Ông Vũ Bằng: “Năm 2012 sẽ triển khai T+2”
UBCK đang khẩn trương hoàn chỉnh Tờ trình phương án triển khai giao dịch T+2 để dự kiến cuối năm nay sẽ trình Bộ Tài chính xem xét, quyết định. Trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, T+2 sẽ được triển khai trong năm 2012.
Thưa ông, nguyên do nào khiến không dưới một lần kế hoạch triển khai giao dịch T+2 bị trì hoãn?
Việc triển khai T+2 phụ thuộc rất lớn vào khả năng đáp ứng về hạ tầng công nghệ của các CTCK, để đảm bảo giao dịch thông suốt, an toàn. Thế nhưng, mặt bằng công nghệ của các CTCK đang có nhiều điểm yếu, không dễ đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho triển khai T+2 trong thời gian ngắn.
Gần 2 năm trước đây, sau khi UBCK họp bàn nhiều lần với các CTCK để thống nhất phương án triển khai T+2, hầu hết các đơn vị này khẳng định đã sẵn sàng cho triển khai. Thế nhưng, thực tế khi UBCK kiểm tra để chính thức triển khai, nhiều công ty đã không đáp ứng được đòi hỏi về công nghệ, nên nếu triển khai vội vàng sẽ gây rủi ro lớn cho không chỉ CTCK, mà cả NĐT, thị trường.
Tuy nhiên, nhiều NĐT và CTCK lại cho rằng, lý do chính khiến giao dịch T+2 chậm triển khai là do quy định pháp lý cũng như hạ tầng thanh toán bù trừ đa phương chưa sẵn sàng?
Trên cơ sở cân nhắc tổng thể những mặt thuận và không thuận của giao dịch T+2, cơ quan quản lý thấy rằng, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả từ phía cơ quan quản lý, tổ chức thị trường và các CTCK, thì sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho TTCK. Việc triển khai giao dịch T+2 kéo theo không ít thay đổi khá phức tạp về kỹ thuật thanh toán bù trừ đa phương mà không dễ hoàn chỉnh trong thời gian ngắn. T+2 không phải là các giao dịch chỉ đơn thuần liên quan đến 2 người mua, bán mà là nhiều người, nên cần có những phương án để xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thanh toán bù trừ đa phương. Để chuẩn bị cho việc triển khai giao dịch T+2, năm ngoái, UBCK đã cử một đoàn chuyên gia sang học tập kinh nghiệm tại Đài Loan. Kết quả khảo sát cho thấy, khi triển khai T+2 sẽ xảy ra tình huống thiếu hụt chứng khoán, nên phải có các quy định pháp lý và hướng dẫn kỹ thuật để triển khai hoạt động vay và cho vay chứng khoán.
Theo thông lệ các nước, có hai phương án để xử lý tình huống thiếu chứng khoán khi thanh toán bù trừ đa phương: vay chứng khoán từ một nguồn cụ thể để bù đắp thiếu hụt hoặc Trung tâm Lưu ký phải ứng khống một lượng chứng khoán để đảm bảo cho hoạt động thanh toán. Sau đó, đối tượng vay phải có trách nhiệm mua chứng khoán trả nợ với số lượng tương ứng. Tuy nhiên, khi ứng khống chứng khoán, bắt buộc cơ quan quản lý phải rà soát lại các quy định pháp lý liên quan, xem có căn cứ cho phép làm việc này không, làm như vậy có đảm bảo về mặt sở hữu không… Cơ quan quản lý đang tìm lời giải tối ưu cho các vấn đề này, nhằm đảm bảo khi triển khai T+2 sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường, đồng thời, giảm thiểu rủi ro.
Việc xây dựng quy định về hoạt động vay và cho vay chứng khoán phải đảm bảo các yêu cầu nào để phòng ngừa CTCK, NĐT "xù" nợ Trung tâm Lưu ký, thưa ông?
Nguy cơ thanh toán không đúng hạn là điều cơ quan quản lý rất lo ngại khi triển khai T+2. Lý do là bởi ngoài ý thức tuân thủ của các CTCK còn nhiều hạn chế, thì thực tế cho thấy, khi gặp khó khăn về thanh khoản, CTCK dễ có nguy cơ không thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho Trung tâm Lưu ký. Nếu tình huống này xảy ra mà không có biện pháp khắc phục hữu hiệu, kịp thời sẽ đe doạ đến an toàn hệ thống thanh toán. Bởi vậy, quy định pháp lý cho triển khai T+2 đang được hoàn chỉnh theo hướng làm rõ trách nhiệm thanh toán của CTCK, NĐT khi họ vay chứng khoán. Kèm theo đó là phương án dự phòng để đảm bảo hoạt động thanh toán bù trừ đa phương diễn ra thông suốt khi rơi vào tình huống CTCK thanh toán không đúng hạn.
Thưa ông, Tờ trình về phương án triển khai T+2 mà UBCK sắp trình Bộ Tài chính sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể nào, để khắc phục các cản trở trên, nhằm sớm triển khai T+2 như mong đợi của thị trường?
Tờ trình đang được UBCK khẩn trương hoàn chỉnh để trình Bộ Tài chính vào khoảng cuối năm nay. Trong đó, có 3 nội dung trọng yếu gồm: yêu cầu các CTCK có giải pháp nâng cấp công nghệ; phương án kỹ thuật phục vụ cho thanh toán bù trừ đa phương; hoàn chỉnh quy định pháp lý về vay và cho vay chứng khoán, trong đó, hoạt động này tương tự như bán khống, nhưng điểm khác biệt là vay và cho vay chỉ phục vụ cho giao dịch T+2... Trên cơ sở phương án Bộ Tài chính phê duyệt, UBCK sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các phần việc cụ thể, để khi điều kiện cho phép, sẽ triển khai giao dịch T+2 trong năm 2012 nhằm hỗ trợ thiết thực cho thị trường.
Hữu Hòe thực hiện
đầu tư chứng khoán
|