Thứ Bảy, 03/12/2011 10:19

Nhiều phương án bảo đảm an toàn tiền gửi

Nhiều giải pháp đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN) triển khai nhằm giúp các ngân hàng (NH) vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Không hề có rủi ro

TS Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - cho biết, thông tin tái cấu trúc NH vừa qua phần nào khiến người dân có tâm lý lo sợ NH phá sản, tiền tiết kiệm mình gửi bị mất mát. TS Nghĩa khẳng định tất cả đều nằm trong tính toán của NHNN, người dân không nên quá lo lắng để phải đi rút tiền, mọi rủi ro đã được đảm bảo 100%, cho dù là sự cố nhỏ nhất.

TS Nguyễn Thanh Hương, Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng cũng ủng hộ quan điểm trên, bà nói: NHNN đã có lộ trình chính sách, kiểm soát chặt NH yếu, đã dành khoản tiền để bơm vốn, và đã có kế hoạch cấu trúc lại giúp các NH yếu hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bà Hương kiến nghị NHNN VN lúc này cần phải có động thái quyết liệt và mạnh mẽ hơn để công khai, minh bạch việc cơ cấu, sắp xếp lại các NH, kèm theo khẳng định chắc chắn NHNN VN đảm bảo sẽ không có chuyện gì xảy ra. “Người dân chưa am hiểu về thị trường nên dễ nhạy cảm với thông tin” - TS Hương nói.

Người dân không nên quá lo lắng về tình hình hoạt động của các ngân hàng

NHNN VN hiện đang hỗ trợ các NH gặp khó khăn để đảm bảo chi trả cho người gửi tiền, một nguồn tiền lớn đang sẵn sàng để tái cấp vốn cho các NH. Tuy nhiên một số NH đang là chủ nợ trên thị trường 2 (thị trường liên NH) cho rằng tiền mà NH cho NH bạn vay cũng là tiền NH này đi huy động từ dân cư. Do đó, NHNN cũng nên có những biện pháp hỗ trợ những NH chủ nợ khi họ gặp khó khăn trong vấn đề chi trả tiền cho khách hàng khi họ chưa thể thu hồi nợ trên thị trường này.

Cần khơi thông thị trường 2

Trong ngày 2.12, một số NH có nợ vay trên thị trường 2 đã thực hiện trả nợ cho NH bạn khi nhận được tiền hỗ trợ hoặc trả nợ vay từ NH khác. Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - cho biết lãi suất vay trên thị trường 2 hiện nay cũng không còn căng thẳng như trước. Không những Vietcombank mà các NH cổ phần lớn có nguồn vốn dồi dào cũng triển khai cho các NH gặp khó khăn thanh khoản vay.

Gần đây, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa ký cam kết hỗ trợ hợp tác song phương với NH TMCP Đệ Nhất (Ficombank). Theo đó BIDV hỗ trợ Ficombank hạn mức tín dụng 5.000 tỉ đồng để đảm bảo an toàn vốn; trong lĩnh vực hoạt động tài trợ, hai bên sẽ xem xét tạo điều kiện để bên kia có thể tham gia các dự án đồng tài trợ; ủy thác cho nhau trong việc cho vay, thu hồi nợ một số dự án đầu tư... Trước đó, BIDV cũng ký cam kết hỗ trợ thanh khoản cho NH TMCP Bắc Á số tiền 3.000 tỉ đồng và NH Dầu khí Toàn cầu số tiền 5.000 tỉ đồng.

TS Nguyễn Thanh Hương cho biết trước mắt NHNN phải tái cấp vốn để giải quyết khó khăn trên thị trường 2, không để sự ách tắc, bất ổn lan truyền xuống thị trường 1 (thị trường huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế).

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, NHNN VN cần có những biện pháp ổn định thị trường 2 bằng cách cho các NH nhỏ vay, chấn chỉnh các hợp đồng tín dụng của NH nhỏ, thậm chí mua lại các khoản nợ và coi như quốc hữu hóa. Hoặc NHNN VN sẽ tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dùng tiền dự trữ bắt buộc cho NH nhỏ vay kỳ hạn ngắn và coi như là điều tiết vốn từ NH lớn sang NH nhỏ mà không phải in tiền. Sau khi củng cố thị trường 2, cần bỏ trần lãi suất huy động thị trường 1 để các NH có thể huy động vốn. Các NH cần có cam kết vốn lưu động đối với doanh nghiệp (DN) để DN tin tưởng và trả nợ cho NH trước, khi DN cần sẽ được NH cung cấp tín dụng trở lại.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm: Nhiều cách để NHNN VN can thiệp nếu có ngân hàng đổ vỡ

Tôi nghĩ rằng người dân không nên quá lo lắng vì không chỉ NHNN VN mà Chính phủ cũng đã khẳng định sẽ không để một NH nào đổ vỡ. Thực tế hiện nay chỉ có xác suất  0,00001% NH đổ vỡ, và  NHNN VN đủ nguồn lực và khả năng can thiệp. Trong trường hợp xấu nhất, biện pháp sẽ là tái cấp vốn trực tiếp cho NH với điều kiện đặc thù để đảm bảo 100% người gửi tiền không bị thiệt hại. Còn tới đây NHNN VN nên nhanh chóng giải quyết triệt để khó khăn của các NH này thông qua xử lý tài sản, nợ, mua lại cổ phần hoặc cho sáp nhập NH lại theo phương cách an toàn nhất.

Thanh Xuân - Anh Vũ

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Thay “máu” ngân hàng từ đâu? (03/12/2011)

>   Mở cửa cho vay tiêu dùng địa ốc: Cứu người - cứu mình ? (03/12/2011)

>   Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm (02/12/2011)

>   Nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (02/12/2011)

>   Tập trung xử lý nợ xấu (02/12/2011)

>   Lãi suất xuống 12%: Kẻ mong người lo (02/12/2011)

>   Ngân hàng cho vay kiểu 'nhìn mặt, bắt hình dong' (02/12/2011)

>   Nhiều cơ sở để rộ tin đồn hạ trần lãi suất (02/12/2011)

>   Chính phủ yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất (01/12/2011)

>   MBB khai trương điểm giao dịch thứ 2 tại Đắc Lắc (02/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật