Đưa nợ xấu ra ánh sáng
LTS: Các doanh nghiệp nhà nước đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Do vậy, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phải gắn chặt với tái cấu trúc khối doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đến giờ này vẫn chưa rõ tỷ trọng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là bao nhiêu. Chưa kể sự khác biệt giữa cách đánh giá của trong nước và quốc tế.
Nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Phó tổng biên tập tạp chí Ngân Hàng Nguyễn Đắc Hưng, cho biết, theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu và nợ dưới chuẩn (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam ở mức 3,1% tổng dư nợ tại ngày 30.6.2011, tương đương gần 4 tỉ USD.
Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng chuẩn mực quốc tế, thì tỷ lệ thực của hệ thống NHTM Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng hiện nay là một ẩn số.
Xử lý dễ dãi sẽ kích thích nợ xấu
Phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, đồng quan điểm khi cho rằng: “Ngay cả cơ quan giám sát và NHNN cũng không biết chính xác số nợ xấu là bao nhiêu, do có tình trạng hạch toán không minh bạch, đạo đức nghề nghiệp méo mó. Thực tế cho thấy chỉ 1/3 các báo cáo của ngân hàng là tương đối, còn lại đều đáng nghi ngờ”.
Kết quả kiểm tra sơ bộ một ngân hàng lớn mới đây cho thấy: hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng là các tổ chức kinh tế có những khuyết điểm về mặt kỹ thuật và nội dung thiết kế, còn nhiều vi phạm trong khâu thực hiện. Do vậy, việc phân loại nợ như báo cáo còn một số sai sót và tiềm ẩn rủi ro...
Giám đốc trung tâm đào tạo Bảo Việt Phí Trọng Thảo, nêu ý kiến: “Nếu cho rằng đánh giá lại nợ xấu để xoá nợ (làm sạch bảng cân đối) là giải pháp làm cho chất lượng tài sản của ngân hàng lành mạnh hơn thì vô hình trung sẽ kích thích nợ xấu cho chu kỳ hoạt động tiếp theo”. Ông Thảo liên hệ, trước đây chưa đầy mười năm, chúng ta đã phải chi khoảng 2 tỉ USD để giải quyết nợ xấu, và lần này chắc chắn để giải quyết vấn đề tương tự sẽ tiêu tốn không dưới 10 tỉ USD.
Ông Nguyễn Đắc Hưng cũng lưu ý: trong trường hợp sáp nhập NHTM có tỷ lệ nợ xấu cao vào NHTM có tỷ lệ nợ xấu trung bình, thì tỷ lệ nợ xấu của NHTM mới có thay đổi, nhưng quy mô nợ xấu vẫn còn nguyên đó, thậm chí làm cho NHTM mới không quan tâm thiết thực đến giải quyết nợ xấu. Trong khi nếu nợ xấu vẫn ở NHTM cũ, do sức ép quyền lợi cổ đông, quyền lợi của ngân hàng, người điều hành buộc phải quan tâm, sát sao, quyết liệt hơn trong tập trung giải quyết nợ xấu.
Không thể tách rời cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Trong số các nguyên tắc, giải pháp nhằm tái cấu trúc hệ thống NHTM, TS Vũ Đình Ánh, viện Kinh tế – tài chính cho rằng, quá trình này phải gắn chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công và với quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty. Bởi theo ông Ánh, một mặt, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm trên 20% đầu tư công và các doanh nghiệp này cũng chiếm trên 30% tổng tín dụng, đó là chưa kể họ cũng là khách hàng chủ yếu của tín dụng nhà nước thông qua ngân hàng Phát triển Việt Nam với quy mô tới hàng trăm ngàn tỉ đồng. Mặt khác, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tham gia đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp ra ngoài ngành vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, công ty tài chính… nên việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng không thể thực hiện thành công nếu không đồng bộ với cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Ông Hưng lấy dẫn chứng trường hợp tâp đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin). Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 9.2010, các khoản nợ ngân hàng của Vinashin lên đến 86.000 tỉ đồng với tiền lãi hàng năm là 10.000 tỉ đồng. Kể cả Chính phủ đã tái cơ cấu lại Vinashin, bằng việc chuyển một số doanh nghiệp, dự án cho các tập đoàn khác thì số nợ cũng vẫn không thay đổi, có chăng chỉ thay đổi chủ nợ trực tiếp, dẫu xét đến cùng, chủ nợ cuối cùng vẫn là Nhà nước. Và khoản nợ chỉ riêng với hệ thống NHTM Việt Nam lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng, chủ yếu là nợ quá hạn. Đó là chưa kể số nợ tại công ty Cho thuê tài chính II của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và nợ của một số tập đoàn khác.
Thảo Nguyễn
sài gòn tiếp thị
|