Co kéo nguồn vốn ngân hàng
Xoay xở để cân đối nguồn vốn đầu vào - đầu ra trong năm 2012 vẫn là bài toán còn nhiều ẩn số đối với các ngân hàng. “Chúng tôi phải đối mặt với hiện tượng tiền huy động giảm, nhưng tìm khách hàng đủ tiêu chuẩn để cho vay lại không hề dễ”, lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh lớn nói với TBKTSG.
Đầu vào cạn kiệt
Huy động vốn được các ngân hàng dự báo sẽ căng thẳng từ đây đến ít nhất nửa đầu năm 2012. Tham khảo ngẫu nhiên ở năm ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy tất cả đều không đạt chỉ tiêu huy động vốn 2011.
Tỷ lệ người rút tiền khỏi ngân hàng nhiều nhất không phải cá nhân mà là doanh nghiệp. Giá vốn cao, các doanh nghiệp rút tiền gửi về kinh doanh. Còn ngân hàng thì vừa huy động khó khăn, vừa không thể tìm đủ khách hàng có chất lượng để cho vay. “Chúng tôi có lời mời các doanh nghiệp quản lý tốt và kinh doanh hiệu quả vay nhưng đa số họ không muốn vay trong tình hình giá vốn cao như hiện nay”, vị lãnh đạo ngân hàng nói trên cho biết.
Các kênh huy động vốn truyền thống cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Trước đây, việc cấp phép mở chi nhánh cho các NHTM gần như xin gì được nấy, nay đã khác. Từ đầu năm 2011, đề nghị xin mở chi nhánh của các ngân hàng được nâng lên hạ xuống nhiều hơn. Số lượng chi nhánh mới được cho phép mở ra trong năm 2011 chỉ bằng một nửa so với trung bình năm năm qua.
Đại diện một ngân hàng khác cho biết, thời gian qua có hiện tượng các ngân hàng cho vay vốn quay vòng lẫn nhau. Ngân hàng A huy động vốn, cho ngân hàng B vay lại, và ngân hàng B lại cho ngân hàng C vay lại. Bảng tổng kết tài sản của một số ngân hàng vì thế phồng lên nhưng không thực chất. Thời gian tới chắc chắn cơ quan quản lý sẽ kiểm tra kỹ việc này. Thêm vào đó, để chuẩn bị cho nhu cầu vốn cuối năm, các ngân hàng lớn đã giảm hạn mức tín dụng đồng thời tăng lãi suất chào thầu cho vay vốn liên ngân hàng.
Các ngân hàng, không còn phân biệt ngân hàng quốc doanh hay cổ phần, đều đang xác định huy động vốn là nhiệm vụ trọng tâm trong hai tháng cuối năm 2011 và đầu năm tới.
Tăng trưởng tín dụng, bao nhiêu là vừa?
Đầu vào căng thẳng, đầu ra cũng không dễ dàng. Một trong các thách thức của đầu ra tín dụng năm tới là các ngân hàng phải tập trung vào chất lượng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định chủ trương điều hành tăng trưởng tín dụng 15-17% trong năm 2012. Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011, theo Thống đốc NHNN, khoảng 15% kể cả những khoản đầu tư có bản chất tín dụng. Theo các chuyên gia, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dù đã giảm mạnh nhất trong 15 năm qua nhưng chất lượng tín dụng vẫn còn rất “loãng”.
Trao đổi với TBKTSG mới đây, TS. Vũ Thành Tự Anh nói không có tiêu chuẩn nào cho tăng trưởng tín dụng cũng như quy định tỷ lệ này phải gấp ba lần GDP như tuyên bố của cơ quan quản lý. Ví dụ như Trung Quốc, tăng trưởng tín dụng các năm qua chỉ trên 20% nhưng GDP tăng tới 10%. Nhưng TS. Tự Anh cũng cho rằng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 15-18% là tương đối an toàn về vĩ mô bởi dưới 15% sẽ thiếu hụt về nguồn cung và trên 18% sẽ gây ra các mối lo về nợ xấu và lạm phát. Theo ông, hạ thấp GDP cũng như tăng trưởng tín dụng, nói cho cùng, chỉ là biện pháp kỹ thuật bởi cái cần làm hơn là hiệu quả của các nguồn vốn này. Chính sách tiền tệ, do đó, cần tinh chỉnh hơn, trừng phạt hiệu quả hơn và không cào bằng theo kiểu “một người đau bắt cả làng uống thuốc”. |
Những hệ lụy của sự nới lỏng tín dụng nhiều năm trước bộc lộ ngày càng rõ. Đại diện một ngân hàng cho TBKTSG biết, trên thị trường đang có một số ngân hàng rao bán các khoản nợ khó đòi. Theo nguồn tin của chúng tôi, một ngân hàng TMCP tại TPHCM có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống, 26,5%, trong khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là trên 10% suốt hai năm nay và chưa có dấu hiệu giảm xuống (khoảng 4.000 tỉ đồng). Một nhóm năm ngân hàng khác có tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 9-2011 vào khoảng 16-18%, đang duy trì tỷ trọng tín dụng/tổng tài sản ở mức trung bình và thấp, dưới 40%. Với tỷ lệ an toàn vốn như trên, cộng với sự siết lại về tăng trưởng tín dụng năm 2012, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng sẽ khó mà giữ được như các năm trước.
Nhưng vẫn còn những cánh cửa hẹp. Trong Công văn 8844, Thống đốc NHNN đã bật tín hiệu sẽ nới room tín dụng không hạn chế nếu tổ chức tín dụng chứng minh được đồng vốn của họ đổ vào các lĩnh vực Chính phủ ưu tiên (nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng nhà cho người có thu nhập trung bình và thấp). “Nếu mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực này làm cho tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 vượt 20% thì báo cáo NHNN Việt Nam xem xét”, công văn nêu rõ.
Vấn đề quan trọng hơn, là sự chính xác trong thống kê của các ngân hàng hiện nay chưa thể bảo đảm. NHNN không thể kiểm soát tất cả các khoản vay của các NHTM xem có phải vay phi sản xuất hay không. Chuẩn mực của các chỉ số trong hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thống kê giữa các ngân hàng với nhau và giữa NHTM với NHNN cũng chưa thống nhất dù đã có một số quy định chung về báo cáo thống kê. Thông tư 28 quy định từ ngày 20-10-2011 mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào dư nợ tín dụng.
Một khó khăn khác, NHNN theo lộ trình dự định yêu cầu các ngân hàng cổ phần phải có vốn tối thiểu 5.000 tỉ đồng vào năm 2012 và 10.000 tỉ đồng vào năm 2015. Trong khi đó, lạm phát, lãi suất, tỷ giá, theo các chuyên gia chưa thể về trạng thái an toàn (xem thêm bài “Dự báo 2012: khó”, TBKTSG số 48-2011 ra ngày 24-11-2011). “Sự co kéo về cung - cầu nguồn vốn sẽ diễn ra trong các ngân hàng khiến họ phải thận trọng hơn. Tăng trưởng tín dụng từng tháng sẽ phải điều chỉnh liên tục và linh hoạt dựa trên nguồn huy động và cân đối so với các nguồn khác chứ không thể chốt ngay từ đầu năm, đầu quí như các năm qua”, giám đốc khối nguồn vốn một ngân hàng cổ phần nói.
Hồng Phúc
tbktsg
|