Bảo hiểm trách nhiệm CTCK bị bỏ quên
Trong khi CTCK cho rằng mức phí bảo hiểm quá cao thì DN bảo hiểm lại e ngại rủi ro lớn từ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán.
Do đó, bảo hiểm trách nhiệm cho CTCK hầu như bị bỏ quên, dù đã được quy định trong Luật và hậu quả là NĐT phải chịu thiệt thòi.
Theo quy định tại điểm 7, Điều 71, Luật Chứng khoán, CTCK phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty hoặc trích lập quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty. Tuy nhiên, phần đông các CTCK chưa thực hiện việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, đi ngược lại quy định pháp luật cũng như mong muốn tài sản được bảo đảm của nhiều NĐT.
Còn nhớ, năm 2007, thị trường ghi nhận nỗ lực của công ty môi giới bảo hiểm Gras Savoye Willis Vietnam trong việc giới thiệu sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm cho CTCK.
Khi đó, đại diện của Gras Savoye Willis cho rằng, hình thức bảo hiểm này sẽ giúp CTCK tạo được niềm tin nhất định đối với các NĐT. Bởi nếu CTCK đứng ra mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thì khi xảy ra rủi ro, khách hàng của CTCK sẽ được bồi thường.
Tuy đây là sản phẩm bảo hiểm dành cho các CTCK nhưng lại bảo vệ quyền lợi của các NĐT. Kết quả là, Gras Savoye Willis đã thu xếp thành công hợp đồng bảo hiểm giữa một CTCK và một DN bảo hiểm. Tuy nhiên, sau 1 năm, khi hết hạn, hợp đồng này đã không thể tái tục vì bên mua (CTCK) cho rằng, việc mua bảo hiểm trách nhiệm đã không đạt được lợi ích về quảng bá thương hiệu như mong đợi.
Được biết, năm nay, Gras Savoye Willis đã tư vấn thêm 2 hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm cho CTCK. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ bé so với hơn 100 CTCK có mặt trên thị trường.
Việc chỉ có một số ít CTCK mua bảo hiểm trách nhiệm, theo như phân tích của lãnh đạo một công ty bảo hiểm, không chỉ do sự thờ ơ của hầu hết CTCK, mà còn bắt nguồn từ việc các DN bảo hiểm không mấy mặn mà với dịch vụ bảo hiểm này.
Lãnh đạo CTCK Bảo Việt cho biết, ông chưa từng nhận được một đơn chào hàng, tiếp thị nào đối với sản phẩm này, do đó, chưa thể nhận xét gì. Ngay cả Bảo hiểm Bảo Việt, đơn vị cùng Tập đoàn với CTCK Bảo Việt cũng chưa cung cấp sản phẩm này.
Trong khi đó, một CTCK có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 49% muốn mua bảo hiểm, nhưng lại vấp phải rào cản về phí.
3 loại hình bảo hiểm cơ bản dành cho các CTCK
1. Loại hình bảo hiểm bảo vệ những hoạt động hàng ngày của CTCK như: mất chứng từ trong quá trình vận chuyển, bị đánh cắp chứng từ.
2. Loại hình bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm cho CTCK khi nhân viên của họ làm sai nghiệp vụ, như đầu tư không đúng theo yêu cầu của khách hàng, sử dụng tài khoản của khách hàng để trục lợi, tư vấn sai lệch.
3. Loại hình bảo hiểm dành cho nhà quản lý trước những quyết định đầu tư, quản lý hoặc họ có những quy trình không đúng với quy định của pháp luật… |
Theo đại diện công ty này, đối tác góp vốn nước ngoài yêu cầu phải mua bảo hiểm, nhưng do thị trường Việt Nam bị đánh giá có độ rủi ro cao nên mức phí bảo hiểm đưa ra cũng rất cao, lên tới con số hàng tỷ đồng. Bởi vậy, công ty này đã chọn cách trích lập 5% lợi nhuận sau thuế cho Quỹ bảo vệ NĐT.
Trích quỹ cũng là cách thức nhiều CTCK lựa chọn thay vì mua bảo hiểm, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều CTCK gặp khó khăn tài chính. Khi mua bảo hiểm, lợi ích của NĐT sẽ được đảm bảo hơn, nhưng CTCK sẽ phải chịu một khoản chi phí hàng năm. Trong khi trích quỹ, nếu không xảy ra khiếu nại dẫn đến phải đền bù cho NĐT thì tiền vẫn nằm trong quỹ của CTCK.
Ngoài ra, theo đại diện của Gras Savoye Willis, do các CTCK thường có một số hoạt động kinh doanh mang tính tự phát, chưa được pháp luật quy định, nên bản thân CTCK lo sợ rằng, nếu mua bảo hiểm, khi xảy ra tổn thất, việc giám định bồi thường sẽ làm lộ thông tin hoạt động của CTCK.
Về phía DN bảo hiểm, theo ông Phùng Đắc Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đã có thời, một số DN rất hào hứng tiếp thị sản phẩm này. Tuy nhiên, do khối CTCK không mấy mặn mà, việc chào hàng không đạt kết quả đã khiến DN bảo hiểm nản chí và hầu như không triển khai nữa.
Đến nay, trên thị trường, chỉ có một số DN bảo hiểm nước ngoài như ACE, Chartis, Liberty International… đang cung cấp bảo hiểm trách nhiệm CTCK do họ đã có kinh nghiệm hoạt động từ thị trường quốc tế.
Đối với DN bảo hiểm Việt Nam, việc đưa ra sản phẩm này khá khó khăn bởi thiếu cơ sở dữ liệu để tính toán mức độ rủi ro, mức phí đối với mỗi nghiệp vụ tại CTCK và nghiệp vụ này đòi hỏi nhân lực có trình độ cao. Đặc biệt, trong tình hình tài chính của khối CTCK đang có vấn đề như hiện nay, các DN bảo hiểm càng ngại ngần.
Được biết, bảo hiểm nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán có mức phí thay đổi tùy thuộc vào quy mô vốn, quy mô nhân sự của CTCK, hạn mức trách nhiệm (giới hạn bồi thường khi xảy ra tổn thất). Trong trường hợp giới hạn bồi thường khi xảy ra tổn thất cao nhất là 1 triệu USD, mức phí khoảng 10.000 - 20.000 USD.
Bùi Trang
Đầu tư chứng khoán
|