Nhà đầu tư nước ngoài “kêu cứu”
Vừa qua, một số nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã “cầu cứu” với các cơ quan quản lý Việt Nam về việc bị đóng thuế với mức quá cao đối với việc chuyển nhượng CK tại các CTCP không đại chúng theo tinh thần Công văn 12501/BTC–CST ngày 20-9-2010 của Bộ Tài chính. Về việc này, Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI) đã phân tích công văn này nhằm tháo gỡ khó khăn cho NĐTNN như sau:
Đại chúng hay không vẫn là CTCP
Điểm 1 của Công văn 12501 có quy định: Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng cổ phần trong các công ty đại chúng theo quy định của Luật CK, tức chuyển nhượng CK sẽ được áp dụng quy định về thuế đối với chuyển nhượng CK. Ngược lại, tổ chức, cá nhân chuyển nhượng cổ phần trong các CTCP không thuộc trường hợp nêu trên áp dụng quy định đối với hoạt động chuyển nhượng vốn.
Từ cách phân biệt như trên, Công văn 12501 quy định NĐTNN (không thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam) phải đóng thuế chuyển nhượng vốn theo dạng công ty không đại chúng với thuế suất 25%, còn với công ty đại chúng là 0,1%/doanh thu.
|
NĐTNN tại một sàn chứng khoán. |
Cách phân biệt như trên là không có cơ sở pháp lý, không logic nếu theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp và Luật CK.
Cụ thể, Điểm 1 Điều 6 của Luật CK đưa ra khái niệm về CK: “CK là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản và phần vốn của tổ chức phát hành. CK được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
Theo Điều 25 của Luật CK, công ty đại chúng chỉ khác công ty không đại chúng ở số lượng cổ đông (trên hoặc dưới 100 cổ đông), còn về bản chất vẫn là CTCP. Khi NĐT thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tức là thực hiện việc chuyển nhượng CK.
Còn về khái niệm “chuyển nhượng vốn” theo đúng nghĩa và thực tế hoạt động là việc chuyển nhượng vốn góp theo hợp đồng hợp tác đầu tư, theo liên doanh chứ không thể diễn đạt trong chuyển nhượng cổ phần.
Trên thực tế, NĐT gián tiếp nước ngoài thường rất đa dạng về mô hình tổ chức và tính chất hoạt động. Đa phần là huy động vốn và thành lập pháp nhân ở nước ngoài.
Họ có thể hoạt động thường xuyên và không thường xuyên ở Việt Nam, có thể hoạt động ở nhiều quốc gia và hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực. Thông lệ quốc tế phổ biến để đánh thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng CK là dùng phương pháp thuế khoán tính trên tổng giá bán (như hiện nay đang áp dụng là 0,1%/tổng giá bán).
Trong khi đó, Công văn 12501 lại đặt vấn đề tính thuế chuyển nhượng với thuế suất 25% cho từng giao dịch thì làm sao có thể tính được toàn bộ chi phí: bao gồm chi phí chênh lệch tỷ giá đối với toàn bộ vốn đầu tư cho nhiều mã CK, chi phí hoạt động cho toàn bộ quỹ, chi phí trích lập dự phòng cho toàn bộ quỹ.
Lỗ cũng phải đóng thuế?
Hiện nay có những quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Khoảng 90% vốn đầu tư của quỹ đang thua lỗ do tới 90% doanh nghiệp được đầu tư bị thua lỗ, không có lãi. Đồng thời quỹ đầu tư này cũng bị thua lỗ về chênh lệch tỷ giá lớn, chỉ có vài doanh nghiệp đầu tư có lãi.
Nếu đặt vấn đề thu 25% thuế trên chênh lệch giá bán giá mua (hầu như không tính được các loại chi phí khác) làm sao đủ bù đắp cho tất cả các giao dịch thua lỗ. Bên cạnh đó, có những quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có mục tiêu đầu tư vào các CP niêm yết và chưa niêm niết, vào CP của doanh nghiệp tư nhân (không phải công ty đại chúng).
Trong bối cảnh TTCK Việt Nam hiện nay, toàn bộ danh mục đầu tư vào CP niêm yết đều thua lỗ. Giả sử có vài doanh nghiệp chưa phải công ty đại chúng có lãi và NĐTNN thực hiện việc bán cổ phần thì việc tính thuế suất 25% liệu có trang trải được tất cả các khoản thua lỗ khác?
Qua phân tích ở trên, quy định tính thuế cho NĐTNN theo Công văn 12501 là bất hợp lý ở cả về mặt đạo lý lẫn phương diện pháp lý, rất mong Bộ Tài chính nhanh chóng tiếp thu sửa đổi. Thực tế, đã có một số NĐTNN phải đóng thuế chuyển nhượng CK với thuế suất 25% (từ chênh lệch giá bán và giá mua).
Thời gian tới đây, khi nhiều quỹ đến thời hạn thoái vốn để đóng quỹ thì vấn đề này sẽ trở nên rắc rối và gây mất niềm tin lớn của NĐTNN vào thị trường vốn Việt Nam.
Trong 2 năm qua, hầu như không có quỹ đầu tư mới nào vào Việt Nam. Bản thân các công ty quản lý quỹ nước ngoài hoạt động lâu năm tại thị trường Việt Nam cũng không thể huy động được vốn. Một trong những yếu tố đó là sự thay đổi về chính sách thuế đối với NĐT gián tiếp nước ngoài.
Hải Hồ (ghi)
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|