Quy chế mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng: Dọn đường?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 59/2006/QĐ-NHNN ban hành Quy chế mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng. Đây được coi là một động thái cần thiết mở đường cho chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế cũng như tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng và DN, đặc biệt là các DNNN. Đồng thời góp phần giải quyết những vướng mắc tồn tại mà chính ngành ngân hàng đang gặp phải.
Dự thảo Thông tư không quy định bên mua là cá nhân, vì thực tế hầu như không phát sinh hoạt động mua, bán nợ giữa tổ chức tín dụng với cá nhân, đồng thời để góp phần đảm bảo khả năng, trách nhiệm quản lý khoản vay khi bên mua thực hiện mua khoản nợ về. Để đảm bảo tăng trách nhiệm của các bên tham gia mua, bán khoản nợ, dự thảo bổ sung nguyên tắc “Các bên liên quan đến giao dịch mua, bán nợ phải đảm bảo nhận thức đầy đủ các rủi ro khi tham gia giao dịch mua, bán nợ và tự chịu trách nhiệm trong các quyết định liên quan đến giao dịch mua, bán nợ”; Dự thảo Thông tư quy định bên mua nợ khi mua khoản nợ sẽ trở thành người cho vay đối với bên nợ để đảm bảo bên mua nợ sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật về cấp tín dụng...
Theo số liệu thống kế, tính đến hết tháng 8, nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức trên 76 nghìn tỉ đồng. Điều đáng lo là từ đầu năm đến nay, nợ xấu liên tục tăng, nếu so với thời điểm tháng 8/2010 thì nợ xấu đã tăng từ mức 2,53% lên 3,21%. Trong tổng số nợ xấu trên 76 nghìn tỉ đồng nói trên thì cơ cấu nợ nhóm 3 chiếm 30,18%, nhóm 4 chiếm 20,53% và nhóm 5 chiếm trên 49%. Theo quyết định 493 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro thì nợ nhóm 5 là “nợ có khả năng mất vốn”. Điều đó đồng nghĩa, các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất trắng khoảng 37,2 nghìn tỉ đồng.
Bên cạnh đó thị trường bất động sản cũng đang ở trong giai đoạn khó khăn, theo thống kê của ngân hàng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011 dư nợ tín dụng bất động sản là 245 nghìn tỉ đồng, tương đương 10% tổng dư nợ. Trong số đó tỉ trọng nợ xấu chiếm một phần không nhỏ.
Theo các chuyên gia, hiện hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán nợ còn rất thiếu và yếu, DN đang bị kẹt trong thế khó mua, khó bán.
Hy vọng rằng với dự thảo Thông tư mới của Ngân hàng nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động mua bán nợ phát triển góp phần lành mạnh hóa tài tài chính cho các DN cũng như tổ chức tín dụng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc lại hệ thống DN cũng như nền kinh tế.
Phan Nam
Diễn đàn doanh nghiệp
|