Lộn xộn lãi suất huy động vốn: Bài học từ những cái mất
Chưa có khi nào như trong nửa đầu năm 2011, khách hàng đến ngân hàng thương mại gửi tiền lại trả giá (lãi suất) như đi mua rau ngoài chợ. Nhân viên ngân hàng phải tùy khách hàng để ứng xử, kỳ kèo giá cả với khách gửi tiền… Sự lộn xộn về lãi suất, nhất là từ tháng 5-9, trong nghiệp vụ huy động vốn của ngân hàng thương mại Việt Nam, để lại nhiều hệ lụy, cái được không đáng kể mà cái mất thì nhiều.
Bài học cho ngân hàng thương mại: mất nhiều hơn được
Khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thông tư 02/2011-TT-NHNN ngày 3-3-2011, khống chế trần lãi suất huy động vốn tiền đồng 14%/năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng các chiêu thức nhằm vượt trần lãi suất thông qua việc chi khuyến mãi, chi tiếp thị, chi hoa hồng môi giới huy động vốn, các hình thức khuyến mãi... Tất cả các chiêu thức chi “phá rào”, nhất là hoa hồng môi giới được vận dụng thái quá, gây nên sự lộn xộn, bát nháo trong lãi suất huy động vốn.
Những tưởng các ngân hàng chứng tỏ được sức cạnh tranh, tăng trưởng được nguồn vốn, nhưng xem kỹ thì không phải vậy. Thực tế nguồn vốn của từng NHTM cũng chỉ tăng trưởng trong giới hạn nhất định, mức tăng của các NHTM luôn dao động từ 15-25% so với cuối năm 2010. Các chiêu thức lãi suất để giành giật khách hàng không thể tạo ra đột biến được, vì nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội là một nguồn lực có giới hạn. Đồng thời sự cạnh tranh bằng lãi suất không thể tạo ra sức mạnh cá biệt nào cho mỗi NHTM, vì nếu NHTM này cộng thêm lãi suất đến mức nào, thì NHTM khác cũng cộng thêm như thế!
Cái mất cơ bản nhất là những chi phí “lộn xộn” này trước hết làm chi phí thực trả cho lãi suất tăng cao hơn 14%, từ 2-5% hoặc hơn nữa, để huy động vốn. Chi phí tăng lên thì lợi nhuận đương nhiên giảm xuống, đó là cái mất về kinh tế.
Có cái mất lớn hơn, khó đo đếm hết được, là môi trường làm việc ở các NHTM trở nên thiếu chuyên nghiệp và không còn là môi trường để nuôi dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng. Do trái luật nên phải vận dụng (chứ không còn áp dụng) luật pháp; do vận dụng nên tùy tiện; dẫn đến tình trạng cung cấp dịch vụ cho khách hàng với những giao dịch không minh bạch.
Theo các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ có thể “tùy nghi” của từng NHTM, đội ngũ cán bộ ngân hàng bên dưới phải thi hành theo kiểu “tùy nghi”. Nhân viên ngân hàng phải tùy khách hàng để ứng xử, phải trình bẩm, xin phê duyệt từng cấp có thẩm quyền quản lý trong nội bộ ngân hàng đồng ý chi thêm bao nhiêu phần trăm đối với mỗi khách hàng gửi tiền khi họ trả giá…
Bên cạnh đó, các quy định tùy nghi, sự tùy tiện cũng dễ dàng tạo kẽ hở cho những cán bộ cố ý làm trái để trục lợi, tham nhũng. Đây là cái mất cả về kinh tế và cán bộ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của ngân hàng.
Bài học khách hàng: văn minh giao dịch
Thống kê và khảo sát về quan hệ vay vốn và gửi tiền với NHTM nhiều năm cho thấy, số khách hàng có gửi tiền đồng thời có vay vốn chiếm tỷ lệ trên 80%. Do đó, khi có sự lộn xộn về lãi suất thì với vai trò người đi vay, khách hàng phải chịu lãi suất cao hơn ít nhất là bằng mức lãi suất họ đã được cộng thêm khi gửi tiền. Lợi ích tổng thể là không có.
Với những người chỉ gửi mà không vay tiền, họ được phục vụ không công khai minh bạch. Ai biết “thóp” của ngân hàng thì trả được giá cao hơn (lên đến 19% hoặc hơn), ai không biết thì chấp nhận lãi suất theo quy định (14%). Mặt khác, chỉ những người có nhiều tiền mới được “chèo kéo” và được hưởng lãi suất cộng thêm cao, người ít tiền không thể làm như vậy.
Có những khách hàng nhiều tiền, nhưng trong giai đoạn lộn xộn này, khi giao dịch gửi tiền lại rất hống hách, yêu sách đòi đơn giản thủ tục, đòi tăng phần trăm lãi suất quá mức… thậm chí có lời lẽ, thái độ xúc phạm nhân viên ngân hàng. Cái mất vô hình này thuộc phạm trù đạo đức, khó nhận biết, không đo đếm được. Đó là bài học về văn minh giao dịch đối với mỗi tổ chức và cá nhân.
Bài học với NHNN: quản lý thiếu chặt chẽ
NHNN là cơ quan quản lý về tiền tệ tín dụng ngân hàng, đã thể hiện rõ sự quản lý không chặt chẽ, thiếu dứt khoát khi để xảy ra lộn xộn về lãi suất nói chung và lãi suất huy động vốn nói riêng trong năm 2011.
NHNN ban hành khá nhiều quy định để quản lý và kiểm soát lãi suất, nhưng không có biện pháp kiểm soát, điều chỉnh hoạt động trái luật của NHTM ngay khi bắt đầu xuất hiện (mà NHNN không phải không biết và không thể không biết). Đây là nguyên nhân gián tiếp làm cho việc cộng thêm lãi suất huy động vốn vượt trần từ một vài NHTM lan nhanh, nở rộ dẫn đến sự lộn xộn về lãi suất trong nghiệp vụ huy động vốn tại tất cả các NHTM Việt Nam. Chỉ đến khi có chỉ đạo kiên quyết của thống đốc NHNN, sự lộn xộn trong huy động vốn mới chấm dứt.
Bên cạnh đó, NHNN khi ban hành quy định không có sự giải thích thấu đáo nào về cơ sở kinh tế của trần lãi suất huy động vốn (14%), chỉ đơn thuần là mệnh lệnh hành chính, do đó không tạo được sự đồng thuận cao của ngành ngân hàng. Ngoài ra, nhiều văn bản lẽ ra hết hiệu lực vẫn được dùng làm cơ sở dẫn chiếu khi xảy ra việc phá rào lãi suất (như quy chế môi giới tiền tệ ban hành theo Quyết định số 351/2004/QĐ-NHNN ngày 7-4-2004, căn cứ vào Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11, là các luật đã hết hiệu lực), gây khó cho các hoạt động của NHTM, gây bất lợi cho cán bộ NHTM khi có thanh tra, kiểm tra.
Phạm Như
tbktsg
|