Ông Vũ Bằng: 'Giao dịch T+0 thì công nghệ và các tình huống xử lý sẽ khác xa'
Thị trường chứng khoán suy giảm, cùng với đó nguồn tiền cũng trở nên cạn kiệt, giải pháp hỗ trợ thanh khoản thị trường hữu hiệu và được tất cả các thành viên chờ đợi nhiều nhất đó là việc rút ngắn thời gian giao dịch xuống còn T+2.
Song, mặc dù đề án này đã được nghiên cứu và đề cập đến rất nhiều, nhưng vẫn còn gặp những yếu tố vướng mắc, do vậy ông Vũ Bằng, Chủ tích Ủy ban chứng khoán cho biết sẽ phải rời đề án sang đến năm sau.
- Được biết đề án rút ngắn thời gian giao dịch T+2 đã được Ủy ban đề xuất từ khá lâu và đây cũng là nguyện vọng lớn của tất cả các thành viên thị trường, vậy ông cho biết thời điểm nào thị trường chứng khoán có thể triển khai ngày giao dịch xuống còn T+2?
Ông Vũ Bằng: Từ hai năm trước, Ủy ban Chứng khoán đã họp bàn nhiều lần với các công ty chứng khoán để thống nhất phương án triển khai T+2 và các đơn vị đều khẳng định đã sẵn sàng. Tuy nhiên, thực tế khi Ủy ban đi vào kiểm tra chính thức thì nhiều công ty vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, nên nếu triển khai vội vàng sẽ gây rủi ro lớn cho thị trường chứng khoán.
Hiện tại, Ủy ban đã có phương án triển khai T+2 trình Bộ Tài chính, nhưng vấn đề thực hiện vẫn có khó khăn từ phía các công ty chứng khoán. Trong điều kiện nhiều công ty chứng khoán đang có khó khăn về tài chính, thì việc nâng cấp công nghệ là vấn đề lớn đối với họ.
Thêm vào đó, cần phải lường trước các tình huống khi triển khai T+2 sẽ xảy tình trạng thiếu hụt chứng khoán, do đó các thành viên của thị trường từ cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để để đảm bảo giao dịch được thông suốt và an toàn.
Ủy ban rất quyết tâm và sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm sau.
Mới đây, một số chuyên gia và đại diện công ty chứng khoán cho rằng tại sao Ủy ban không cho phép rút ngắn hẳn thời gian thanh toán xuống T+0, bởi quá trình xử lý công nghệ không khác nhiều so với việc chỉ rút ngắn xuống T+2, ông có ý kiến gì về điều này?
Ông Vũ Bằng: Đây là vấn đề lớn và không chỉ xem xét trên một vài khía cạnh, bởi thực tế giao dịch T+0 thì công nghệ và các tình huống xử lý sẽ khác xa hơn nhiều so với T+2.
Theo thông lệ quốc tế, hầu hết các thị trường vẫn đang thực hiện thanh toán bù trừ theo T+3, ở Việt Nam giao dịch T+3 thành T+4 là bởi vì mình chưa có giao dịch buổi chiều.
Theo yêu cầu của thị trường đòi hỏi rút giao dịch T+2 cũng cần phải hợp với các nhà đầu tư quốc tế, bởi trung tâm lưu ký toàn cầu họ đối chiếu chưa kịp. Hiện, duy chỉ có thị trường Trung Quốc các cổ phiếu chưa có yếu tố nước ngoài thì giao dịch T+2, còn cổ phiếu có yếu tố nước ngoài vẫn là T+3.
- Thưa ông, phương án T+2 cần phải chú trọng, giải quyết những vấn đề gì để có thể triển khai sớm?
Đề án tập trung vào 3 nội dung chính, các công ty chứng khoán có giải pháp nâng cấp công nghệ, các thành viên hoàn thành phương án kỹ thuật phục vụ cho thanh toán bù trừ đa phương và hoàn chỉnh quy định pháp lý về vay và cho vay chứng khoán.
Cần phải có những giải pháp tối ưu cho các vấn đề này, nhằm đảm bảo khi triển khai T+2 sẽ được an toàn và có thể hỗ trợ tích cực cho thị trường./.
Theo Linh Chi
Vietnam+
|