Thứ Tư, 30/11/2011 16:12

Quỹ đầu tư: Đóng hở, mở kín

Năm 2013 sẽ là thời điểm kết thúc hoạt động của nhiều quỹ đầu tư, nhưng thực tế việc nhà đầu tư (NĐT) có thể thu hồi vốn lại không đơn giản và nguy cơ mất trắng tài sản không phải là không có.

Từ lời hứa quỹ mở

Hồi tháng 3 năm nay, tại đại hội NĐT thương niên của các quỹ đầu tư dạng đóng, vấn đề chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình quỹ mở đã được nhắc đến rất nhiều.

Khi đó, ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), cũng tuyên bố có ý định chuyển các quỹ do mình quản lý sang quỹ mở.

Một số quỹ đầu tư khác cũng tuyên bố nếu cổ đông muốn chuyển sang quỹ mở thì các quỹ sẽ làm. Nhưng đến bây giờ vẫn không thấy một sự chuyển biến nào cả. Nguyên nhân vì đâu?

Việc chuyển từ quỹ đóng sang quỹ mở có thể hỗ trợ NĐT rút vốn “sát” với giá trị tài sản ròng (NAV) hơn. Ví dụ: Chứng chỉ quỹ (CCQ) A có NAV 6.000 đồng/CCQ hiện đang giao dịch với giá 4.000 đồng/CCQ.

Nếu A là quỹ đóng, NĐT muốn thu hồi vốn sẽ phải bán CCQ cho NĐT khác trên thị trường với giá 4.000 đồng/CCQ, nhưng nếu A là quỹ mở, NĐT có thể bán CCQ cho chính quỹ đó với số tiền đương đương 6.000 đồng/CCQ.

Thực tế, với tình hình chung của TTCK hiện nay, cộng với hoạt động yếu kém của các quỹ, sự thất vọng của NĐT là không thể tránh khỏi và ý định rút vốn cũng là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, các công ty quản lý quỹ huy động vốn lúc này là điều bất khả thi, liệu có muốn để cho những quỹ mình đang quản lý bị rút vốn nữa hay không? Không khó để trả lời cho câu hỏi này.

Giờ đây, nếu đặt lại vấn đề này đối với những người quản lý quỹ đầu tư, thế nào cũng sẽ có những lời biện minh, đổ thừa vì lý do này kia nên việc chuyển đổi không thể thực hiện.

Nhưng nói mà làm không được cho dù bất cứ lý do gì, cũng coi như hứa hão. Tuyên bố chuyển đổi sang quỹ mở có vẻ như mang tính chất “đấu dịu” với NĐT hơn là thực tế.

Đến rào cản tài sản

Trên sàn chứng khoán có khá nhiều doanh nghiệp trước đây đã bỏ vốn vào một số quỹ đầu tư. Nhưng qua một số động thái, có thể thấy họ kiên quyết và sẵn sàng... rút vốn khi có cơ hội.

Theo quy trình, khi kết thúc hoạt động, quỹ đầu tư sẽ bán tài sản, thu tiền về và trả lại cho NĐT. Cũng chính vì vậy, nút thắt nằm ở chất lượng tài sản của quỹ mà cụ thể là tính thanh khoản.

Nếu quỹ đầu tư sở hữu tài sản có thanh khoản tốt, tất nhiên NĐT sẽ rút tiền về nhanh, nhưng ngược lại, nếu là những khoản đầu tư kém hiệu quả thì khả năng thu hồi vốn về có thể kéo dài.

Trưởng phòng đầu tư của một quỹ lớn cho biết, một số quỹ có thể sẽ họp đại hội nhà đầu tư trước 6 tháng và đưa ra biểu quyết, nếu không kéo dài hoạt động thì sẽ tiến hành bán ra tài sản trong thời gian này.

Tuy nhiên, nếu thị trường không thuận lợi, chất lượng tài sản kém, thời hạn thanh lý tài sản có khi kéo dài từ 1 - 2 năm. Nói như vậy để thấy rằng, không phải cứ đến hạn kết thúc hoạt động quỹ là tiền ai có thể về nhà nấy, mà còn có thể dây dưa rất lâu nữa, lâu bao nhiêu NĐT lỗ bấy nhiêu.

Những quỹ đầu tư vào các ngành như ngân hàng, bảo hiểm, thực phẩm... vốn được NĐT nước ngoài đánh giá cao có thể thanh lý dễ dàng. Nhưng với những quỹ giải ngân nhiều vào doanh nghiệp bất động sản, dự án... thì khả năng thu hồi vốn còn phụ thuộc vào thị trường BĐS.

Thậm chí, có trường hợp, để đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn, NĐT còn thỏa thuận thưởng cho các người điều hành quỹ nếu thanh lý tài sản trong một thời gian ngắn.

Điều này nếu xảy ra trong thời gian tới thì quả thật ngặt nghèo, vì không ít quỹ đầu tư đã thua lỗ do sai lầm từ đội ngũ điều hành. Nhưng NĐT giờ lại phải chịu lụy chính những “tội đồ” như vậy để lấy lại đồng vốn ít ỏi của mình.

Trường hợp tài sản quá xấu, không thể tiến hành thanh lý, xem như NĐT mất trắng cho khoản này. Ví dụ: Quỹ thông báo NAV 10 đồng, trong đó có 3 đồng là tài sản hầu như không có khoản, thì coi như NĐT chỉ nhận về 7 đổng.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, nhận định: “Trong trường hợp này, NĐT có thể kiện lãnh đạo quỹ, nhưng thực chất cũng chỉ là đẩy nhanh tiến độ thanh lý. Còn nếu tiếp tục bán không được thì NĐT có thể mất trắng”.

Có lẽ khi bỏ tiền vào quỹ, NĐT không nghĩ đến cảnh có ngày phải chờ đợi để rút vốn theo kiểu “đau khổ” như vậy! Nhiều người đã nói vui rằng, không có gì “an toàn” hơn chuyện quỹ đầu tư huy động tiền vì huy động thì dễ, nhưng trả về thì... khó.

Lâm Anh

DOANH NHÂN SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   Thuế chuyển nhượng CK: Nhà đầu tư nước ngoài bị “oan” (27/11/2011)

>   Dự thảo thành lập quỹ BĐS bó quá chặt (25/11/2011)

>   Việt Nam sẽ có hầu hết các sản phẩm quỹ đầu tư chính (25/11/2011)

>   Nhà đầu tư nước ngoài “kêu cứu” (24/11/2011)

>   Quỹ đầu tư BĐS được đầu tư tối thiểu 65% NAV vào BĐS (24/11/2011)

>   Bộ Tài chính sẽ dần gỡ khó cho thuế CK (24/11/2011)

>   TTCK ngóng 5 giải pháp cấp bách (22/11/2011)

>   Chủ tịch UBCK: Công khai thông tin để bảo vệ nhà đầu tư (19/11/2011)

>   Tuần này, UBCK sẽ làm việc với công ty chứng khoán yếu kém (17/11/2011)

>   UBCKNN công bố giải pháp đối với TTCK từ nay đến hết 2012 (16/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật