Thứ Sáu, 16/12/2011 21:52

Đa số CTCK không đáp ứng được giao dịch T+2

Trung tâm Lưu ký cho biết, chỉ có khoảng 50% số CTCK là đáp ứng yêu cầu hoàn thành giai đoạn chạy thử nghiệm kết nối giao dịch T+2, phần còn lại vẫn chưa đáp ứng được.

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), ông Vũ Bằng cho biết, cơ quan này đang khẩn trương hoàn chỉnh tờ trình phương án triển khai giao dịch T+2 để trình Bộ Tài chính phê duyệt vào cuối năm nay. Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng, nếu cơ quan quản lý đã đặt vấn đề giảm đến T+2 thì nên tính đến việc giảm xuống T+0 cho đỡ phải cải tổ thêm một lần nữa.

Trả lời phỏng vấn ĐTCK mới đây, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt cho rằng, nên tính đến việc giảm thời gian giao dịch từ T+3 (mà thực chất là T+4) xuống T+0 thay vì T+2, vì về kỹ thuật, hai phương án này có độ phức tạp tương đương, thậm chí phương án T+0 có thể sẽ đỡ phức tạp hơn là T+2.

Cũng theo ông Hòa, nếu phương án T+0 được thực hiện sẽ không chỉ làm cho dòng tiền chu chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản, tăng hiệu quả hoạt động trên thị trường cổ phiếu, mà còn có thể khích lệ các dòng vốn lớn đầu tư vào thị trường, giúp TTCK Việt Nam hoạt động cân bằng hơn.

Đồng quan điểm trên, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho biết, HSC đã kiến nghị cơ quản quản lý áp dụng nghiệp vụ này từ lâu nhằm tạo tính thanh khoản, cũng như đảm bảo tính công bằng cho các nhà đầu tư.

Việc giảm thời gian giao dịch từ T+4 xuống còn T+2 chỉ là bước đệm cho việc giảm xuống T+0, vì vậy, nên chăng tính đến việc giảm xuống T+0 luôn. Với HSC, hệ thống công nghệ của Công ty luôn sẵn sàng cho việc giảm thời gian giao dịch, dù là T+2 hay T+0.

Trên thực tế, vấn đề giảm thời gian giao dịch đã đưa ra bàn thảo từ lâu, nhưng chưa thể thực hiện được do lo ngại rủi ro từ khối CTCK. Tuy nhiên, theo ông Johan Nyvene, nếu CTCK tự chủ động và quản lý được rủi ro thì sẽ thực hiện tốt nghiệp vụ  này.

Ông Nghiêm Trung Hiếu, Giám đốc công nghệ thông tin, CTCK Tân Việt (TVSI)  cho rằng, trước hết, hãy nhìn ra TTCK các nước phát triển và cả thị trường các nước trong khu vực, họ đã triển khai giao dịch T+0 từ lâu.

Tại Việt Nam, thực tế phần mềm công nghệ mà các CTCK đang áp dụng hầu hết đều được mua từ nước ngoài, nên sẽ đáp ứng được yêu cầu của việc giảm thời gian giao dịch. Thậm chí, nhiều CTCK còn phải điều chỉnh công nghệ theo hướng "lạc hậu" hơn để phù hợp với TTCK Việt Nam.

Theo ông Hiếu, hiện nay, không phải 100% CTCK đều có hệ thống công nghệ có thể đáp ứng được nghiệp vụ giảm thời gian giao dịch đến T+0, song nếu chỉ vì số ít CTCK không đủ điều kiện mà "đình trệ" nghiệp vụ này thì không nên.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên tính đến việc giảm thời gian giao dịch xuống T+0 thay vì làm bước đệm T+2 - Ảnh: Hoài Nam

"Tốt nhất là giảm thời gian giao dịch xuống còn T+0, nếu không thì từng bước giảm từ T+2 xuống còn T+0. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở hệ thống của Trung tâm Lưu ký (VSD) có đáp ứng cho việc triển khai T+0 hay không, vì nó liên quan đến quản lý thanh toán bù trừ, liên quan đến vấn đề sửa lỗi giao dịch… Do vậy, nếu CTCK cam kết với khách hàng sẽ chịu trách nhiệm khi xảy ra các rủi ro trong giao dịch thì may ra mới thực hiện được việc giảm thời gian thanh toán", ông Hiếu nói.

Trên thực tế, không chỉ các CTCK mà các nhà đầu tư rất mong muốn được giảm thời gian giao dịch xuống còn T+0. Hiện tại, trên thị trường, vẫn có một số CTCK "lách luật" cho khách hàng được vay chứng khoán để bán ngay sau khi mua (bản chất là nghiệp vụ T+0) gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, nên nếu cơ quan quản lý cho áp dụng đồng bộ thì sẽ tránh được tình trạng này.

Trả lời về vấn đề hệ thống công nghệ của VSD có đáp ứng được việc giảm thời gian giao dịch xuống còn T+0 hay không, đại diện Trung tâm cho biết, việc giảm thời gian giao dịch xuống T+2 hay T+0 trước hết phải xuất phát từ chủ trương của cơ quan quản lý. Bởi chưa đi vào thực hiện thì khó có thể nói rằng phương án T+2 hay T+0, phương án nào phức tạp hơn, vì thực hiện phương án nào thì VSD cũng phải viết lại phần mềm kết nối giao dịch.

Hơn nữa, điều đáng nói là trong một vài đợt test phần mềm hệ thống mới, chỉ có khoảng 50% số CTCK là đáp ứng yêu cầu hoàn thành giai đoạn chạy thử nghiệm kết nối giao dịch T+2, phần còn lại vẫn chưa đáp ứng được. Ngay cả vấn đề sửa lỗi giao dịch hiện nay các CTCK vẫn chưa đi đến thống nhất…

Thực tế này cho thấy, cơ quan quản lý thị trường và VSD vẫn đang đi tìm lời giải cho bài toán T+2 và việc này đã tiêu tốn rất nhiều thời gian. Nếu phải giải thêm bài toán T+0 thì thị trường sẽ lại phải mất thêm nhiều thời gian chờ đợi.

Hải Vân

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính ban hành Thông tư 183 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở (16/12/2011)

>   Ông Vũ Bằng: 'Giao dịch T+0 thì công nghệ và các tình huống xử lý sẽ khác xa' (16/12/2011)

>   Ông Vũ Bằng: “Năm 2012 sẽ triển khai T+2” (14/12/2011)

>   NĐT cá nhân “cõng” hơn 300 tỷ đồng thuế năm 2011 (14/12/2011)

>   Từ 1/4/2012, UBCK sẽ chính thức xếp hạng CTCK (10/12/2011)

>   VASB đề xuất sáp nhập hai sở giao dịch chứng khoán (10/12/2011)

>   VASB kiến nghị CTCK chỉ được chọn môi giới hoặc đầu tư (08/12/2011)

>   “Món nợ” chính sách và lời hứa của UBCK (08/12/2011)

>   Siết hoạt động công bố thông tin của DN niêm yết (07/12/2011)

>   Bảo hiểm trách nhiệm CTCK bị bỏ quên (07/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật