Chủ Nhật, 04/12/2011 09:22

Tái cơ cấu ngân hàng: Cơ hội cho nhà đầu tư ngoại

Nâng tỉ lệ cổ phần của đối tác chiến lược nước ngoài, không tăng vốn điều lệ để khuyến khích hợp nhất... là một số kiến nghị của EuroCham Việt Nam khi nói về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Mở "room" cho đối tác nước ngoài

Việc ban hành một dự thảo Nghị định nhằm sửa đổi Nghị định 69 sẽ dỡ bỏ yêu cầu phải có Thủ tướng phê duyệt để tăng cổ phần nước ngoài trong một ngân hàng Việt Nam mà một ngân hàng quốc tế được phép nắm giữ với tư cách là một "đối tác chiến lược" từ 15% lên 20%. Bên cạnh đó, cũng không có thay đổi nào trong quy định về tổng số cổ phần nước ngoài trong một ngân hàng Việt nam không được quá 30%. Đây là điểm quan trong nhất trong các đề xuất của EuroCham.

Theo EuroCham, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang mong muốn củng cố hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, cần xây dựng lộ trình bãi bỏ quy định về việc nắm giữ cổ phần của đối tác nước ngoài.

Ai cũng biết rằng, khi trở thành đối tác chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài thường không chỉ đóng góp về tài chính, mà còn hỗ trợ về quản lý như quản lý rủi ro, quản lý thanh khoản, mua bán nợ xấu... Với một hệ thống ngân hàng còn non trẻ, với kỹ năng quản lý còn non yếu, việc nâng tỉ lệ nắm giữ cổ phần sẽ giúp nâng đầu tư công nghệ và quản trị, tăng hiệu quả hoạt động.

"Chính phủ nên cân nhắc nâng mạnh tỉ lệ cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng địa phương lên 49% - 100% như nhiều nền kinh tế đang phát triển khác, để tạo động lực cho các ngân hàng nước ngoài giúp cải thiện và nâng cao tăng trưởng của ngành ngân hàng", ông Sumit Dutta, Giám đốc điều hành Ngân hàng HSBC tại Việt Nam nêu ra khuyến nghị.

Chính phủ nên cân nhắc tăng  tỉ lệ cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng địa phương.

Tuy nhiên, cần có sự minh bạch về phạm vi và thời gian tăng số lượng cổ phần nước ngoài (chiến lược) tại khu vực ngân hàng nhằm cho phép các đối tác chiến lược và ngân hàng trong nước lập ra các phương án nước ngoài.

Với các ý kiến cho rằng, việc nâng tỉ lệ nắm giữ cổ phần tại các NH địa phương cũng đem lại một số rủi ro nhất định cho các nhà đầu tư nước ngoài trong tình trạng tính minh bạch của các ngân hàng Việt Nam chưa cao, ông Sumit Dutta thừa nhận, đây không phải là vấn đề nghiêm trọng. "Thực tế, ngay cả ở Mỹ, vẫn có tình trạng kém minh bạch và nhiều nơi khác trên thế giới cũng vậy".

Thực tế cho thấy đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến các ngân hàng Việt Nam và trở thành đối tác chiến lược. Ví dụ, từ tháng 9/2011, ngân hàng Mizuho (Nhật) đã chính thức mua lại 15% vốn tính trên số cổ phiếu đã phát hành và đang lưu hành của Vietcombank. Khoản đầu tư này tương đương 567,3 triệu USD, bằng 11.800 tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam.

Hay như trường hợp IFC và VietinBank: IFC và Quỹ cấp vốn Ngân hàng IFC đã đầu tư khoảng 182 triệu USD góp vốn cổ phần vào VietinBank (chiếm 10%). Xu hướng đầu tư như trường hợp Vietcombank (HOSE: VCB) và Vietinbank (HOSE: CTG) sẽ còn tiếp tục ở nhiều ngân hàng khác.

"Không nên có trần nào cho việc này. Một con số cụ thể áp dụng cho tất cả các ngân hàng với các điều kiện và năng lực khác nhau là bất cập. Hãy để chính mỗi ngân hàng VN đưa ra đề xuất về cổ phần tối đa và tối thiểu cho đối tác chiến lược ngân hàng mình. Nó có thể là 20%, mà cũng có thể là 100%.", ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch EuroCham bày tỏ quan điểm.

Không ép tăng vốn điều lệ

Trong tình hình, giới hạn tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng không vượt quá 20% trong năm 2011 và nhiều khả năng giới hạn tín dụng vẫn tiếp tục được áp dụng trong năm 2012.

Đối với một nền kinh tế mà tín dụng ngân hàng tăng từ 65% GDP lên tới 125% GDP trong vòng 5 năm - một mức tăng thiếu bền vững và cần được kiểm soát, chính sách hạn chế tăng trưởng tín dụng là cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng cùng một tỷ lệ cho tất cả các ngân hàng không tính đến sức mạnh về vốn, khả năng quản trị rủi ro, và bản chất của hoạt động cho vay sản xuất của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác sẽ không đem lại kết quả tối ưu cho nền kinh tế Việt Nam.

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nhận định, "Phương cách này quan tâm đến quy mô của ngân hàng hơn là chất lượng của ngân hàng đó. Ngân hàng lớn sẽ được lợi và ngân hàng nhỏ sẽ bất lợi".

Theo số liệu của EuroCham tháng 2/2011, Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia có dân số trẻ nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người, (tương đương 12% dân số) hiện đang sở hữu một tài khoản tại ngân hàng. Số liệu thống kê từ NHNN cũng cho thấy tỉ lệ tăng trưởng các sản phẩm thẻ ngân hàng đạt từ 50 - 200% trong vòng năm năm từ 2006 đến 2010. 60% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi dưới 30; 25% dân số đang sống ở thành thị, họ cởi mở với các sản phẩm tài chính và lưu giữ tài sản trong tài khoản cá nhân ngân hàng. Lực lượng này sẽ lái thị trường ngân hàng và thực tế, các ngân hàng nước ngoài vẫn rất nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

"Ngành ngân hàng Việt Nam vẫn còn rất non trẻ nên không kỳ vọng tiến trình cải thiện ngành và tái cấu trúc ngân hàng hoàn thành sớm. Đó là một quá trình sẽ diễn ra lâu dài". Tuy nhiên, để hoàn thành một chặng đường dài, phải có những bước đầu tiên,  EuroCham khuyến nghị nên thúc đẩy nhanh chóng tiến trình này. "Có thể sẽ phải mất đến 5 năm - 10 năm, hoặc thậm chí lâu hơn, nhưng cần một sự bắt đầu ngay từ bây giờ", ông Alain Cany kết luận.

Mặc dù từ giữa tháng 10/2011, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản khuyến khích sáp nhập, hợp nhất và mua bán các tổ chức tín dụng giúp hình thành những định chế tài chính lớn mạnh hơn.

Theo đó, việc mua bán, sáp nhập các tổ chức tín dụng giúp hình thành nên những định chế tài chính lớn hơn, mạnh hơn, có khả năng trụ vững trong một môi trường cạnh tranh ngày một trở nên khốc liệt, qua đó lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, về biện pháp thực hiện, EuroCham đưa ra đề xuất không tăng vốn điều lệ lên 5 nghìn tỷ và 10 nghìn tỷ vào năm 2012 và 2015, thay vào đó là sử dụng các công cụ và sáng kiến khác để khuyến khích hợp nhất các ngân hàng yếu kém.

"Duy trì vốn điều lệ không phải là điều kiện tốt để các ngân hàng phát triển mà cần tạo điều kiện cho ngân hàng nhỏ đáp ứng được nhu cầu của thị trường", ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch EuroCham khuyến nghị.

Khánh Linh

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Hạ lãi suất: Mấy phần trăm và thời điểm nào? (04/12/2011)

>   Co kéo nguồn vốn ngân hàng (03/12/2011)

>   Lộn xộn lãi suất huy động vốn: Bài học từ những cái mất (03/12/2011)

>   Một giải pháp cho hai vấn đề ngân hàng và địa ốc (03/12/2011)

>   Nhiều phương án bảo đảm an toàn tiền gửi (03/12/2011)

>   Thay “máu” ngân hàng từ đâu? (03/12/2011)

>   Mở cửa cho vay tiêu dùng địa ốc: Cứu người - cứu mình ? (03/12/2011)

>   Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm (02/12/2011)

>   Nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (02/12/2011)

>   Tập trung xử lý nợ xấu (02/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật