mở sẽ không niêm yết, các giao dịch mua bán chứng chỉ quỹ được thực hiện trực tiếp giữa NĐT với công ty quản lý quỹ căn cứ vào giá trị tài sản ròng (NAV) tại thời điểm thỏa thuận.

Ngoài ra, thị giá chứng chỉ quỹ mở sẽ bám sát NAV, mang lại lợi thế lớn hơn nhiều so với các quỹ đóng hiện tại như VFMVF1, VFMVF4, PRUBF1 luôn có mức chiết khấu giá 40-50% ở thời điểm hiện tại.

Quỹ mở ra đời chưa thể vực dậy được TTCK. 

Theo giới phân tích, Thông tư 183 được coi là công cụ giải phóng một phần tâm lý chờ đợi của thị trường về những giải pháp mới, những công cụ tích cực và thiết thực hỗ trợ sức cầu và thanh khoản thị trường đang rất thấp hiện nay. Khi quỹ mở đưa vào sử dụng sẽ là cơ sở cho việc thành lập các loại hình quỹ khác nhau, trong đó có quỹ đầu tư chỉ số ETF.

Quỹ mở cũng có ưu thế trong việc thu hút các nguồn lực trong nước, như hình thành các quỹ hưu trí mở, quỹ bảo hiểm và thu hút nguồn lực từ nước ngoài do linh hoạt hơn quỹ đóng khi bối cảnh kinh tế vĩ mô và TTCK thực sự thuận lợi.

Theo thống kê, các quỹ đầu tư tại Việt Nam có thể đóng theo kế hoạch trong năm 2012 với giá trị thoái vốn khoảng 24.000 tỷ đồng. Với bối cảnh thị trường hiện nay, việc rút vốn này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Do vậy, việc đưa quỹ mở vào hoạt động sẽ mở đường cho việc chuyển đổi của các quỹ, tránh được sức ép thoái vốn của các quỹ đóng theo kế hoạch.

Việc cho phép thành lập các quỹ mở (sự khác nhau duy nhất giữa một quỹ mở thông thường và quỹ ETF là quỹ ETF đầu tư dựa vào một chỉ số cụ thể) được xem là lần đầu tiên NĐT cá nhân có cơ hội mua một sản phẩm đầu tư được xây dựng dựa trên một rổ CP OTC hoặc danh mục các CP niêm yết.

Trong một nghiên cứu thị trường vừa được CTCK TPHCM (HSC) công bố, khoảng 10% NĐT cá nhân có xu hướng đầu tư dài hạn. Đây có thể coi là đối tượng tiềm năng của các quỹ mở. Ban đầu quy mô các quỹ mở có thể ở mức 25-30 triệu USD.

Chi phí quản lý một quỹ mở không chênh lệch nhiều so với chi phí quản lý một quỹ đóng, nhưng quỹ ETF sau khi được phép thành lập sẽ có chi phí quản lý quỹ thấp hơn nhiều do việc quản lý quỹ danh mục đầu tư được thiết lập dựa trên một chỉ số.

Có tăng yếu tố đầu cơ?

Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến băn khoăn về Thông tư 183. Theo CTCK BIDV (BSI), với đặc thù linh hoạt nên cơ cấu đầu tư vốn của quỹ mở không ổn định so với quỹ đóng. Dòng vốn có thể rút nhanh khỏi thị trường khi có những biến động bất lợi có thể khiến TTCK dao động giá mạnh.

Ngoài ra, với đặc điểm của TTCK Việt Nam quy mô còn nhỏ, đa số NĐT tham gia trên thị trường là NĐT cá nhân, việc xuất hiện các quỹ mở có thể thúc đẩy thêm yếu tố đầu cơ trên thị trường. Theo giới phân tích, điều kiện để áp dụng quỹ mở đạt hiệu quả tốt nhất là khi TTCK có sự phục hồi đáng kể về giá trị giao dịch.

Thanh khoản thị trường chính là những yếu tố quyết định để quá trình thành lập, huy động vốn của các quỹ mở hoặc chuyển đổi từ các quỹ đóng sang các quỹ mở được thành công và sớm diễn ra trong năm 2012.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ mới cho sự vận hành của các quỹ mở này khá phức tạp, cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng và sự hỗ trợ kỹ thuật của UBCKNN cho các quỹ khi thành lập hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động.

Do đó, UBCKNN cần sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể hơn sau khi Thông tư 183 được ban hành và các chương trình đào tạo cộng đồng cùng các thành viên TTCK.

Với việc ban hành Thông tư 183, Chính phủ đã có những động thái, tín hiệu hỗ trợ TTCK. Khi đó, NĐT sẽ có niềm tin hơn trước những thông điệp kịp thời, minh bạch của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước.

Trên thực tế, thị trường đã không phản ứng trước Thông tư 183. Theo HSC, hiện tại thị trường không quan tâm đến việc có hay không các quỹ mới được thành lập, mà chỉ quan tâm đến thanh khoản và lãi suất của hệ thống ngân hàng.

Chỉ khi mặt bằng lãi suất hạ xuống hoặc thanh khoản được cải thiện, các chỉ số mới có cơ hội bật lại. Nhiều khả năng, từ quý II hoặc quý III-2012, với khoảng 2-3 quỹ mở được cấp phép và đi vào hoạt động, TTCK mới được hưởng lợi.

Hải Hồ

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Năm 2012, sẽ cho phép phát hành chứng chỉ lưu ký (26/12/2011)

>   Tín dụng chứng khoán, sẽ có cách hiểu mới (26/12/2011)

>   Vì sao T+2 chưa được áp dụng? (18/12/2011)

>   TS Nguyễn Sơn: 4 trụ cột trong đề án tái cấu trúc TTCK (17/12/2011)

>   Đa số CTCK không đáp ứng được giao dịch T+2 (16/12/2011)

>   Bộ Tài chính ban hành Thông tư 183 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở (16/12/2011)

>   Ông Vũ Bằng: 'Giao dịch T+0 thì công nghệ và các tình huống xử lý sẽ khác xa' (16/12/2011)

>   Ông Vũ Bằng: “Năm 2012 sẽ triển khai T+2” (14/12/2011)

>   NĐT cá nhân “cõng” hơn 300 tỷ đồng thuế năm 2011 (14/12/2011)

>   Từ 1/4/2012, UBCK sẽ chính thức xếp hạng CTCK (10/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật