Chính sách tiền tệ: Hài hòa và tối ưu hóa lợi ích
Tại phiên trả lời chất vấn vừa qua, Thống đốc NHNN đã trả lời khá nhiều vấn đề liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ. Trong đó đặc biệt là các câu hỏi liên quan đến việc xử lý, giải quyết lợi ích giữa các khu vực… Trả lời chất vấn của Thống đốc thể hiện chủ trương hài hòa các lợi ích trong điều hành chính sách tiền tệ và tối ưu hóa lợi ích xã hội, lợi ích của toàn dân.
Để đánh giá chính sách tiền tệ thời gian qua có đi theo hướng lợi ích toàn dân hay là lợi ích cục bộ cần xem các động thái chính sách tiền tệ có hướng tới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội như tinh thần Nghị quyết 11 như thế nào (việc giám sát các chính sách khác như tài khóa cũng cần theo tinh thần này).
Lãi suất - ai được ai mất ?
Nếu suy luận đơn giản sẽ thấy việc siết trần lãi suất huy động 14%/năm lợi cho ngân hàng lớn, khó khăn cho ngân hàng nhỏ theo một nghĩa nào đó và về ngắn hạn. Nhìn lại lịch sử cơ chế lãi suất ở VN về quy định chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra đầu vào ở mức 3,5%/năm vào những năm 1990, cho thấy vấn đề này trần nào cho hợp lý đã được tính đến. Với quy định trần lãi suất huy động hiện nay 14% theo chủ trương của NHNN, câu hỏi đạt ra là chính sách này có hướng tới tối đa hóa lợi ích xã hội. Để cân đong điều này, chúng ta cần trả lời các câu hỏi tại sao lại áp trần lãi suất huy động hay trần lãi suất cho vay đối với ngân hàng ?
Nếu nhìn từ chức năng, ngân hàng thực hiện cho vay trên cơ sở phân tích, đánh giá (thẩm định) để tìm DN (dự án) nào hiệu quả để cho vay; Trên cơ sở đó, đồng vốn xã hội được sử dụng hiệu quả nhất. Do đó, việc áp trần lãi suất cho vay, xét về ngắn hạn sẽ có lợi cho DN là được vay mức trần lãi suất cho vay thấp ngay lập tức và đồng loạt các DN được hưởng lợi; Nhưng về mặt khác sẽ dẫn đến làm tê liệt chức năng của hệ thống ngân hàng. Tình trạng này sẽ dẫn đến không biết DN nào, dự án nào hiệu quả và dẫn đến một hệ lụy dài hạn là cào bằng các DN và làm chậm lại quá trình cơ cấu DN và rất có thể hiệu quả của đồng vốn xã hội sẽ giảm.
“Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình hy vọng, hai tháng cuối năm nay, CPI sẽ tăng ở mức dưới 1%/tháng và đó là cơ sở để giảm lãi suất” |
Vì chưa có một khảo sát nào về ứng xử của người dân gửi tiền nên dễ có suy luận rằng việc áp trần lãi suất huy động (cùng một mức) ở VN có thể dẫn đến tình trạng người gửi tiền chọn ngân hàng lớn hơn là ngân hàng nhỏ... Nếu có như vậy, trong ngắn hạn, các NHTM nhỏ sẽ phải đối mặt với “sốc” thanh khoản (do người gửi tiền rút tiền). Nhưng chắc chắn điều đó sẽ là sức ép để các ngân hàng nhỏ phải củng cố hoạt động của mình đảm bảo an toàn và giữ uy tín để thu hút tiền gửi... Tuy nhiên, nếu ngân hàng nào nhỏ, quản lý thanh khoản không tốt sẽ thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản và như vậy có thể họ sẽ phải tự thúc đẩy quá trình cơ cấu lại (sáp nhập với các tổ chức mạnh)...
Trần lãi suất đầu vào (tiền gửi) trong điều kiện thị trường đang nặng về kinh doanh tiền gửi có thể là giải pháp hạn chế, không khuyến khích nghiệp vụ này.
Lãi suất nào cho vừa ?
Có ý kiến còn cho rằng, lãi suất huy động không nhất thiết phải lớn hơn lạm phát (lãi suất thực âm) và như thế sẽ hạn chế tình trạng dân chúng chỉ mải mê đi gửi tiền, chạy đua theo lãi suất mà không đầu tư trực tiếp. Hình thức này, nhìn từ cục bộ có thể là thiệt hại cho cá nhân, nhưng có thể hạn chế được tư tưởng đầu cơ tiền gửi, dập tắt được trào lưu đua lãi suất và hướng dòng vốn đầu tư trực tiếp vào sản xuất có thể là giải pháp dài hạn và lợi ích lại mang tính xã hội tổng thể. Trần lãi suất hiện tại là 14%/năm là cơ sở cho lãi suất cho vay ra trên cơ sở lạm phát thời gian tới thấp dưới 10% rõ ràng là hợp lý và do đó cũng cần các chính sách vi mô khác (nhất là tài khóa) để đảm bảo mức lạm phát này.
Người dân gửi tiền muốn lãi cao, DN muốn lãi suất vay càng thấp càng tốt... Nền kinh tế muốn lãi suất nào đó để tăng trưởng kinh tế hiệu quả nhưng phải kiềm chế lạm phát (lạm phát ở mức hợp lý, tăng trưởng kinh tế không quá nóng, hạn chế tình trạng rủi ro quá mức...). Những vấn đề này là rất thách thức đối với bất kỳ ngân hàng trung ương nào và đòi hỏi NHNN phải sớm loại bỏ các can thiệp hành chính quá mức vào thị trường tiền tệ; nhưng cũng đặt ra yêu cầu NHNN can thiệp hợp lý vào thị trường tiền tệ, chống đầu cơ quá mức vào các khu vực đầu cơ và tình trạng chấp nhận rủi ro quá mức của các ngân hàng.
Ths Lê Văn Hinh
Diễn đàn doanh nghiệp
|